e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

2,4 triệu người mất việc làm trong quý II/2020

16:21 | 10/07/2020 Print
- Đó là một trong những thông tin được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố tại cuộc họp báo tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2020, tổ chức sáng ngày 10/7/2020.

Quang cảnh buổi họp báo

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm qua

Tại buổi họp báo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống Kê Phạm Quang Vinh cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến lao động, việc làm toàn cầu. Dự báo khoảng một nửa lao động toàn cầu mất việc, mất sinh kế.

Riêng tại Việt Nam trong quý II có thêm 2,4 triệu lao động mất việc, tỷ lệ thất nghiệp cả nước quý II năm nay tăng 2,73% (khoảng 1,3 triệu người), trong đó khu vực thành thị tăng 4,46% so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm qua, trong đó tỷ lệ thất nghiệp tăng nhiều nhất ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp. Dịch bệnh sẽ tiếp tục tác động đến lao động, việc làm thời gian tới.

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm: những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong đó có khoảng 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh, chiếm tỷ trọng 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng.

Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế).

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 72,0% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 67,8% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.

Đối với cả nhóm lực lượng lao động trong độ tuổi và ngoài độ tuổi, lực lượng lao động nữ luôn là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lực lượng lao động nam trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới thị trường lao động tại Việt Nam.

Trong quý II/2020, lực lượng lao động nữ trong độ tuổi giảm 4,9% so với quý trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm của lực lượng lao động nam trong độ tuổi (giảm 3,9% so với quý trước và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước).

Đối với nhóm ngoài độ tuổi lao động, trong khi lực lượng lao động nữ ghi nhận mức giảm lần lượt là 1,8% so với quý trước và 4,9% so với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động nam ngoài độ tuổi thậm chí tăng nhẹ (tăng 0,8% so với quý trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước).

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã khiến tình trạng lao động không sử dụng hết tiềm năng trong nền kinh tế nghiêm trọng hơn. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý II/2020 tăng cao gấp khoảng 1,5 lần so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Đa phần lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người trẻ, dưới 34 tuổi.

Thu nhập bình quân tháng của lao động đạt 5,2 triệu đồng

Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II/2020 là 5,2 triệu đồng, giảm 525 nghìn đồng so với quý trước (thu nhập bình quân tháng của lao động quý I/2020 là 5,8 triệu đồng) và giảm 279 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua (giảm 5,1%). Trong khi đó, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II/2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng tới 16,6%.

Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,4 lần so với thu nhập của lao động nữ (tưng ứng là 6,1 triệu đồng và 4,3 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,5 lần (tương ứng là 6,7 triệu đồng và 4,5 triệu đồng).

So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II/2020 khu vực Dịch vụ giảm 7,3%, giảm mạnh nhất trong 3 khu vực kinh tế; khu vực Công nghiệp và xây dựng giảm 5,1%; khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,8%.

Trong 21 ngành kinh tế, các ngành có thu nhập bình quân tháng của lao động quý II/2020 giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước là ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí (giảm 19,2%); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 18,3%); ngành vận tải kho bãi (giảm 12,8%); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có các động cơ khác (giảm 9,1%).

So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động là chủ cơ sở có mức giảm cao nhất, giảm 17,3%; lao động tự làm giảm 7,6%; lao động làm công hưởng lương giảm 2,8%.../.

Quang Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư