Vẫn còn 10 chỉ tiêu thống kê quốc gia chưa được thu thập

16:19 | 26/02/2021 Print
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) vừa có Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Thống kê 2011-2020. Tại Báo cáo, Bộ đã chỉ ra rằng, còn nhiều hạn chế trong công tác công bố thông tin thống kê.

Công tác công bố thống kê của bộ, ngành còn nhiều hạn chế

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, vẫn còn 10 chỉ tiêu thống kê chưa được thu thập, tổng hợp; 70 chỉ tiêu mới thu thập, tổng hợp và công bố một số phân tổ.

Đặc biệt, công tác công bố, phổ biến thông tin trong hệ thống chỉ tiêu thống kê của bộ, ngành còn nhiều hạn chế. Cụ thể, theo báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã “điểm mặt” các bộ chưa hoàn thành công tác này.

Cụ thể: Bộ Thông tin và Truyền thông có 01/80 chỉ tiêu chưa thu thập, tổng hợp được, 62/80 chỉ tiêu mới thu thập, tổng hợp và công bố một số phân tổ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường còn 01/84 chỉ tiêu chưa thu thập được, tổng hợp được, 40/84 chỉ tiêu mới thu thập, tổng hợp và công bố một số phân tổ.

Bộ Tư pháp còn 01/82 chỉ tiêu chưa thu thập, tổng hợp được.

Bộ Giao thông vận tải còn 4/32 chỉ tiêu chưa thu thập, tổng hợp được, 13/32 chỉ tiêu thu thập, tổng hợp và công bố một số phân tổ.

Bộ Công Thương còn 4/85 chỉ tiêu chưa thu thập, tổng hợp được, 1/58 chỉ tiêu thu thập, tổng hợp và công bố một số phân tổ.

Đối với hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành thực hiện nhiều cuộc điều tra thống kê, nhưng việc phổ biến dữ liệu vi mô của các cuộc điều tra vẫn còn hạn chế.

Công tác công bố, phổ biến thông tin trong hệ thống chỉ tiêu thống kê của bộ, ngành còn nhiều hạn chế

Chưa cung cấp đầy đủ thông tin thống kê cho các tổ chức quốc tế

Tại Báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, việc cung cấp, thông tin thống kê cho các tổ chức quốc tế chưa đầy đủ theo yêu cầu.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2020, Tổng cục Thống kê đã 140 lần cung cấp số liệu cho 12 tổ chức quốc tế, 59 lần cung cấp số liệu cho 18 đại sứ quán các nước.

“Tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng số lần yêu cầu của các tổ chức quốc tế và các đại sứ quán mà chưa đáp ứng hay cung cấp đầy đủ 100% các chỉ tiêu theo yêu cầu do Việt Nam không có số liệu để cung cấp hoặc không có đủ phân tổ chi tiết”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Về việc cung cấp thông tin thống kê cho thống kê ASEAN theo theo các biểu mẫu thu thập số liệu thống kê (ASI-CT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối với các chỉ tiêu kinh tế ở mức khá, nhưng các chỉ tiêu xã hội ở mức rất thấp.

“Mức độ đáp ứng các chỉ tiêu xã hội (số liệu theo năm) của Việt Nam thấp, chỉ đạt 42,7%, thấp hơn nhiều so với nước cao liền kề (Malaysia và Philippines, 74,8%). Mức độ đáp ứng yêu cầu các chỉ tiêu về SDG của Việt Nam (số liệu theo năm) cũng chỉ ở mức đạt 47,4%. Đặc biệt, mức độ đáp ứng yêu cầu các chỉ tiêu về tài chính chính phủ của Việt Nam (số liệu theo năm) rất thấp qua các năm, chỉ đạt 10,5% trong suốt nhiều năm qua”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn chứng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, việc thực hiện e-GDDS của IMF chưa được đầy đủ theo yêu cầu. 3/21 bảng metadata chưa được cập nhật, 6/21 bảng số liệu chưa được cập nhật và phổ biến theo yêu cầu. Số liệu của một số chỉ tiêu về tiền tệ, tài khóa vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của e-GDDS, nhất là các yêu cầu SDDS của IMF về phạm vi, phân tổ, tính kịp thời hay tần suất biên soạn, phổ biến số liệu.

Các sản phẩm thống kê chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu

Mặc dù các sản phẩm thông tin thống kê chủ yếu của ngành Thống kê đã đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng.

Tuy nhiên, kết quả điều tra nhu cầu và mức độ hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê năm 2020 cho thấy, một số loại sản phẩm thông tin thống kê chủ yếu còn có những nhược điểm nhất định.

Đối với Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, còn có ý kiến đánh giá thiếu thông tin của một số lĩnh vực, phân tích chưa sâu, ít phân tích nguyên nhân và hạn chế về dự báo.

Đối với Niên giám Thống kê, nội dung còn thiếu một số lĩnh vực, số liệu chưa chi tiết, bảng biểu khó tra cứu và có ý kiến cho rằng số liệu chưa kịp thời, ít tính thời sự.

Đối với các Ấn phẩm phân tích tình hình kinh tế - xã hội nhiều năm, nội dung phân tích còn chưa sâu và số liệu chưa đầy đủ, bảng biểu chưa hợp lý, khó tra cứu, số liệu chưa phân tổ chi tiết.

Đối với Kết quả các cuộc điều tra, có ý kiến đánh giá cho rằng phân tích trong báo cáo chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng tin; số liệu trong Báo cáo chưa cụ thể, thiếu chi tiết và chưa được khai thác hết thông tin đã điều tra.

Đối với Website của Tổng cục Thống kê, có ý kiến đánh giá rằng thông tin trên website thiếu, chưa đầy đủ, thiếu tính thời sự, ít cập nhật thông tin; hình thức, giao diện chưa đẹp, bố trí các chuyên mục chưa hợp lý./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư