Thống đốc yêu cầu lên phương án để hoạt động ngân hàng thông suốt trong mọi tình huống

09:48 | 09/03/2021 Print
- Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới... theo thẩm quyền và theo các quy định đã có, đó là một trong những nội dung được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu lên tại Văn bản 1370/NHNN-TD mới đây. Thống đốc yêu cầu cần chủ động xây phương án đảm bảo cho hoạt động ngân hàng thông suốt trong mọi tình huống.

Thống đốc nhắc nhở việc tăng cường thông tin, tuyên truyền, triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Thống đốc nhắc lại các giải pháp gỡ khó thời đại dịch

Theo nội dung Văn bản 1370 ban hành mới đây, thời gian qua, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố: Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Gia Lai... đã tác động tiêu cực đến đời sống, xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Để hỗ trợ khắc phục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu Chủ tịch HĐQT/HĐTV, Tổng giám đốc/Giám đốc các tổ chức tín dụng, Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện một số nội dung, công việc, trong đó có việc chủ động xây dựng phương án, đảm bảo cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống.

Thống đốc nhắc việc các nhà băng cần tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới,... theo thẩm quyền và theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 cùng các văn bản khác. Cùng với đó, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thực hiện các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, tăng cường các hoạt động trực tuyến, tạo điều kiện để khách hàng không trực tiếp đến ngân hàng giao dịch, góp phần hạn chế các nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Người dân hỗ trợ nhau, vượt qua khó khăn đại dịch

Trong khi tại Việt Nam, NHNN đang thúc đẩy các thành viên thực hiện những giải pháp đã có và lên phương án hoạt động an toàn trong mọi tình huống thì trên trường quốc tế, các ngân hàng trung ương (NHTW) tại Mỹ, châu Âu, Anh, Nhật, Canada... đang tính toán các giải pháp mới sau 1 năm vừa qua, họ đã tung 9.000 tỷ USD hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế vượt qua khó khăn của đại dịch.

Ở các nước, NHTW độc lập với Chính phủ, có thể theo đuổi các chính sách riêng để tác động lên tăng trưởng và ổn định kinh tế trong dài hạn, còn tại Việt Nam, NHNN cũng được gọi là NHTW, nhưng là cơ quan trực thuộc Chính phủ, thực hiện các mục tiêu điều hành do Chính phủ quyết định. Liên quan đến việc hỗ trợ nền kinh tế, trong phiên họp thường kỳ tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu gói hỗ trợ lần 2, nhưng chưa có quyết sách cuối cùng.

Gỡ khó cho doanh nghiệp, ngân hàng chịu rủi ro nợ xấu gia tăng

Đánh giá về hoạt động của ngành ngân hàng năm 2020, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai nhiều chương trình, các gói tín dụng ưu đãi (cả về vốn và lãi suất) nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ tạo áp lực không nhỏ đến việc cân đối nguồn vốn cũng như chiến lược nâng cao năng lực tài chính của các TCTD (nguồn vốn để cho vay là nguồn huy động tiền gửi và phải trả lãi cho người gửi tiền).

Cũng theo Phó thống đốc, dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng tới tình hình tài chính và hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, dẫn tới việc các TCTD phải tạo điều kiện để cơ cấu, giãn, hoãn nghĩa vụ trả nợ cho khách hàng. Điều này trong ngắn hạn có thể giảm bớt áp lực với doanh nghiệp nhưng về trung-dài hạn có thể tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cho các tổ chức tín dụng, tạo áp lực lên việc duy trì năng lực tài chính và ổn định hệ thống tài chính-ngân hàng.

Phó thống đốc chia sẻ 7 giải pháp trọng tâm ngành ngân hàng sẽ thực hiện trong năm 2021, trong đó có việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến dịch bệnh, diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong và ngoài nước, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng phù hợp với mục tiêu ổn định lạm phát (bình quân khoảng 4%), ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi. Năm 2021, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; tín dụng tăng khoảng 12%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng đánh giá rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài ở nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới có thể tiếp tục gây ảnh hưởng lên chuỗi giá trị toàn cầu khi nguồn cung gián đoạn, cầu quốc tế hồi phục khó khăn tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu và du lịch của Việt Nam. Xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, chuyển hướng thương mại, nguy cơ về việc một số quốc gia áp đặt các biện pháp thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam có thể ảnh hưởng tới cung cầu ngoại tệ và tâm lý trên thị trường ngoại hối trong nước... Những biến động khó lường này khiến công tác phân tích, dự báo trở nên khó khăn hơn, đặt ra những thách thức lớn đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá và quản lý thị trường ngoại hối của NHNN./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư