e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Trong bất định, ngành chứng khoán quyết giữ 2 giá trị ổn định

18:14 | 19/01/2021 Print
- Khuyên nhà đầu tư cần đánh giá được các yếu tố ảnh hưởng đến TTCK trước khi ra quyết định giao dịch, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, đại dịch là một yếu tố bất định bên cạnh nhiều yếu tố bất định khác, nhưng ngành chứng khoán đã và sẽ giữ 2 giá trị ổn định, đó là an toàn hệ thống và sự minh bạch trên thị trường.

Giữ an toàn hệ thống trong mọi trường hợp

Hệ thống giao dịch mới kết nối toàn TTCK có thể đã được hoàn thiện năm 2020 nếu đại dịch Covid-19 không xảy ra. Ông Trần Văn Dũng cho biết, các chuyên gia của Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) đã phải mất một thời gian rất dài không thể sang Việt Nam để xử lý tiếp các yêu cầu của hệ thống mới. Trong bối cảnh bình thường mới, lãnh đạo Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cùng thuyết phục KRX, họ mới đồng ý cử chuyên gia đến Việt Nam để xử lý tiếp việc xây dựng hệ thống. “Chuyên gia Hàn Quốc đã bay trên chuyến bay cứu trợ cuối cùng và hiện đang làm việc tại HOSE”, ông Dũng nói.

Giai đoạn “căng” nhất vì đại dịch, TTCK Việt Nam đã ghi nên một kỷ lục trong xử lý chính sách hỗ trợ nhà đầu tư

Dù chuyên gia quốc tế đã đến Việt Nam và kế hoạch chạy thử nghiệm hệ thống mới được chốt ngay sau Tết nguyên đán 2021, nhưng vẫn chưa thể chắc chắn hoàn toàn về ngày chính thức vận hành. Theo người đứng đầu UBCK, nếu dịch phát triển phức tạp hơn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ khớp hệ thống, nhất là trong bối cảnh chuyên gia của KRX không thể ở hẳn Việt Nam để xử lý riêng phần việc này. Việc test hệ thống với các công ty chứng khoán cũng phải lường trước tình huống xuất hiện những lỗi cần xử lý và nếu có lỗi, câu hỏi tiếp theo là bao nhiêu thời gian mới khắc phục được.

Những yếu tố bất định trên khiến nhà quản lý dự phòng thêm 1 năm cho phương án có hệ thống giao dịch mới. “Chúng tôi lên kế hoạch, nỗ lực thực thi và kỳ vọng, nhưng chưa ai chắc 100% vào cái hẹn cuối năm 2021 sẽ có hệ thống giao dịch chứng khoán mới”. Ông Dũng thẳng thắn chia sẻ và cho biết, trong thời gian chờ, UBCK đã có những kịch bản để đảm bảo TTCK hoạt động thông suốt trong mọi trường hợp. Sau giải pháp nâng lô từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu để giảm bớt số lệnh đẩy vào sàn HOSE, UBCK chỉ đạo HOSE phải yêu cầu các công ty chứng khoán tối ưu hóa số lệnh vào hệ thống. Các công ty chứng khoán đã cùng cam kết không sử dụng robot trong đặt lệnh và Sở đã cấp hạn mức lệnh cụ thể cho các công ty, để các công ty có ứng xử phù hợp với nhà đầu tư. Hoạt động củng cố hệ thống giao dịch dự phòng và chuẩn bị các giải pháp khác cũng được UBCK chỉ đạo thực hiện song song với việc xây hệ thống mới, để như ông Dũng nói, ngay cả khi hệ thống mới không thể về đích như kế hoạch, giao dịch trên TTCK vẫn thông suốt.

Chia sẻ với báo chí sáng 19/01/2021, Chủ tịch UBCK kể rằng, thời đỉnh dịch (nửa cuối tháng 3/2020), Chi nhánh BIDV Hà Thành bị phong tỏa do có một khách hàng người Pháp bị nhiễm Covid-19 đến giao dịch. UBCK lần đầu tiên phải đối mặt với bài toán giữ giao dịch thông suốt khi không có con người. Bằng những quyết sách nhanh chóng và sự nỗ lực của cả hệ thống, TTCK Việt Nam đã được kết nối an toàn, giao dịch không ngày nào bị gián đoạn. Giai đoạn “căng” nhất vì đại dịch cũng ghi nên một kỷ lục trong xử lý chính sách hỗ trợ nhà đầu tư. Cụ thể, lần đầu tiên tại Việt Nam, chỉ trong 2 ngày, Thông tư hỗ trợ giảm phí cho nhà đầu tư (Thông tư số 14/2020/TT-BTC) đã được UBCK dự thảo, trình các bên thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký ban hành. “Khi mới trình dự thảo, Thông tư số 14 dự kiến có hiệu lực trong vòng 5 tháng, nhưng hết 5 tháng đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quyết định kéo dài thời gian hỗ trợ cho nhà đầu tư đến tháng 6/2021”, ông Dũng nói. Văn bản pháp lý trên không chỉ động viên, khích lệ nhà đầu tư lúc TTCK rơi vào suy thoái sâu vì Covid, mà còn giúp tâm lý nhà đầu tư vững vàng hơn và yên tâm về sự chia sẻ, hỗ trợ của nhà quản lý trong những biến cố của thị trường.

Giữ sự minh bạch và công bằng trên TTCK

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc TTCK Việt Nam tăng mạnh trong nửa cuối năm 2021 có “nóng” không và UBCK có giải pháp gì để ứng phó, ông Dũng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý, ưu tiên của UBCK là giữ cho được sự thông suốt trong giao dịch và minh bạch trên thị trường. Để thực thi được, bên cạnh bài toán về hệ thống giao dịch, cơ sở pháp lý phải chắc chắn, vững vàng, liên tục cải tiến và thường xuyên thanh tra, giám sát để chấn chỉnh các hành vi sai phạm.

Năm 2020, nhiều giai đoạn hoạt động thanh tra, giám sát bị gián đoạn vì yêu cầu cách ly xã hội, nhưng UBCK vẫn tiến hành 25 cuộc thanh tra, kiểm tra trực tiếp, đồng thời giám sát trên hồ sơ rất nhiều vụ việc. Tính đến cuối năm, UBCK đã ban hành 380 quyết định xử phạt với 380 đối tượng tham gia thị trường. Chủ tịch UBCK nói vui: “Mỗi ngày, UBCK ban hành 1,4 quyết định xử phạt”.

Năm 2020, TTCK được ghi danh TOP 10 thị trường có sức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới, nên khả năng điều chỉnh luôn thường trực

Chia sẻ của UBCK cho biết, năm 2021, với việc Nghị định 156/2020/NĐ-CP có hiệu lực, chế tài xử phạt các vi phạm trên TTCK được nâng lên mạnh mẽ so với Nghị định 108/2013/NĐ-CP. Khung xử phạt tăng mạnh đối với những hành vi bị nghiêm cấm, vi phạm có tính chất nghiêm trọng, trong đó với các giao dịch nội gián và thao túng, tổ chức vi phạm bị phạt 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 03 tỷ đồng, cá nhân bị phạt 05 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 1,5 tỷ đồng, ngoài ra còn bị buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm. Các đối tượng có khoản thu lợi bất chính trên 500 triệu đồng hoặc vi phạm gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi năm 2017.

Đặc biệt, từ ngày 01/01/2021 các cá nhân, lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán 2019 thì có thể bị cấm tham gia TTCK có thời hạn hoặc vĩnh viễn theo quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Chủ tịch UBCK cho rằng, giải pháp mạnh tay với sai phạm có thể gây đến chấn động khi áp dụng, nhưng là việc cần thiết để giữ gìn sự minh bạch và công bằng trên thị trường.

Luật Chứng khoán 2019 cũng trao quyền cao hơn cho UBCK. Theo đó, cơ quan này có thể đề nghị tổ chức tín dụng, tổ chức viễn thông liên quan cung cấp thông tin về dòng tiền và cuộc gọi điện thoại trong thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi bị nghiêm cấm trên thị trường chứng khoán. Đây là điểm mới và rất cần thiết cho nhiệm vụ giám sát TTCK khi thị trường đã có trên 2,7 triệu tài khoản giao dịch và quy mô giao dịch/ngày đã chạm mốc 1 tỷ USD.

Chủ tịch UBCK cho rằng, đại dịch tạo nên những bất định không thể lường trước, nhà đầu tư cần hiểu câu chuyện về TTCK để song hành cùng thị trường

Chủ tịch UBCK cho rằng, việc Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán cùng có hiệu lực từ đầu năm 2021 tạo hành lang pháp lý chuẩn mực, góp phần nâng dần quy chuẩn hoạt động của TTCK theo thông lệ quốc tế. Đây là yếu tố nền tảng, là giá trị gốc để tạo nên sự vững vàng cho hoạt động của các chủ thể trên thị trường. Yếu tố quan trọng khác được kỳ vọng giúp TTCK tích cực năm 2021 là kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng mạnh (Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 6,5%, các tổ chức như WB, ADB, IFM dự báo mức tăng trưởng trên 6,8%). Cùng với đó, nếu không chịu những rủi ro quá lớn và hệ thống công nghệ mới được hoàn thiện năm 2021, TTCK Việt Nam sẽ đủ sức thực hiện được các yêu cầu của nhà đầu tư trong nước và quốc tế, bước thêm một bước trên hành trình nâng hạng.

Đánh giá về rủi ro, Chủ tịch UBCK cho rằng, đại dịch tạo nên những bất định không thể lường trước, nhất là khi các chủng virus mới tiếp tục phát sinh tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, TTCK Việt Nam trải qua một giai đoạn tăng trưởng nhanh (năm 2020, được ghi danh TOP 10 thị trường có sức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới), nên khả năng điều chỉnh luôn thường trực. Chủ tịch UBCK đặc biệt lưu ý nhà đầu tư cần hiểu câu chuyện thị trường, câu chuyện doanh nghiệp trước khi ra các quyết định đầu tư, tránh đi những mất mát do tâm lý hưng phấn hoặc bi quan quá đà./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư