e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Bộ KHĐT tập huấn quán triệt một số nội dung của Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018)

11:47 | 19/12/2019 Print
- Sáng ngày 19/12, Thanh tra Bộ phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ kinh tế - kế hoạch tổ chức lớp tập huấn quán triệt một số nội dung của Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho công chức, viên chức thuộc Bộ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Báo cáo của Thanh tra Bộ, ngày 03/12/2019 về việc triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống tham nhũng năm 2019; Kế hoạch triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 và Kế hoạch tuyên truyền về phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021 và năm 2019, Thanh tra Bộ đã phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ kinh tế - kế hoạch tổ chức lớp tập huấn quán triệt một số nội dung của Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho công chức, viên chức thuộc Bộ.

Tới dự lớp tập huấn có đồng chí Lương Văn Kết – Chánh Thanh tra Bộ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ và đông đảo lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Toàn cảnh buổi tập huấn/Ảnh: Huy Tịnh

Trình bày tại buổi tập huấn, TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ cho biết, thực hiện các kế hoạch về phòng, chống tham nhũng năm 2019, đồng thời, thực hiện các nội dung về Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018), bài giảng sẽ tập trung giới thiệu về các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018), trong đó tập trung vào 4 vấn đề sau: Công khai, minh bạch trong hoạt động của đơn vị; Những việc công chức, viên chức không được làm; Chuyển đổi vị trí công tác; Xung đột lợi ích.

Về vấn đề công khai, minh bạch trong hoạt động của đơn vị, theo TS. Đinh Văn Minh, Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018) có hiệu lực từ ngày 01/07/2019 có nhiều quy định rất cụ thể, nhưng có thể nói, “phương thuốc” đặc trị phòng, chống tham nhũng đó là công khai, minh bạch. Ông cũng dẫn chứng những vụ việc tham nhũng gần đây, mà điển hình là vụ án AVG đang được xét xử, nếu việc giao dịch giữa Mobifone với AVG không được đưa vào danh mục tài liệu mật, mà được đem ra công khai, minh bạch, thì đã không đã xảy ra sự việc đáng tiếc như trên.

Đặc biệt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của cơ quan thanh tra chính phủ cũng nhấn mạnh đến vai trò của các hình thức công khai. Theo đó, các hình thức công khai phải được công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; Tổ chức họp báo; Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phải có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.

Về những việc công chức, viên chức không được làm: theo TS. Minh, Luật Phòng, chống tham nhũng có rất nhiều quy định, nhưng tựu chung, đều quy trách nhiệm về người đứng đầu trong các vấn đề công khai, minh bạch. Đặc biệt, vấn đề nêu gương của người đứng đầu là rất quan trọng. Điều 20, Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rất rõ các quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn: bao gồm các chuẩn mực xử sự là những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ. Đồng thời, cũng quy định rõ người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm một số việc theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan.

TS. Minh cũng phân tích với các cán bộ, công chức, viên chức cần phải hiểu rõ bản chất của việc vụ lợi, từ đó dẫn tới tham nhũng, đó là vụ lợi không chỉ là về lợi ích kinh tế, mà còn là vụ lợi về tình cảm, tinh thần.

Đặc biệt, một vấn đề rất quan trọng trong công tác phòng tham nhũng, đó là việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được quy định rất rõ tại điều 6 của Luật. Theo đó, cơ quan thông tin, truyền thông và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức cho công dân và người có chức vụ, quyền hạn.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống nhằm phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đối với học sinh trung học phổ thông, sinh viên, học viên và người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng là lòng tham và quyền lực. Chính vì vậy, vấn đề giáo dục liêm chính, giáo dục đạo đức nhân cách lối sống sẽ giúp phòng ngừa tham nhũng. Nếu làm tốt được vấn đề này, thì việc xử lý nghiêm minh trong pháp luật là thứ yếu trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, kiểm soát quyền lực cũng là vấn đề quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Theo đó, để kiểm soát quyền lực thì cần: tự mình kiểm soát (đạo đức) và kiểm soát từ bên ngoài (tức là Nhà nước kiểm soát).

Về Chuyển đổi vị trí công tác: theo ông Minh, chuyển đổi vị trí công tác (khác với luân chuyển cán bộ) để phòng ngừa tham nhũng. Theo đó, việc chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.

Về vấn đề Xung đột lợi ích: theo TS. Minh, xung đột lợi ích dễ dẫn đến không khách quan. Ví dụ như: một cán bộ tham gia đoàn thanh tra, nhưng có người nhà thuộc diện thanh tra, thì phải báo cáo tổ chức để tổ chức xem xét có được tham gia thanh tra nữa không nhằm đảm bảo khách quan trong quá trình thanh tra.

Điều 23 của Luật quy định rõ, người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý.

Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp sau đây: Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; Đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; Tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư