e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Bộ KH&ĐT trong năm 2021: “Phát huy truyền thống, nắm bắt thời cơ, quyết liệt hành động”

22:36 | 08/01/2021 Print
- Chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, ngày 08/01/2020.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Chúng ta đã trải qua 5 năm đầy thử thách

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ niềm tự hào của mình cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tốt chức năng của một cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp khẳng định vai trò “kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế”.

Cho biết, trong những năm qua, “Chúng ta đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách, nhiệm vụ nặng nề và quan trọng của đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh, “với những nỗ lực phấn đấu không ngừng, chúng ta đã cùng nhau thực hiện tốt, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng, niềm tin của Đảng và Nhà nước đó là: đổi mới nhất, chất lượng nhất, hiệu quả nhất và kịp thời nhất”.

Nhớ lại 5 năm trước, bối cảnh trong nước và quốc tế diễn biến bất lợi, kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng; trong nước, thiên tai, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung... đã gây rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chúng ta đã phát huy vai trò tiên phong, đi đầu trong cải cách và đổi mới, tham mưu nhiều chính sách then chốt để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ với 11 nhiệm vụ nổi bật:

Thứ nhất, chúng ta đã tiên phong khởi xướng làn sóng cải cách thể chế, với tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, tư duy phát triển mang tính đột phá, táo bạo, có tầm nhìn dài hạn và chiến lược, vượt qua những lợi ích cục bộ, vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước để đề xuất xóa bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh bất hợp lý, góp phần xây dựng niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, người dân và doanh nghiệp.

“Ngay năm đầu nhiệm kỳ, khi đất nước gặp nhiều khó khăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì tham mưu xây dựng Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tạo nên sự phát triển bùng nổ cho khu vực kinh tế tư nhân, với số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký ngay trong năm 2016 và trong 5 năm qua tăng cao kỷ lục so với giai đoạn trước”, Bộ trưởng chia sẻ.

Và sau đó, nhiều dự luật được Bộ xây dựng và trình Quốc hội ban hành hoặc điều chỉnh bổ sung, sửa đổi trong giai đoạn này, như Luật: Quy hoạch, Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Đầu tư công, Đầu tư, Doanh nghiệp và Đầu tư theo phương thức đối tác công tư giúp khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước, cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với yêu cầu xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, cải cách và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, xóa bỏ các rào cản và tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp gia nhập thị trường, bảo đảm quyền và lợi ích nhà đầu tư, khắc phục tình trạng xin - cho…

Thứ hai, về công tác tham mưu xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng nhấn mạnh, với trách nhiệm được giao là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập thuộc Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban, ngành trung ương và địa phương tổng hợp, xây dựng, tham mưu cho Đảng và Nhà nước Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ Tư giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 11 giai đoạn 2021-2025.

“Các văn kiện này đã thực sự trở thành kim chỉ nam, phương hướng, đường lối phát triển của đất nước trong chặng đường mới”, Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng cũng quán triệt 06 quan điểm phát triển trong thời gian tới như sau:

Một là, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Hai là, phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển cân bằng, hài hòa giữa các vùng miền, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới.

Bốn là, phát triển nhanh, hài hoà các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Năm là, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân.

Sáu là, xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hoá thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.

“Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ ba, về công tác quản lý nhà nước về đầu tư công

Tiếp theo Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Bộ đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 với nhiều quy định mới giúp quản lý chặt chẽ hơn toàn bộ quá trình đầu tư công nhưng cũng đẩy mạnh phân cấp, trao quyền, trao sự chủ động trong quản lý hoạt động đầu tư công gắn với trách nhiệm của từng cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư.

Cho biết, năm 2019, lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đã giao một lần toàn bộ kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2020, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được toàn quyền chủ động điều hòa vốn giữa các dự án trong năm kế hoạch, Bộ trưởng cho biết, việc này đã giúp các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn không bị bó buộc trong phạm vi danh mục đã được giao mà được điều chỉnh, bổ sung một cách linh hoạt theo mục tiêu và nhu cầu phát triển.

“Những cải cách này đã thực sự khắc phục tình trạng nhiều năm qua, đó là: đầu tư công dàn trải, phân tán; chậm trễ trong bố trí và điều chuyển vốn; giảm thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng nhưng gắn liền trách nhiệm rõ ràng và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua thực hiện tốt công tác hậu kiểm và ứng dụng công nghệ thông tin”, Bộ trưởng tổng kết.

Việc bố trí nguồn vốn đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với kế hoạch đầu tư công.

Nguồn vốn đầu tư công được tập trung chủ yếu đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn, trọng điểm, có tính kết nối, tác động lan tỏa tới phát triển liên vùng, vùng và địa phương; tập trung vào những dự án mang tính chất “quả đấm thép” trong tăng trưởng, tạo ra động lực mới, không gian mới cho phát triển kinh tế, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ tư, về thu hút đầu tư nguồn vốn FDI

Bộ trưởng chỉ rõ, giai đoạn 2016-2020, vốn đăng ký và vốn thực hiện tăng mạnh so với giai đoạn trước đó.

“Đặc biệt là năm 2020, mặc dù tình hình rất khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng vào thị trường và môi trường đầu tư của Việt Nam, triển khai mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là tín hiệu tích cực và chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực để đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ đã chủ trì tổng kết, đánh giá toàn diện 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài năm 2018 và xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Theo đó, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới phải có chọn lọc hơn, hướng tới việc lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Thứ năm, về phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt. Cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đã đổi mới theo hướng tự chủ kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch hơn. Hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của một số doanh nghiệp nhà nước được nâng lên. Từng bước tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng lớn mạnh, từng bước khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước. Bộ trưởng dẫ chứng, giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm có 128,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trung bình trên 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 63% về số doanh nghiệp và tăng 216% về số vốn so với giai đoạn 2011-2015.

Thứ sáu, công tác xây dựng quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017 là cơ sở pháp lý để thực hiện thống nhất, đồng bộ các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước, tránh chồng chéo, lãng phí, dàn trải trong sử dụng các nguồn tài nguyên, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Luật đã xác lập quy hoạch tổng thể quốc gia trong hệ thống quy hoạch, thực hiện quy hoạch tích hợp, đổi mới nội dung và phương pháp lập quy hoạch để quy hoạch thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững; tăng cường liên kết vùng, góp phần thúc đẩy công tác quy hoạch các vùng, địa phương theo hướng chặt chẽ, hiệu quả hơn; tạo đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh; khắc phục được tình trạng “xin-cho” các dự án trong quy hoạch

Sau khi Luật ra đời, đã loại bỏ 692 quy hoạch không phù hợp, rà soát 320 quy hoạch đã được lập hoặc phê duyệt để tích hợp vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

“Đây là kết quả bước đầu để chúng ta sớm xây dựng, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt những quy hoạch phát triển mới phù hợp với tầm nhìn phát triển của đất nước, với mục tiêu sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bền vững hơn”, Bộ trưởng cho hay.

Thứ bảy, về công tác thống kê, phân tích và dự báo, Bộ trưởng chỉ rõ, chúng ta đã thực hiện tốt công tác thống kê, bảo đảm nội dung thông tin, số liệu phản ánh trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời và toàn diện bức tranh kinh tế - xã hội của cả nước.

Thứ tám, về công tác tham mưu cơ chế chính sách chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, dấu ấn rõ nét nhất là trong giai đoạn 2017-2019, khi nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các mặt.

Nhớ lại năm 2017, mặc dù kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức khi tăng trưởng GDP những quý đầu năm không đạt dự kiến, nhiều ý kiến lo ngại khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%. Song Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng, kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu, đồng thời ban hành nhiều nhiệm vụ, giải pháp để nỗ lực phấn đấu, quyết liệt hành động trên mọi mặt, từ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài…

“Sự quyết tâm và kiên định đó đã mang lại kết quả đáng tự hào, tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đề ra và đạt mức tăng trưởng cao nhất trong các năm 2011-2017”, Bộ trưởng nhắc lại với sự tự hào.

Bộ trưởng cho biết, giữ nguyên tinh thần đó, các năm 2018-2019, chúng ta tiếp tục tham mưu cho Chính phủ nhiều giải pháp điều hành quyết liệt và hiệu quả. Và vì thế, trong hai năm này, chúng ta đã chứng kiến nền kinh tế phát triển bứt phá, đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, thể hiện trên nhiều mặt như: tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong cả thập kỷ qua; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; thu hút, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất siêu, dự trữ ngoại hối, thành lập mới doanh nghiệp… liên tục thiết lập những kỷ lục mới…

Toàn cảnh Hội nghị. ẢNh: MPI

Năm 2020, khi phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong lịch sử do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thiên tai bão lũ, sạt lở đất nghiêm trọng…, một lần nữa, trí tuệ và bản lĩnh tiên phong của Ngành được phát huy mạnh mẽ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động theo dõi sát sao, liên tục phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế, xây dựng, tham mưu đề xuất kịp thời cho Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ nhiều nhiệm vụ, giải pháp chính xác, hiệu quả, vừa giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, người lao động, vừa giải quyết căn cơ những tồn tại của nền kinh tế, tạo nền tảng tốt cho phục hồi và tận dụng, nắm bắt cơ hội phát triển đất nước.

Tại các địa phương, các cơ quan, đơn vị kế hoạch đầu tư cũng đã phát huy tốt vai trò tham mưu tổng hợp, chủ động đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

“Có thể khẳng định, với sự nỗ lực đó, chúng ta đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 2,91%, là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương trên thế giới”, Bộ trưởng nói.

Thứ chín, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, đổi mới sáng tạo, xây dựng các mô hình kinh tế mới và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngành Kế hoạch Đầu tư đã gương mẫu, chứng minh là đơn vị tiên phong trong ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, hiện thực hóa việc Chuyển đổi số toàn diện, tiêu biểu như việc xây dựng và hình thành các hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu: đăng ký doanh nghiệp; Đấu thầu qua mạng; Đầu tư công; đầu tư nước ngoài; giám sát đánh giá đầu tư; thông tin thống kê quốc gia... Qua đó, hình thành hệ cơ sở dữ liệu lớn - Big Data cập nhật theo thời gian thực, phục vụ kịp thời, chính xác, hiệu quả cho công tác phân tích, đánh giá, dự báo, tham mưu chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội của Bộ, của ngành và xây dựng kế hoạch dài hạn cho phát triển đất nước, vùng, khu vực và địa phương.

Bộ trưởng cho biết, không chỉ tham mưu, hoạch định chính sách, mà chúng ta còn trực tiếp hiện thực hóa bằng những bước đi táo bạo nhưng chắc chắn, thận trọng nhưng quyết liệt và khoa học. Đó là thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam để kết nối trí tuệ Việt Nam trên toàn thế giới; Đó là thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia với những cơ chế đột phá cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo… Đó là hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam mà trọng tâm là doanh nghiệp nhỏ và vừa…

“Ngày mai (9/1), chúng ta sẽ tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam, đồng thời cũng sẽ khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Đây là sự kiện quan trọng, giúp đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo mới của thế giới, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới”, Bộ trưởng vui mừng chỉ rõ.

Thứ mười, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò và sự tham gia tích cực trong các ban chỉ đạo Trung ương, Ủy ban quốc gia, Tổ Điều hành kinh tế vĩ mô (Tổ 1317), Ủy ban Kinh tế APEC… đã tăng cường phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đồng thời, đã tổ chức nhiều Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam nhằm tăng cường trao đổi, đối thoại chính sách với tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ mười một, công tác cán bộ được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Đã tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và tuyển dụng công chức. Việc đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, cử biệt phái cán bộ công tác thực tế tại địa phương… đã góp phần tích cực giúp nâng cao năng lực chuyên môn, thực tiễn và kỹ năng quản lý, lãnh đạo. Công tác thi đua khen thưởng được thực hiện thực chất, kịp thời động viên khích lệ tinh thần người lao động và không phô trương hình thức.

Cùng với công tác chuyên môn, Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng luôn quan tâm đến các vấn đề xã hội thông qua các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động xã hội đã góp phần bồi đắp, phát huy nét văn hóa, nhân văn của những người tham gia hoạch định, tham mưu chính sách, góp phần thực hiện tốt hơn sứ mệnh kiến tạo môi trường mà mọi người dân có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

5 thách thức trong năm 2021

Bối cảnh thế giới và trong nước năm 2021 vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ trưởng khái quát trong 5 vấn đề chủ yếu như sau:

(1) Bối cảnh thế giới còn nhiều bất định do tác động của đại dịch Covid-19. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia dự báo sẽ ngày càng gay gắt. Nhiều quốc gia đang có mức thâm hụt ngân sách và nợ công cao, làm gia tăng rủi ro, có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính, nợ công trong tương lai.

(2) Thế và lực của nước ta mặc dù đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu. Nền kinh tế vẫn còn những nút thắt trong quá trình phát triển, chưa thực sự được giải quyết, khơi thông. Năng lực cạnh tranh về cơ bản vẫn ở mức trung bình trên thế giới, nhất là những tiêu chí quan trọng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

(3) Cạnh tranh giữa các đô thị ngày càng lớn, nhất là trong việc trở thành các trung tâm tài chính, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

(4) Các vấn đề xã hội gây áp lực lớn đến phát triển, như già hoá dân số, chênh lệch giàu - nghèo và trình độ phát triển, những vấn đề của đô thị hoá, khai thác, sử dụng hiệu quả bền vững nguồn tài nguyên.

(5) Những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường và tài nguyên ngày càng tăng lên, nhất là trong bối cảnh Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, khó khăn, thách thức luôn đi kèm với những cơ hội rộng mở. Bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh “hậu Covid-19”, 13 Hiệp định FTA thế hệ mới được ký kết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự dịch chuyển của dòng thương mại và đầu tư quốc tế, thời kỳ dân số vàng… cũng đang tạo ra thời cơ lớn để chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm.

“Do đó, chúng ta nhất thiết phải hành động ngay, mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Theo đó, trong năm 2021 và những năm tới, cần tập trung, thực hiện 06 nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới, nhanh chóng theo hướng tích cực, theo kịp xu thế thời đại. Phải thay đổi tư duy quản lý từ chủ yếu là kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang chủ yếu phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm). Có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Qua đại dịch Covid-19 đã cho ta bài học sâu sắc, cần nhận thấy rằng đây vừa là khó khăn nhưng cũng mang đến cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để bứt phá và trỗi dậy khi các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc.

“Từ đó, chúng ta phải có các quyết sách đúng đắn và kịp thời, vì thời gian luôn là vàng và cũng là kẻ thù của chúng ta. Muốn đi nhanh, cần phải chọn được con đường đi đúng. Mọi chính sách phải xoay quanh hoặc hướng tới hạnh phúc của người dân vì người dân vừa là chủ thể vừa là mục tiêu để hướng tới. Không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra”, Bộ trưởng dẫn giải.

Thứ hai, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ trưởng cho rằng, cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam làm sao để trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển. Cần nghiên cứu và thực hiện các chương trình khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng, làm chủ, nghiên cứu phát triển công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp, giúp liên kết, tạo khối thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau trong đầu tư kinh doanh.

Cần rà soát các doanh nghiệp FDI theo hướng phân loại, đánh giá tuân thủ pháp luật, nhất là bảo vệ môi trường và chống chuyển giá; thận trọng khi xem xét các dự án về luyện thép, nhiệt điện, nhôm. Rà soát lại các ưu tiên, ưu đãi cho các doanh FDI, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có công nghệ thấp, tốn diện tích, tiêu hao năng lượng cao, rủi ro môi trường và các doanh nghiệp không có kế hoạch gắn kết lâu dài tại Việt Nam; thay đổi chính sách ưu đãi, chỉ tập trung cho những doanh nghiệp công nghệ cao có chuyển giao công nghệ, gắn kết với doanh nghiệp trong nước.

Thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính và các dịch vụ công thiết thực đối với người dân.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát triển kinh tế biển, đô thị lớn; tăng cường liên kết vùng; xây dựng nông thôn mới

“Với vai trò là cơ quan tham mưu về huy động và phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển, chúng ta cần phải xác định phân bổ cần theo định hướng ưu tiên gắn với sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tạo mọi điều kiện, nhất là thể chế và nguồn lực, nhằm phát triển với tốc độ nhanh các vùng động lực, từ đó tạo ra sức lan tỏa thúc đẩy các vùng khác phát triển, hướng tới bảo đảm cân bằng trong dài hạn”, Bộ trưởng lưu ý.

Cùng với đó, đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xây dựng các công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng tạo sự lan tỏa lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (tập trung xây dựng và hoàn thành ngay một số trục giao thông chính như đường cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, đường lên Tây Nguyên, đường sắt đô thị Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh; cảng biển, cảng hàng không tầm quốc gia, quốc tế; hạ tầng số...).

Ngoài ra, cần tái cơ cấu danh mục tài sản công, tăng nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển một số dự án PPP sang sử dụng vốn đầu tư công. Sử dụng nguồn vốn cổ phần hóa tập trung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia.

Đặc biệt, cần đảm bảo tiến độ việc xây dựng và phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn giai đoạn 2021-2030. Tập trung xây dựng quy hoạch vùng, bám sát với quy hoạch cấp tỉnh và tránh chồng chéo dẫn đến phát triển manh mún, phân tán và sử dụng nguồn lực kém hiệu quả giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng.

“Xây dựng hạ tầng số, hạ tầng kết nối thông minh, nhất là hạ tầng công nghệ số, truyền thông và nền tảng dùng chung; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, hệ thống hạ tầng trục kết nối quốc gia phục vụ chuyển đổi số”, Bộ trưởng chỉ rõ nhiệm vụ.

Một vấn đề khác được Bộ trưởng nhắc tới, đó là thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng, hội nhập quốc tế, khai thác chức năng đặc thù các vùng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn. Tăng cường quản lý phát triển đô thị, xử lý hiệu quả các vấn đề giao thông, ngập úng, môi trường và rác thải đô thị. Tiếp tục rà soát, cập nhật hoàn thiện cơ sở dữ liệu đô thị.

Thứ năm, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ.

“Việt Nam đang có trong tay cơ hội “có một không hai” để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đó là “thời kỳ dân số vàng”. Phải tận dụng nhanh nhất cơ hội này cho phát triển, vì nếu không ta sẽ phải đối mặt với xu hướng già hóa dân số và thực trạng “già trước khi giàu””, Bộ trưởng nhắc nhở.

Theo đó, cần thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; xây dựng cơ chế phù hợp lựa chọn và trọng dụng, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ mới từ nguồn nhân lực trong nước và ngoài nước.

Thứ sáu, ngoài công tác chuyên môn, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các vấn đề xã hội, tích cực thực hiện các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng để vừa duy trì được truyền thống nhân văn của con người ngành kế hoạch đầu tư, vừa thấu hiểu hơn các đối tượng chính sách, gần gũi hơn với nhân dân, từ đó bảo đảm được sự hiệu quả, công bằng trong thiết kế, xây dựng và thực thi chính sách.

Chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển

Năm 2021 là năm có nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu tiên thực hiện chiến lược 10 năm và 5 năm kế hoạch theo nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Tình hình kinh tế thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, xu hướng bảo hộ trở thành xu hướng chiến lược ở một số quốc gia, cạnh tranh trong từng khu vực diễn ra gay gắt, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc sẽ tác động tiêu cực và sẽ kéo dài. Trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, tác động ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán …

“Do vậy, trước hết chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, tận dụng tốt các thành tựu của cách mạng 4.0, xu hướng dịch chuyển, đầu tư, thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và trên thế giới; kiên quyết không lùi bước trước thách thức, biến thách thức thành cơ hội phát triển; kiên định thực hiện các mục tiêu đã đề ra”, Bộ trưởng nêu những yêu cầu đặt ra.

Bộ trưởng cho rằng, toàn ngành phải phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm hơn nữa, với niềm khát vọng vươn lên mạnh mẽ, để đưa đất nước phát triển hơn, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng phát triển vững chắc cho những năm tới, sớm thực hiện hóa khát vọng phát triển đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

Bộ trưởng đề nghị, toàn thể cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động ngành Kế hoạch Đầu tư cần tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của ngành; phải duy trì được bản lĩnh kiên định, kiên trì, dám nghĩ dám làm, biết làm và phải làm bằng được với tinh thần “không có gì là không thể”; phải bước đi tiên phong với tầm nhìn mới và tư duy đổi mới sáng tạo; phải giữ một cái đầu lạnh để có thể tỉnh táo nhận định tình hình, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; nhưng cũng cần một trái tim nóng để nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực, khát vọng, biết đồng cảm, chia sẻ và cống hiến, hướng tới vì hạnh phúc của nhân dân và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

“Với tất cả ý nghĩa đó, tôi đề nghị phương châm hành động chung toàn ngành Kế hoạch Đầu tư trong năm 2021 là “Phát huy truyền thống, nắm bắt thời cơ, quyết liệt hành động””, Bộ trưởng chỉ rõ./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư