Xử lý hình sự đối tượng nhận hối lộ chạy chức, chạy quyền

16:55 | 24/09/2019 Print
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Ngày 23/09/2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205/QĐ-TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì trong một phiên hop của Bộ Chính trị

Không bố trí người thân đảm nhiệm chức danh liên quan

Tại quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nêu rõ: Điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp hoặc khi thấy cần thiết.

Đồng thời không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch Uỷ ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Theo quy định 205, các thành viên cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm cá nhân trong việc đề xuất nhân sự và trong việc nhận xét, đánh giá, xác nhận hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ có liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền phụ trách. Với tư cách là thành viên, chịu trách nhiệm liên đới đối với từng quyết định không đúng về công tác cán bộ của tập thể lãnh đạo, trừ trường hợp đã có ý kiến không đồng ý trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ và báo cáo cấp có thẩm quyền bằng văn bản (hoặc ý kiến đã được ghi nhận trong biên bản cuộc họp).

Chịu trách nhiệm khi để xảy ra tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực thuộc thẩm quyền được giao quản lý, phụ trách.

Quy định 205 cũng nghiêm cấm các hành vi như cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Nghiêm cấm tặng tiền, bất động sản

Về chống chạy chức, chạy quyền, Quy định 205 nêu rõ những hành vi, biểu hiện của việc này. Đơn cử như việc tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, "cánh hẩu" vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người.

Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.

Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Đồng thời, sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Đối tượng nhận hối lộ chạy chức, chạy quyền sẽ bị xử lý hình sự

Về xử lý vi phạm, Quy định 205 nêu rõ: Những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, nếu là cán bộ đang công tác tuỳ theo hình thức bị kỷ luật còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như sau:

Bị khiển trách thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 18 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Bị cảnh cáo thì xem xét cho thôi tham gia cấp uỷ, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm. Đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định cho thôi cấp uỷ, chức vụ mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Bị cách chức thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính./.

Quang Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư