e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Từ năm 2021, nhiều người lao động làm việc ở 22 tỉnh sẽ được nghỉ hưu sớm

15:27 | 25/11/2020 Print
- Nhiều lao động thuộc các tỉnh: Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Bình Phước, Kon Tum, Gia Lai… được nghỉ hưu sớm quy định.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Thông tư ban hành danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đây là căn cứ để xác định các trường hợp có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn theo quy định tại khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động và Điều 5 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.

Chú thích ảnh: Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Theo đó, Nghị định số 135/2020/NĐ-CP đã quy định, từ ngày 01/01/2021, người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường kể từ năm 2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ, để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 vào năm 2035, nam là 62 vào năm 2028.

Tuy nhiên, người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021, thì được nghỉ hưu thấp hơn tuổi quy định tối đa 5 năm.

Đối tượng áp dụng sẽ là người lao động và người sử dụng lao động quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 2 của Bộ luật Lao động; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Phạm vi áp dụng là một số huyện, xã ở 22 tỉnh thuộc vùng đặc biệt khó khăn, bao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Kiên Giang./.

Quang Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư