Bộ VHTTDL phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong vấn đề đạo đức xuống cấp

09:47 | 11/01/2020 Print
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, vấn đề đạo đức xuống cấp, mặc dù là trách nhiệm chung của xã hộ,i nhưng với vai trò là Bộ quản lý nhà nước về văn hóa, Bộ VHTTDL phải thấy rõ trách nhiệm của mình để có giải pháp.

Sáng ngày 10/01/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác VHTTDL năm 2020 tại ba điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Năm 2019 một năm nhiều dấu ấn

Năm 2019, Ngành VHTTDL cả nước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật: Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, quy mô lớn được tổ chức góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Thể thao Việt Nam có bước tiến vượt bậc tại SEA Games 30 và đứng thứ 2 toàn đoàn với 98 HCV, trong đó có nhiều huy chương ở các môn Olympic, Đội tuyển U22 nam quốc gia lần đầu tiên sau 60 năm giành HCV SEAGames và Đội tuyển Nữ bảo vệ thành công chức vô địch lần thứ 6 đầy quả cảm đem lại niềm vinh dự, tự hào dân tộc, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Du lịch Việt Nam có bước phát triển đột phá, tốc độ tăng trưởng trung bình năm 2019 và 3 năm liên tiếp (2016 - 2019) đạt 30%/năm. Khách du lịch quốc tế tăng trưởng ấn tượng, đón trên 18 triệu lượt, tăng 16,2% so với năm 2018. Du lịch Việt Nam tiếp tục được vinh danh tại các giải thưởng du lịch quốc tế. Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới.

Huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển ngành

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, toàn ngành sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, đồng thời tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực. “Toàn ngành sẽ cố gắng cao nhất để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao trong năm 2020. Mong rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm và chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với sự phát triển của các lĩnh vực VHTTDL”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Hội nghị

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, trong năm 2020, ngành VHTTDL sẽ tập trung các vấn đề trọng tâm, như: hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật; tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực trong công tác chỉ đạo điều hành; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển ngành; tổ chức thực hiện các chương trình, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã báo cáo, nêu các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của ngành trong năm 2020, trong đó nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của ngành VHTTDL thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/06/2014 về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/06/2008 về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Triển khai xây dựng: Lập hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều 01 dự án Luật; 04 nghị định và 22 Thông tư. Hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các nhiệm vụ, văn bản, đề án trong Chương trình xây dựng văn bản, đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2020.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường giải pháp thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ và Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ năm 2020. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, các giải pháp phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.

Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Bộ, Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, làm tốt công tác tiếp công dân.

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ở trong và ngoài nước. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa đối ngoại 2020. Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.

“Năm 2020 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2016-2020, năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, phát huy thành tích đã đạt được, với quyết tâm chính trị cao nhất, Ngành VHTTDL phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra cho năm 2020 và các mục tiêu phát triển Ngành theo kế hoạch phát triển 5 năm 2016-2020, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016- 2020, Chiến lược 10 năm 2011-2020 của Chính phủ”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Khơi dậy tinh thần Việt Nam ở mọi lĩnh vực

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, biểu dương và cảm ơn nỗ lực của toàn ngành VHTTDL đã mang lại những thành tích cho đất nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, vẫn còn có những vấn đề, khía cạnh đòi hỏi ngành cần tiếp tục có sự quyết liệt, sâu sát, nhìn thẳng vào những vấn đề còn tồn tại để giải quyết triệt để.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Ví dụ như trong vấn đề đạo đức xuống cấp, mặc dù là trách nhiệm chung của xã hộ,i nhưng với vai trò là Bộ quản lý nhà nước về văn hóa, Bộ VHTTDL phải thấy rõ trách nhiệm của mình để có giải pháp. Trong lĩnh vực di sản, dù đã được bảo vệ, ghi danh và phát huy hiệu quả nhưng thực tế các vụ việc xâm hại di tích, di sản vẫn xảy ra . Hay trong vấn đề đặt hàng trong đào tạo, sáng tác các loại hình văn học nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống. Nếu cứ để tuồng, chèo tự sống trong thị trường thì sẽ rất khó khăn; đời sống của lý luận phê bình nghệ thuật, nhạc cụ truyền thống cũng vậy. Theo Phó Thủ tướng, cần nhìn nhận đây là hạn chế để sớm khắc phục.

“Thiết chế văn hóa dù được đầu tư phát triển tốt hơn nhưng vẫn chưa đúng mức. Các triển lãm, bảo tàng hoạt động còn hạn chế, chúng ta còn cảm thấy day dứt khi có những bảo vật quốc gia phải nằm dưới hầm và không đủ điều kiện cần thiết để đưa ra trưng bày với công chúng... Những mặt này Bộ phải có tiếng nói mạnh mẽ, quyết liệt hơn”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Năm 2020 là một năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, theo Phó Thủ tướng, Bộ VHTTDL trên đà phát triển cần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa trách nhiệm của mình. “Làm văn hóa có đặc điểm là cái tốt cũng không thấy ngay được, cái xấu đã nhìn ra nhưng cũng không khắc phục được ngay, cho nên nếu không tự xác định trách nhiệm cao hơn bình thường thì sẽ cứ bình bình, không tạo được sự đột phá. Trách nhiệm của ngành chúng ta là phải góp phần khơi dậy ý chí, tinh thần dân tộc, phát huy cái tốt , đấu tranh đẩy lùi cái xấu, sự xuống cấp của đạo đức. Bộ VHTTDL phải là đầu mối, nòng cốt, trách nhiệm cao...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, ngành VHTTDL cần tập trung khắc phục những hạn chế, tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành, cơ quan tuyên truyền, tăng cường nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng và sự đầu tư tương xứng cho văn hóa. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý phát huy vai trò của văn hóa trong mọi lĩnh vực, nhấn mạnh yếu tố văn hóa gia đình, đề cao tính gương mẫu ngay từ những việc nhỏ và cụ thể.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, Thể thao Việt Nam tiếp tục phát huy thành tích, phát triển gắn với văn hóa, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần, ý chí Việt Nam. Lĩnh vực thể thao cần đặc biệt tập trung chuẩn bị cho một kỳ SEA Games mẫu mực, văn minh, tận tình, chu đáo.

“Lĩnh vực du lịch cũng có nhiều việc cần làm, trong đó cần có tập trung hoàn thiện Chiến lược về phát triển du lịch 2021-2030 với tinh thần tiến công, trách nhiệm, đặt mục đích cao để phấn đấu, phát huy thế mạnh về tự nhiên, con người, bản sắc văn hóa, sao cho đến năm 2030 Việt Nam phải trở thành một trong 30 quốc gia du lịch có sức cạnh tranh trên thế giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Quang Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư