Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ chiến lược 10 năm của ngành

09:17 | 27/01/2021 Print
- Trình bày tham luận của Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính tại Đại hội XIII của Đảng sáng 27/01, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ mục tiêu Chiến lược 10 năm và cho biết, giải pháp cần tập trung là khơi thông và phân bổ các nguồn lực tài chính theo tín hiệu thị trường.

10 năm xây nền tài chính bền vững

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhiệm kỳ vừa qua, nền tài chính quốc gia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng.

Theo đó, hệ thống thu ngân sách nhà nước đã được xây dựng tương đối hiện đại, bao quát các nguồn thu, công khai, minh bạch và bảo đảm động viên hợp lý, có tính cạnh tranh trong khu vực, thế giới, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững. Nhờ vậy, mặc dù thực hiện điều chỉnh giảm nghĩa vụ thu, cắt giảm thuế quan, xóa bỏ các khoản phí, lệ phí không phù hợp và đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2020, nhưng quy mô thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 vẫn gấp 1,6 lần giai đoạn 2011-2015, đạt trên 25% GDP, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (20-21% GDP) và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội (không thấp hơn 23,5% GDP).

Cơ cấu thu hiện đại và bền vững hơn, phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập của nền kinh tế. Tỷ trọng thu nội địa tăng dần, năm 2020 đạt trên 85%, tính chung cả giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 82% tổng thu ngân sách nhà nước, tăng đáng kể so với mức 68,7% giai đoạn 2011-2015...

Hệ thống pháp luật về quản lý, phân bổ, sử dụng, kiểm soát chi ngân sách nhà nước tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; lần đầu xây dựng và triển khai kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm...

Chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, quy mô chi bình quân 5 năm 2016-2020 khoảng 27,5% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP); cơ cấu lại, ưu tiên nguồn lực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các đột phá chiến lược của nền kinh tế về hạ tầng, về nguồn nhân lực. Tỷ trọng bố trí chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 đạt 28-29% tổng chi ngân sách nhà nước (mục tiêu là 25-26%), tập trung cho các công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn, nâng cao khả năng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và giao thương quốc tế. Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng tăng 22 bậc (từ 99/140 năm 2015 lên 77/141 năm 2019).

Hoàn thiện thể chế quản lý nợ công theo nguyên tắc thị trường; tăng cường công khai, minh bạch; phát triển hệ thống các công cụ nợ như chiến lược nợ công 10 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm, kế hoạch vay trả nợ công 5 năm và hàng năm, đồng bộ với kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tăng cường quản lý quy mô, chủ động cơ cấu lại nợ công. Tốc độ tăng nợ công giảm từ trung bình 18,1%/năm (gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011- 2015) xuống còn 6,8%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Cơ cấu nợ chuyển biến tích cực, quy mô nợ công giảm từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,8% GDP vào cuối năm 2020; nợ Chính phủ giảm từ mức 52,7% năm 2016 xuống 49,6% GDP; tỷ trọng nợ trong nước tăng từ 38,9% năm 2011 lên khoảng 63% năm 2020, lãi suất vay giảm sâu, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia...

Thị trường chứng khoán, bảo hiểm lớn mạnh

Liên quan đến sự phát triển của thị trường tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua đã hoàn thiện đồng bộ thể chế về quản lý thị trường chứng khoán, bảo hiểm; triển khai tích cực Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam; vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, đẩy mạnh cơ cấu lại, hiện đại hóa, phát triển các thị trường tài chính, dịch vụ tài chính phù hợp với đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các cam kết hội nhập. Quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng hơn 29% so với giai đoạn 2011- 2015, đóng góp ngày càng lớn vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đến ngày 31/12/2020, chỉ số VN-Index đạt 1.103,8 điểm, tăng khoảng 284 điểm (34,6%) so với thời điểm đầu năm (820 điểm). Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 84% GDP. Quy mô dư nợ thị trường trái phiếu đạt trên 46% GDP (mục tiêu đề ra tương ứng là 70% GDP và 30% GDP), dần trở thành kênh huy động và phân bổ vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 khởi đầu với nhiều tín hiệu tích cực

Theo Báo cáo chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, chỉ số vốn hoá thị trường chứng khoán của Việt Nam tăng 18 bậc từ vị trí 50 (năm 2018) lên vị trí 32 (mục tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 là tăng từ 10 đến 15 bậc trong năm 2019-2020).

Sự phát triển của ngành chứng khoán có sự đóng góp quan trọng của các công ty chứng khoán tư nhân

Thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng cao, đóng vai trò “bà đỡ” xử lý các rủi ro, tình huống bất khả kháng phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, góp phần ổn định nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và có đóng góp đầu tư cho nền kinh tế. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng tài sản của toàn thị trường tăng trưởng bình quân 19%/năm, ước đạt trên 526.000 tỷ đồng năm 2020; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng bình quân 19,4%/năm, ước đạt trên 226.000 tỷ đồng năm 2020; tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng bình quân 13,1%/năm, ước đạt trên 100.000 tỷ đồng năm 2020.

Chiến lược 10 năm tới: Khơi thông nguồn lực tài chính theo tín hiệu thị trường

Liên quan đến định hướng, mục tiêu Chiến lược 10 năm 2021-2030. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, các giải pháp cần tập trung là: Hoàn thiện, triển khai đồng bộ hệ thống chính sách giá cả, tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… khơi thông và phân bổ các nguồn lực tài chính theo tín hiệu thị trường, ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài tạo giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước; chuyển dịch đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, cạnh tranh, phát triển mạnh mẽ trong môi trường hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết FTA trước đây, đồng thời chủ động triển khai các FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA…).

Đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước trên cơ sở phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường, mở rộng việc áp dụng các nguyên tắc thị trường trong quản lý, cung ứng dịch vụ hành chính, sự nghiệp công, quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công...

Quản lý chặt chẽ bội chi ngân sách và nợ công, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ổn định vĩ mô vững chắc; cải thiện dư địa chính sách tài khóa, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Giải pháp quan trọng khác là khẩn trương hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, quản lý và sử dụng vốn nhà nước. Đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, tinh gọn số lượng, tập trung nguồn lực đầu tư nhà nước vào các doanh nghiệp nhà nước có vị trí quan trọng, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; cơ cấu lại, phát triển các doanh nghiệp này theo cơ chế thị trường, công nghệ hiện đại, quản trị tiên tiến, minh bạch, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công khai, minh bạch. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử, chính phủ số ở những lĩnh vực tài chính quốc gia, tài chính công trọng yếu như: Thuế, hải quan, chứng khoán...

Thực hiện hiệu quả nguyên tắc chi trong khả năng nguồn lực, vay trong khả năng trả nợ, gắn trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng, với quản lý bội chi, trả nợ và trách nhiệm giải trình... Nâng cao năng lực, chất lượng và mở rộng hoạt động của công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán tài chính theo nguyên tắc rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin./.

H.Hòe

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư