Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trong xây dựng và phát triển đất nước

11:31 | 01/09/2020 Print
- Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Quốc Khánh 2/9, là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ôn lại truyền thống vẻ vang, hun đúc khát vọng cháy trong những người dân Việt Nam về một nền độc lập tự do cho Tổ quốc, một nền hòa bình bền vững cho đất nước.

Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên tạo thành cơn bão táp cách mạng, lật nhào ách thống trị tàn bạo của phát xít Nhật, giành độc lập cho dân tộc. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 - Ảnh: Tư liệu

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã tạo động lực để dân tộc ta đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đập tan ách thống trị hơn 80 năm của chủ nghĩa thực dân, phát xít tàn bạo, chấm dứt sự tồn tại của chế độ phong kiến; thiết lập nền dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do, nhân dân lao động làm chủ đất nước. Sự ra đời của Nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam là bước nhảy vọt to lớn, là cuộc đổi đời vĩ đại không chỉ trong lịch sử Việt Nam, mà cả lịch sử đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên thế giới.

Cách mạng tháng Tám là cuộc vùng dậy của cả dân tộc trải qua mấy nghìn năm chiến đấu anh dũng, là đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh đoàn kết toàn dân, thể hiện tầm cao trí tuệ dân tộc và sức mạnh của thời đại. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Cách mạng tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất và là một trong những bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam.Với Cách mạng tháng Tám, "Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa"[1]. Cách mạng tháng Tám làm nên cuộc đổi đời cho toàn dân tộc. Từ thân phận nô lệ, nhân dân ta trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đảng ta, từ một đảng hoạt động không hợp pháp, trở thành một đảng cầm quyền lãnh đạo xã hội, lãnh đạo Nhà nước. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã mở ra một thời đại mới, thời đại rực rỡ của lịch sử dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.

Không chỉ có giá trị và ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, Cách mạng tháng Tám còn là sự kiện trọng đại của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX. Đó là đòn quyết định phá tung một mắt xích quan trọng và thúc đẩy sự tan rã nhanh chóng của hệ thống thuộc địa; mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám góp phần làm giàu thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nó chứng tỏ rằng, trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa, do toàn dân nổi dậy, dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác-Lênin, có đường lối đúng đắn hoàn toàn có thể giành thắng lợi.

Cách mạng tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác - Lênin tại một nước thuộc địa ở châu Á. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với xu thế của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Với những giá trị và tầm vóc to lớn đó, Cách mạng tháng Tám và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một trong những "chiến công hiển hách và thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại của dân tộc Việt Nam"[2] trong thế kỷ XX.

Trải qua 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) đã hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, từng bước đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thành quả vĩ đại và những bài học lịch sử vô giá của Cách mạng tháng Tám và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành động lực và sức mạnh to lớn và là hành trang để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới.

PHÁT HUY TINH THẦN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9 TRONG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tinh thần "... thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ..."[3], toàn thể dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.Trên cơ sở đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, với phương châm: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng; vừa kháng chiến, vừa củng cố hậu phương và với phương thức tác chiến thích hợp, toàn Đảng, toàn quân và dân tộc Việt Nam đã lần lượt làm phá sản các chiến lược quân sự của kẻ thù. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, trải qua hơn 3.000 ngày đêm chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ, nhưng vô cùng anh dũng và tự hào, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên một Điện Biên lịch sử - “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với thắng lợi này, "lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới"[4].

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, nhưng tại miền Nam, nhân dân ta tiếp tục chiến đấu với kẻ thù xâm lược. Trước tình hình đó, nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện nhiệm vụ cao cả này, nhân dân Việt Nam lại bước vào cuộc kháng chiến thần thánh đầy khó khăn, gian khổ nhưng với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do" và với niềm tin sắt đá"... dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn"[5], dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Trải qua 21 năm chiến đấu anh dũng, với đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản; với phương châm toàn dân đánh Mỹ, cả nước đánh Mỹ, "mỗi người dân là một dũng sĩ diệt Mỹ"; với sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân loại tiến bộ trên thế giới..., quân dân đất Việt đã đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền quyền Sài Gòn, giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (ngày 30/4/1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến tranh qua đi, hậu quả để lại vô cùng nặng nề và nhân dân Việt Nam tiếp tục phải đương đầu với kẻ thù xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân ta vừa tập trung khôi phục kinh tế - xã hội, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; đồng thời, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng và hồi sinh đất nước chùa tháp. Trước những yêu cầu mới của sự phát triển đất nước, nhận thức được những bất cập của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, Đảng đã tổng kết sáng kiến của nhân dân, tiến hành đổi mới từng phần trong nông nghiệp, công nghiệp và bước đầu đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và từng bước hình thành đường lối đổi mới.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), đề ra Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên hành trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sau Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa đường lối đổi mới và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011). Những năm 90 của thế kỷ XX, vượt qua thách thức từ sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã kiên định và vững bước trên con đường đi lên xã hội chủ nghĩa. Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VI đến khóa XII đã ban hành nhiều nghị quyết về những vấn đề quan trọng; Quốc hội thể chế hóa trong Hiến pháp và trong các luật, tạo cơ sở pháp lý ngày càng đồng bộ và phù hợp cho quá trình đổi mới; Chính phủ cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và giải pháp quản lý, quản trị phát triển đất nước; từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân và vì dân”; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kết hợp chặt chẽ đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị; kết hợp có hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh, giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước với cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn mình trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững; độc lập, chủ quyền được bảo đảm; vị thế và uy tín đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Đặc biệt, đến hết năm 2019, GDP đạt tăng trưởng 7,02%; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả tích cực; Việt Nam lần thứ 2 được bầu với số phiếu tuyệt đối, trở thành thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, qua đó, nâng tầm vị thế đất nước trên trường quốc tế. Với tất thảy những thành tựu đạt được, có thể thấy, chưa bao giờ Việt Nam có cơ đồ và vị thế như ngày nay.

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình quốc tế và trong nước diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, với những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen: Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo của tình hình thế giới. Việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trở thành tất yếu của tất cả các quốc gia, dân tộc. Cách mạng công nghiệp 4.0, tác động sâu rộng đến kinh tế toàn cầu.Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành tài nguyên, thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực chất lực cao giữa các nước ngày càng gay gắt.Trên thế giới xuất hiện nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, các định chế tài chính quốc tế, các hiệp định kinh tế song phương, đa phương mới. Chiến tranh thế giới có thể không xảy ra, nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo, chủ nghĩa khủng, chiến tranh cục bộ… đã và đang xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới, tác động trực tiếp tới Việt Nam. Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiềm ẩn nhiều nhân tố mất ổn định và khó lường. Đặc biệt, tình trạng tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, nhất là trên Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp.

Ở trong nước, những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đổi mới đã tạo ra sức mạnh tổng hợp, tạo tiền đề để đất nước phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong nội tại nền kinh tế cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; trong khi đó, văn hóa - xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc, phân hóa xã hội ngày càng tăng và đạo đức xã hội có mặt xuống cấp. Bốn nguy cơ mà Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 01/994) chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt trầm trọng hơn. Nguy cơ “tụt hậu xa hơn về kinh tế” trở thành thách thức lớn đối với đất nước; tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí tuy đã được ngăn chặn bước đầu nhưng vẫn gây nhức nhối. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá cách mạng Việt Nam, thực hiện âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và phủ định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Trước tình hình đó, để đưa đất nước phát triển bền vững, cần phải chú trọng những vấn đề sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy thế mạnh, tiềm năng của đất nước và các thành phần kinh tế; tiếp tục phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; từng bước cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, phải xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam có chí khí và khát vọng vươn lên. Thực hiện tiến bộ gắn liền với công bằng xã hội trong mỗi bước đi và trong cả quá trình phát triển, thực hiện chính sách phát triển bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau. Phát huy sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác, phát triển, Việt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, nâng cao sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang nhân dân để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong tình hình phức tạp hiện nay, chúng ta phải kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”[6]. Để giữ vững độc lập, chủ quyền, bên cạnh việc quán triệt và thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, nhân dân và các lực lượng vũ trang phải luôn cảnh giác, từng bước làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Mặt khác, ngay trong thời bình, lực lượng vũ trang tích cực chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược từ bên ngoài. Tiếp tục giáo dục truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, nâng cao bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong quân đội nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung, thường xuyên huấn luyện và rèn luyện, phát triển nền khoa học - công nghệ hiện đại, trong đó có khoa học - công nghệ quân sự, bảo đảm cho lực lượng vũ trang đánh thắng địch trong mọi tình huống.

Xây dựng quân đội xứng đáng là “lực lượng trụ cột” của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Tích cực đối phó với những âm mưu, thủ đoạn mới của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch. Tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia về cả tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, với lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, đủ sức đánh thắng mọi hành động xâm lược, chống phá của kẻ thù. Bên cạnh đó, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh với một đường lối tổng hợp, kết hợp quân sự với kinh tế, văn hóa và chính sách đối ngoại. Nắm vững nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trọng tâm để làm cơ sở tăng cường tiềm lực quốc phòng.

Thứ ba, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời, hơn bao hết, Đảng phải phát huy bản lĩnh, trí tuệ và truyền thống đoàn kết, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của toàn Đảng; nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ và đội ngũ đảng viên của Đảng; chú trọng nêu gương của những người đứng đầu, giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên tự phê bình và phê bình, thực hiện nghiêm minh kỷ cương, kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ, công khai minh bạch. Kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tích cực chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chủ động, kịp thời phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch.

* *

*

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Quốc Khánh 2/9, là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ôn lại truyền thống vẻ vang, hun đúc khát vọng cháy trong những người dân Việt Nam về một nền độc lập tự do cho Tổ quốc, một nền hòa bình bền vững cho đất nước. Từ đó, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng với công lao, xương máu của biết bao đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân./.

PGS, TS. Nguyễn Danh Tiên

Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 25/2020)


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.3.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.6.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, Tập 4, tr. 480.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, Tập 10, tr. 12.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CCTQG, Hà Nội, 2000, Tập 12, tr. 509.

[6] Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư