e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Phòng, chống “virus trì trệ”, ngành thuế cần tránh thất thu, thu sót

17:26 | 05/01/2021 Print
- Không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", quyết tâm phòng chống “virus trì trệ” là một trong những yêu cầu được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu ra với ngành thuế năm 2021. Đây là năm Quốc hội giao cho ngành thuế mức thu 1.116.700 tỷ đồng.

Khép lại năm 2020 thu vượt dự toán

Thu Ngân sách Nhà nước của ngành thuế năm 2020 ước đạt trên 1.275 triệu tỷ đồng, vượt 1,7% so với dự toán là một nỗ lực rất lớn của ngành Thuế, theo đánh giá của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình. Tuy nhiên, chính sách thuế cần bao quát nguồn thu, bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam, nhất là ở chuyển nhượng vốn, ở loại hình kinh tế chia sẻ.

Khoản vượt thu thuế đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các chỉ tiêu được Quốc hội giao

Theo Phó thủ tướng, năm 2020 là một năm đầy khó khăn, thử thách đối với nhân loại nói chung và nước ta nói riêng, như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ... diễn biến khó lường đã tác động tiêu cực đến thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu âm gần 4%. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên là điểm sáng, là một trong số ít những nền kinh tế thế giới đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid 19 đồng thời kinh tế vẫn tăng trưởng và đạt mức 2,91%, thuộc nhóm nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, lạm phát giữ vững dưới 4% và các chỉ tiêu tài chính về bội chi, nợ công giai đoạn 2016-2020 đều bảo đảm trong phạm vi Quốc hội giao. Riêng với ngành thuế, việc thu vượt 1,7% so với dự toán đã được Quốc hội giao (tương ứng mức vượt gần 21 nghìn tỷ đồng), vượt trên 172 nghìn tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội được Phó thủ tướng đánh giá là nỗ lực rất lớn. Nỗ lực này góp phần cơ bản bảo đảm số thu chung của toàn ngành tài chính, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các chỉ tiêu được Quốc hội giao.

Điểm được đánh giá cao năm 2020 là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trên toàn quốc với 99,9% số doanh nghiệp khai, đăng ký nộp thuế điện tử, 95,5% số doanh nghiệp hoàn thuế điện tử; đã hoàn thành tích hợp 150 thủ tục thuế lên Cổng dịch vụ công Quốc gia vượt 161% kế hoạch đề ra.

Năm 2021, cần chống “virus trì trệ”, bao quát nguồn thu thuế

Phó thủ tướng cũng cho rằng, chính sách về thuế dần được hoàn thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển. Điển hình là chính sách thuế VAT đối với mặt hàng phân bón, vẫn chưa bảo đảm công bằng giữa phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp, người nộp thuế. “Cá biệt, có một số trường hợp, việc xử lý kéo dài qua nhiều năm, không được xử lý dứt điểm gây bức xúc cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam và phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng xử lý. Kỷ luật kỷ cương ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm, phải xử lý”, Phó thủ tướng đánh giá.

Phó thủ tướng yêu cầu ngành thuế tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan, đối thoại, giải thích với doanh nghiệp để tìm giải pháp xử lý dứt điểm, thấu đáo trong thời gian tới, giảm thiểu khối lượng công việc phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng. Không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", quyết tâm phòng chống “virus trì trệ” để thực hiện mục tiêu Quốc hội đã giao.

Chính sách thu thuế đối với loại hình kinh tế chia sẻ là vấn đề còn bỏ ngỏ tại Việt Nam

Năm 2021, Quốc hội giao cho ngành thuế mức thu 1.116.700 tỷ đồng. Phó thủ tướng yêu cầu ngành thuế cần xây dựng chính sách lấy người nộp thuế làm trung tâm và là đối tượng phục vụ. Xây dựng chính sách phải chú trọng mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu, tránh thất thu, thu sót, lưu ý các lĩnh vực để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam: chuyển nhượng vốn, cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế chia sẻ.... Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu năm này.

Liên quan đến loại hình kinh tế chia sẻ, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho biết, Quyết định 999/QĐ-TTg năm 2019 và Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế. Do sự phát triển của loại hình kinh tế chia sẻ rất đa dạng và mới mẻ, nên các bộ, ngành cần chung tay nghiên cứu, xây dựng báo cáo, nhằm tạo nên bức tranh tổng thể về mô hình kinh doanh mới. Từ đó, mới có căn cứ định hình chính sách và xây dựng chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp nội địa trong môi trường kinh doanh mới này.

Tại Việt Nam, kinh tế chia sẻ thể hiện rõ nét nhất trong 3 ngành. Thứ nhất là ngành vận tải, với sự xuất hiện của các loại xe công nghệ Uber, Grab, Gojek…). Thứ hai là ngành dịch vụ lưu trú, với sự xuất hiện của Airbnb (một công ty đa quốc gia không sở hữu bất kỳ bất động sản nào, nhưng kết nối và cung cấp dịch vụ lưu trú tại hàng chục nghìn nhà nghỉ, nhà ở. Thứ bai là ngành tài chính, với sự xuất hiện của hoạt động Fintech trong các lĩnh vực như thanh toán và ví điện tử (Momo, Moca, VNpay, Zalopay…), tài chính cá nhân (Kiu, Toss…), Insuretech (Papaya, Inso, Opes, Wicare…) và hàng loạt hình thái khác. Việc áp dụng thuế với các chủ thể tham gia kinh tế chia sẻ đang là một thách thức lớn, nhất là khi một số mô hình kinh tế chia sẻ có nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm, họ có ưu thế cả về vốn và công nghệ, sẵn sàng chấp nhận thua lỗ trong thời gian đầu để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư