Cơ hội để đổi mới mạnh mẽ

15:04 | 08/01/2021 Print
- Sáng mai, 09/01/2021, Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ khai mạc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Cùng ngày, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cũng sẽ chính thức được Chính phủ khởi công xây dựng, nhằm thực hiện mục tiêu kết nối, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam.

Hơn 150 doanh nghiệp tham gia Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam

Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 là hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của người dân, của doanh nghiệp và xã hội về đổi mới, sáng tạo. Đây là triển lãm quốc tế đầu tiên về mảng việc này tại nước ta, hội tụ một hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo rộng lớn của Việt Nam và thế giới. Triển lãm có hơn 150 gian trưng bày với sự tham gia của đa dạng các chủ thể gồm khối doanh nghiệp công nghệ lớn nhất thế giới như Samsung, Intel, Dell, Hitachi, Siemens, Hyosung…; khối doanh nghiệp công nghệ Việt Nam như Viettel,Vingroup, MoMo, CMC…; cộng đồng startups, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hàng chục quỹ đầu tư. Đặc biệt, Triển lãm có một khu vực dành cho cộng đồng yếu thế, giới thiệu các sản phẩm sáng tạo từng đạt giải thưởng; các cá nhân từ các cơ sở sản xuất của người yếu thế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ trong Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn lan tỏa văn hóa đổi mới, sáng tạo đến mọi tầng lớp người dân Việt Nam

Chia sẻ về về vai trò của đổi mới, sáng tạo đối với sự phát triển đất nước, ông Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ hoặc đi ngang, hoặc rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Đổi mới, sáng tạo là một trong những giải pháp để thoát được bẫy thu nhập trung bình khi nó buộc các cơ quan, tổ chức… phải thay đổi mô hình quản trị, cách thức quản lý và phương pháp kinh doanh. “Đây là cơ hội để đổi mới mạnh mẽ, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh và nâng cao giá trị doanh nghiệp”, ông nói.

Trong chia sẻ với các doanh nghiệp tháng 12 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, nền kinh tế của tương lai sẽ có 70% thuộc về những yếu tố mới - đó là những gì chúng ta chưa biết, nhưng rất cần khám phá, sáng tạo nên. Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang và sẽ thúc đẩy kết nối số, tạo nền tảng thuận lợi nhất cho công cuộc đổi mới, sáng tạo của các chủ thể trong nền kinh tế, khám phá sức phát triển của chính mình.

Trong quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đổi mới, sáng tạo không phải là những gì cao siêu, mà chính là từ những sáng kiến nhỏ có ích cho cộng đồng, những nỗ lực sáng tạo vì cộng đồng. Đó là những nỗ lực liên tục, bền bỉ, được chứng minh qua hành động cụ thể trong những hoạt động từ đơn giản đến phức tạp. Thông qua việc tổ chức 2 sự kiện lớn ngay từ đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng sẽ lan tỏa văn hóa đổi mới, sáng tạo trong mọi tầng lớp người dân Việt Nam, tạo ra xung lực mới cho sự phát triển của quốc gia cũng như cơ hội bình đẳng cho mọi người dân được vươn lên trong môi trường số.

NIC được hưởng cơ chế ưu đãi đặc thù theo Nghị định 94/2020/NĐ-CP để thu hút và ươm mầm các ý tưởng đổi mới, sáng tạo

Về việc khởi công xây dựng NIC, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, tổng vốn đầu tư Trung tâm này là 750 tỷ đồng là vốn huy động ngoài ngân sách, do nhà tài trợ và các doanh nghiệp đóng góp. Hiện nay đã có nhà tài trợ Hàn Quốc đóng góp vào dự án này.

Cũng theo ông Đông, thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Chính phủ kỳ vọng NIC sẽ là nơi hội tụ, ươm mầm các ý tưởng sáng tạo và trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo của khu vực trong kỷ nguyên mới.

Theo dự kiến, NIC sẽ hoàn tất xây dựng giai đoạn 1 trong 3 năm. NIC sẽ là nơi đặt các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm, là nơi đặt văn phòng của các tập đoàn, doanh nghiệp và là nơi làm việc của các nhà khoa học…

Sẽ đặt hàng cho mạng lưới nhân tài quốc tế hỗ trợ đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam

Trả lời câu hỏi của Tạp chí Kinh tế và Dự báo về kế hoạch thu hút các nhà khoa học, các tri thức, Việt kiều… tham gia vào công cuộc đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam, ông Trần Duy Đông cho biết, đây là một trong những việc mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng luôn trăn trở. “Bộ trưởng mong muốn thu hút nguồn tri thức tiên tiến từ quốc tế vào hỗ trợ Việt Nam. Mong muốn này đã được Bộ thực hiện từ năm 2018, đến nay đã kết nối, quy tụ được khoảng 1.000 chuyên gia và người Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng tham gia công cuộc đổi mới, sáng tạo”, ông Đông cho biết.

Nhân lực và nguồn tri thức nước ngoài có thể trợ giúp nhiều mảng việc như tư vấn các giải pháp công nghệ, tư duy phát triển, tầm nhìn mới, mô hình kinh doanh mới… cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Tính đến đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mở 6 văn phòng đại diện tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Đức, Australia, Hàn Quốc để kết nối nguồn tri thức quốc tế với Việt Nam. Ông Đông cho biết, Bộ sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới này và thực hiện các nỗ lực gặp mặt nhân tài, như đã từng làm năm 2018. Do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên việc gặp mặt trực tiếp trong năm 2020 chưa thực hiện được, nhưng Bộ vẫn duy trì các kết nối trực tuyến. “Sắp tới chúng tôi sẽ đặt hàng cụ thể cho mạng lưới nhân tài quốc tế, để có những tư vấn, trợ giúp hiệu quả cho Việt Nam”, Thứ trưởng chia sẻ.

Được biết, 2 sự kiện về đổi mới sáng tạo trên dự kiến thu hút khoảng 10.000 người tham dự. Trong 2 ngày 9-10/1/2021, sẽ có 5 cuộc tọa đàm được tổ chức gồm: Vai trò của trung tâm đổi mới sáng tạo trong nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; Đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp dẫn đầu, vai trò dẫn dắt hướng đến nền kinh tế số 2030; Người tiêu dùng thông minh trong kỷ nguyên 4.0; Chiến lược chuyển đổi số trong kinh doanh thông minh và Thanh niên - động lực của đổi mới sáng tạo quốc gia./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư