e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Việt Nam lên tiếng trước thông tin Trung Quốc diễn tập trái phép ở Hoàng Sa

20:37 | 11/03/2021 Print
- Theo Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 3/3 phát phóng sự cho thấy lính hải lục không quân và thủy quân lục chiến Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập trái phép ở đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Một số tàu đệm khí Type 726 chở theo xe tăng chủ lực Type 96A và các binh sĩ thủy quân lục chiến với đầy đủ vũ khí, rời tàu đổ bộ Type 071 và cập vào bờ biển. Khu trục hạm Type 052D, hộ vệ hạm Type 054A và một tàu hỗ trợ cảnh giới vòng ngoài, trong khi một tiêm kích Su-30 MKK và một oanh tạc cơ H-6K yểm trợ từ trên không.

Theo CCTV, cuộc diễn tập nhằm "khai thác chiến thuật và phương pháp hiệp đồng tác chiến quân binh chủng", song không nêu thời gian diễn tập cụ thể. Một số nhà quan sát cho rằng cuộc diễn tập được tổ chức gần đây.

Binh sĩ Trung Quốc diễn tập trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam/Ảnh: CCTV

Trước thông tin Trung Quốc diễn tập trái phép trên đảo Tri Tôn, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 11/3, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng tuyên bố, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quan hệ hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc các nước châu Âu có kế hoạch điều tàu chiến tới Biển Đông, Người phát ngôn Bộ ngoại giao cho biết, việc duy trì hòa bình ổn định, trật tự, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là mục tiêu, lợi ích và trách nhiệm, nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.

“Hoạt động của các quốc gia ở Biển Đông cần phải đóng góp vào mục tiêu chung này”, bà Lê Thị Thu Hằng nói./.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư