e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Đổi mới sáng tạo

Đổi mới, sáng tạo là “chìa khóa” nâng tầm Việt Nam

11:55 | 09/01/2021 Print
- Dẫn câu chuyện nhiều quốc gia giàu tài nguyên, nhưng không phát triển và ngược lại có những nước nghèo tài nguyên nhưng lại tăng trưởng nhanh và bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đổi mới, sáng tạo sẽ là chìa khóa cho Việt Nam vươn tầm, trên nền tảng vị thế mới của quốc gia.

Đổi mới, sáng tạo là “chìa khóa” nâng tầm Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thúc đẩy sự kết nối, thúc đẩy góp sức cho đổi mới, sáng tạo Việt Nam

Phát biểu tại sự kiện khai mạc Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam và khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) sáng 09/01/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chính con người và công nghệ là 2 nhân tố cốt lõi, quyết định sự phát triển của một quốc gia. Tại Việt Nam, trên nền vị thế mới của Đất nước, Thủ tướng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới, sáng tạo và tin rằng, đây là chìa khóa để nước ta thoát thoát bẫy thu nhập trung bình và đạt được sự phát triển bứt phá trong tầm nhìn dài hạn.

Về vị thế Việt Nam, theo chia sẻ của Thủ tướng, năm 2020, nền kinh tế nước ta thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới. Chất lượng tăng trưởng cải thiện trong 5 năm 2016-2020 là những yếu tố khiến Việt Nam ghi nhận những nấc thang mới về thứ bậc trên trường quốc tế. Hãng định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh - Fitch đánh giá rằng, Việt Nam nổi lên là thiên đường sản xuất mới ở ASEAN với giá trị thương hiệu quốc gia tăng cao nhất thế giới trong năm 2020 (đạt 319 tỷ USD) trước sự sụt giảm của nền kinh tế toàn cầu do Covid-19. Quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 40, đã vượt Singapore và Malaysia về chỉ tiêu GDP. Nhiều định chế dự báo, đến năm 2035, Việt Nam là nền kinh tế đứng thứ 19 trên thế giới. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào GDP lên tới trên 44% năm 2020, thay vì mức 39% của năm 2015.

Sự kiện thu hút sự tham dự của hàng nghìn đại biểu

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh vì Covid-19, Việt Nam vẫn đạt quy mô xuất nhập khẩu trên 540 tỷ USD năm 2020. Trong 5 năm qua, Việt Nam xuất siêu 43 tỷ USD. Năm 2020, có 130.000 được thành lập mới, trong khi dòng vốn thu hút từ đầu tư nước ngoài tiếp tục ổn định (19 tỷ USD)…. Những kết quả này là minh chứng cho thấy sức tăng trưởng của nền kinh tế và triển vọng một Việt Nam bứt phá trong tương lai.

Nhưng làm thế nào để Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững? Thủ tướng Chính phủ cho rằng, con đường chính là đổi mới, sáng tạo. Đảng và Nhà nước đã nhận ra vai trò của đổi mới, sáng tạo đối với sự phát triển của nền kinh tế và khẳng định tại Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị quyết tâm phát triển đổi mới, sáng tạo ở tầm quốc gia, lấy cộng đồng doanh nghiệp làm trung tâm, các trường đại học, viện nghiên cứu và tri thức người dân làm chủ thể để phát triển.

Thủ tướng cho rằng, hiện nay, ở tầm quốc gia, ngân sách Việt Nam chi cho đổi mới, sáng tạo thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Cụ thể khoản chi này mới chiếm 0,44% GDP tại Việt Nam, trong khi thế giới, mức trung bình là 2,33%. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam chưa đầu tư, chưa quan tâm xứng đáng cho hoạt động đổi mới, sáng tạo, phát triển các ý tưởng kinh doanh mới. Thực tế này cần phải thay đổi. Chính phủ thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) là một trong những nỗ lực để thực hiện sự thay đổi này.

Điều Thủ tướng mong muốn là Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở vai trò chủ trì, sẽ tiếp tục kết hợp với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và các chủ thể trong và ngoài nước, lan tỏa văn hóa đổi mới, sáng tạo đến nền kinh tế và mọi người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động của NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần thể hiện cam kết đồng hành với các doanh nghiệp và mọi người dân trong công cuộc đổi mới, sáng tạo, đưa Việt Nam thành điểm đến của đổi mới, sáng tạo trong kỷ nguyên mới.

Không có gì là không thể

Cũng liên quan đến đổi mới, sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu lên khẩu lệnh “Không có gì là không thể” trong Hội nghị trực tuyến ngành kế hoạch tổ chức ngày 08/01/2021. Theo Bộ trưởng ngành kế hoạch và đầu tư phải bước đi tiên phong với tầm nhìn mới và tư duy đổi mới sáng tạo; phải giữ một cái đầu lạnh để có thể tỉnh táo nhận định tình hình, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, vì hạnh phúc của nhân dân và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn kết nối trí tuệ Việt Nam trên toàn thế giới vào công cuộc đổi mới, sáng tạo Việt Nam

Không chỉ dừng lại ở các câu chuyện phát triển trong ngắn hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thể hiện khát vọng và tầm nhìn phát triển cho đất nước khi tham gia nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; xây dựng Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, các mô hình kinh tế mới, như kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ… Những nỗ lực này nhằm đón đầu các xu hướng phát triển mới của thời đại, phát huy tối đa tiềm lực của đất nước để bứt phá và vươn lên mạnh mẽ.

Sáng 09/01/2021, lãnh đạo Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ ngành bấm nút khai mạc Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam và khởi công NIC

Với việc thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn kết nối trí tuệ Việt Nam trên toàn thế giới. Việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia với những cơ chế đột phá cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nhằm hội tụ và ươm mầm cho các ý tưởng sáng tạo của doanh nghiệp và mọi thành phần trong nền kinh tế… Năm 2020, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 2,91%, là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương trên thế giới. Thế và lực của nước ta mặc dù đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu. Nền kinh tế vẫn còn những nút thắt trong quá trình phát triển, chưa thực sự được giải quyết, khơi thông. Năng lực cạnh tranh về cơ bản vẫn ở mức trung bình trên thế giới, nhất là những tiêu chí quan trọng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Cùng với đó, bối cảnh thế giới còn nhiều bất định do tác động của đại dịch Covid-19. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia dự báo sẽ ngày càng gay gắt. Nhiều quốc gia đang có mức thâm hụt ngân sách và nợ công cao, làm gia tăng rủi ro, có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính, nợ công trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng cho rằng, các thành phần kinh tế phải nỗ lực hơn nữa để tạo nền tảng phát triển, thực hiện hóa khát vọng phát triển đến năm 2045, đưa Đất nước trở thành nước phát triển thu nhập cao theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Trong tiến trình phát triển Đất nước, Bộ trưởng cho rằng, phải dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng chủ thể và nền kinh tế./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư