e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Cổ phần hóa doanh nghiệp công ích: Giải quyết bế tắc, cách nào?

17:34 | 25/02/2021 Print
- Một trong những điểm rất đáng chú ý trong dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ mới đây là việc bổ sung quy định về tiêu chí để sắp xếp doanh nghiệp hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ khi có cơ chế để cho các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có thể chuyển sang kinh doanh thực sự theo cơ chế thị trường thì mới có thể thực hiện cổ phần hóa, tạo động lực để phát triển.

Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 được đưa ra trong bối cảnh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp công ích gần như ngưng trệ lâu nay. Đề xuất này được đánh giá là một giải pháp gỡ khó, tạo thuận lợi cho cơ quan đại diện chủ sở hữu có cơ sở xây dựng các phương án sắp xếp phù hợp, từ đó thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu lại các doanh nghiệp loại hình này đạt mục tiêu và yêu cầu đặt ra.

Cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp công ích gần như dậm chân tại chỗ

Doanh nghiệp công ích kém hấp dẫn

Kết quả rà soát tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ các báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg cho thấy việc cổ phần hóa các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong các lĩnh vực như môi trường đô thị và cây xanh, chiếu sáng… hầu như không có mấy tiến triển. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc triển khai gặp một số khó khăn trong thực tiễn thực hiện.

Một thực trạng rất mâu thuẫn là dù sở hữu nhiều đất đai và khối lượng tài sản lớn song các doanh nghiệp công ích vẫn kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Lý do là vì trên thực tế, các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thụ hưởng toàn bộ hoặc một phần từ ngân sách địa phương, có mức thu phí thấp hoặc không thu phí.

Trong khi đó, mức hỗ trợ từ ngân sách theo kế hoạch còn thấp, không đảm bảo giá thành, vì vậy không có nguồn thu để thực hiện tái đầu tư. Đồng thời, một số giá đầu vào của các doanh nghiệp này được thực hiện theo giá thị trường, trong khi giá sản phẩm đầu ra lại chịu kiểm soát của Nhà nước, dẫn đến thu không đủ bù chi hoặc không mang lại hiệu quả tương xứng. Do vậy, không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư bên ngoài khi IPO doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc định giá doanh nghiệp để cổ phần hóa phát sinh rất nhiều vấn đề bởi các doanh nghiệp này được giao quản lý một khối lượng tài sản lớn nhưng lại gặp khó khăn trong việc định giá một số tài sản công, bao gồm đất đai trụ sở, hồ điều hòa, hệ thống thoát nước của các công ty thoát nước.

Chưa kể vẫn tồn tại những mâu thuẫn nội tại trong hoạt động “công ích”. Về mặt lý thuyết, mục tiêu của hoạt động công ích là không nhằm thu lợi nhuận cao mà chủ yếu phục vụ cho mục tiêu an sinh xã hội. Do vậy, khi cổ phần hóa doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm công ích, có thể phát sinh những mâu thuẫn, xung đột về lợi ích giữa các nhóm cổ đông.

Cổ đông Nhà nước sẽ muốn cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích với một mức giá, phí hợp lý mà phải đạt được mục tiêu tối đa hóa phúc lợi xã hội. Trong khi đó, cổ đông tư nhân tham gia mua cổ phần lại có mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Việc điều tiết lợi ích giữa các nhóm cổ đông cũng là vấn đề đặt ra khi xem xét tính khả thi của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp loại này.

Mặt khác, việc Nhà nước vẫn duy trì tỷ lệ cổ phần chi phối sau khi thoái vốn, khiến nhà đầu tư bên ngoài lo ngại không được tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp sau khi đầu tư vốn tại doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư kém mặn mà với loại hình này.

Do những khó khăn trên, quá trình thực hiện cổ phần hóa không đạt kế hoạch đề ra và cũng không đạt được mục tiêu cổ phần hóa. Điển hình có những công ty thực hiện cổ phần hóa, nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước sau cổ phần hóa chiếm trên 95% vốn điều lệ, số cổ phần bán ra chủ yếu là bán cho người lao động được hưởng ưu đãi. Cụ thể như tỷ lệ vốn Nhà nước tại Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La là 97,88%; Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình-87,4%; Công ty CP Giống chăn nuôi Bắc Giang-93,72%... Thậm chí nhiều doanh nghiệp thoái vốn nhiều lần không thành công vì không có nhà đầu tư quan tâm.

Kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã cho thấy, tỷ lệ thoái vốn không thành công tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường là lĩnh vực dịch vụ công ích cao hơn so với việc thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp khác tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg do các doanh nghiệp này có hoạt động sản xuất - kinh doanh không hiệu quả.

Lý do là vì hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường có giá trị tài sản cố định lớn do phải đầu tư thiết bị công trình phục vụ nhiệm vụ công ích), tuy nhiên doanh thu và lợi nhuận thấp, một số doanh nghiệp bị thua lỗ, do vậy, không hấp dẫn được nhà đầu tư.

Tạm dừng cổ phần hóa doanh nghiệp công ích trong năm 2020

Trước đó, vào tháng 6/2020, trong phương án thoái vốn nhà nước đến hết năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đáng chú ý có danh mục doanh nghiệp dừng thực hiện thoái vốn trong năm 2020, gồm 54 doanh nghiệp cấp nước và một số doanh nghiệp dịch vụ đô thị môi trường, phần lớn đều là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích.

Trong danh mục 54 doanh nghiệp cấp nước tạm dừng thoái vốn này, rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có 40 doanh nghiệp có tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ trên 51%; 14 doanh nghiệp có tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ trên 36%.

54 doanh nghiệp đang thuộc quản lý của địa phương; một số địa phương chỉ bao gồm các công ty cấp nước quy mô nhỏ, phục vụ cấp nước trên địa bàn hẹp (huyện, xã) như Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây thuộc UBND Thành phố Hà Nội (do UBND Thành phố Hà Nội chưa hoàn thành thực hiện cổ phần hoá các doanh nghiệp cấp nước quy mô lớn trên địa bàn).

Các doanh nghiệp này được rà soát và đưa vào kế hoạch xây dựng phương án sắp xếp, thoái vốn trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025. Điều này cho thấy mục tiêu và kế hoạch thoái vốn đối với các doanh nghiệp ngành nước và dịch vụ đô thị, môi trường một lần nữa cần cân nhắc một cách thận trọng.

Liên quan vấn đề này còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc nên hay không nên đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp công ích.

Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực cấp nước hoạt động trong ngành đặc thù, cung cấp sản phẩm đặc biệt thiết yếu, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nên cần tiếp tục đánh giá, rà soát điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tránh để xảy ra các sự cố tương tự tại một số doanh nghiệp cấp nước lớn tại các đô thị gây ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội như đã từng xảy ra thời gian qua.

Đây cũng là kiến nghị được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ vào thời điểm giữa năm 2020 nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 184/TB-VPCP. Theo đó, kiến nghị phê duyệt danh sách 54 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp, thoát nước Nhà nước không thoái vốn đến hết năm 2020 như tại danh mục đã ban hành.

Từ thực tế nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, dự thảo Quyết định đưa ra tiêu chí để các cơ quan đại diện chủ sở hữu có căn cứ xây dựng phương án sắp xếp cho phù hợp với thực tiễn xét trên vai trò thực hiện công ích của doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo đó, đối với các trường hợp khó đa dạng hóa sở hữu do chủ yếu thực hiện nhiệm vụ công ích (có tỷ trọng doanh thu từ hoạt động công ích trên tổng doanh thu của doanh nghiệp 3 năm liên tiếp liền kề trước thời điểm xem xét chuyển đổi đạt từ 50% trở lên) thì cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét về chủ trương chuyển đổi (có thể thực hiện/không thực hiện đa dạng hóa sở hữu) hoặc tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ (trong trường hợp chuyển đổi) để phù hợp với thực tiễn.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư