e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020 sẽ tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề

15:26 | 07/05/2020 Print
- Sáng ngày 7/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Họp báo thông tin trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020 diễn ra vào ngày 9/5 tới.

Phát biểu tại buổi Họp báo, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020 được coi như Hội nghị Diên hồng về lĩnh vực kinh tế, khôi phục lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Hội nghị thể hiện lòng yêu nước, sự đoàn kết, nhất trí của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam để cùng Chính phủ vượt qua khó khăn, tiếp tục đưa đất nước đi lên sau dịch bệnh.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại buổi Họp báo. Ảnh: Minh Trang

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, để chuẩn bị cho Hội nghị cũng như nghiên cứu các tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam, các bộ, ngành, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có rất nhiều hoạt động liên quan đến doanh nghiệp và đánh giá, khảo sát cũng như khuyến nghị xây dựng các cơ sở chính sách mới cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, lãnh đạo Bộ cũng trực tiếp làm việc với nhiều doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp để lắng nghe, tìm hiểu những khó khăn vướng mắc và đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với các chính sách mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, tìm hiểu dư địa để xây dựng những chính sách hỗ trợ mới cho các khu vực, thể hiện mạnh mẽ hơn nữa sự ủng hộ của Chính phủ các bộ, ngành, địa phương đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, Hội nghị sắp tới sẽ không mất nhiều thời gian phân tích, mổ xẻ vào những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, mà tập trung vào các ý kiến hiến kế, tham mưu giải pháp để xây dựng chính sách hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Cũng tại đây, các thành viên của Chính phủ cũng sẽ đưa ra những cam kết với cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, tại buổi đối thoại, những kiến nghị nào thuộc thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ sẽ ra nghị quyết, quyết định ngay, vấn đề nào vượt thẩm quyền sẽ được gửi lên Quốc hội trong Kỳ họp tới để được giải quyết sớm và triệt để.

Toàn cảnh buổi Họp báo. Ảnh: Minh Trang

"Với tính chất quan trọng của Hội nghị, đây là lần đầu tiên tổ chức trực tiếp tới 63 điểm cầu tại các địa phương và 30 điểm cầu ở các trụ sở bộ, ban, ngành Trung ương và được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1 và các ứng dụng online của Đài truyền hình Việt Nam. Như vậy, tất cả 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, 5 triệu hộ kinh doanh, mở rộng hơn là 90 triệu người dân đều được theo dõi, lắng nghe phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như ý kiến của người đứng đầu Chính phủ”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Hội nghị dự kiến sẽ tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề:

Thứ nhất, đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; khích lệ các nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường và hỗ trợ lẫn nhau, trách nhiễm xã hội, đồng hành cùng Chính phủ của các doanh nghiệp trong quá trình phòng chống địa dịch Covid-19.

Thứ hai, đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, địa phương ban hành.

Thứ ba, nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo, phát hiện cơ hội mới, để thích ứng với hoàn cảnh mới; nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của dịch Covid-19.

Thứ tư, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Nội dung thảo luận gồm: Hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh bị đứt gãy các chuỗi cung ứng truyền thống; chủ động và khai thác hiệu quả thị trường trong nước trong khị thị trường thế giới đang giảm mạnh cả phía cung và phía cầu; chủ động các nguồn cung vật liệu cho sản xuất, kinh doanh; cơ hội cho những ngành nghề, sản phẩm có tiềm năng, như: kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị sản phẩm y tế…/.

Hồng Ánh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư