e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Ứng viên bầu đại biểu Quốc hội khoá XV có số dư tăng

09:32 | 15/03/2021 Print
- Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp...

Theo Văn phòng Quốc hội, Quốc hội đã quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Đến nay, công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đang được gấp rút tiến hành, bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm; bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc bầu cử, từ ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, qua hiệp thương lần thứ nhất, tổng số người phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.076 người, đạt tỷ lệ bình quân 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu. Tỷ lệ này của kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV là 2,04 lần...

Số lượng người được giới thiệu ứng cử hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là 7.656 người/trên tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.715 đại biểu; đạt tỷ lệ bình quân 2,06 lần trên số đại biểu được bầu. Tỷ lệ này của cuộc bầu cử năm 2016 là 1,66 lần; năm 2011 là 2,02 lần. Trong số 7.656 người được phân bổ giới thiệu ứng cử hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có 1.690 người ứng cử là phụ nữ (22,1%), 748 người dân tộc thiểu số ứng cử (9,8%), 814 người trẻ tuổi ứng cử (10,6%), 555 người ứng cử ngoài Đảng (7,2%)...

Trên cơ sở kết quả hiệp thương lần thứ nhất, các hoạt động tiếp theo cho hội nghị hiệp thương thứ hai đang được mặt trận tổ quốc các cấp khẩn trương tiến hành, bảo đảm dân chủ, đúng luật và chất lượng.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị giới thiệu người của Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam ứng cử đại biểu quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Thông báo kết luận số 174-TB/TW của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đã cụ thể hóa đầy đủ hơn đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp phải là những người trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đối với cán bộ, đảng viên, phải là những người tiêu biểu, xuất sắc, có quan điểm lập trường chính trị vững vàng, có năng lực, kinh nghiệm, thể hiện trách nhiệm nêu gương, không vi phạm những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Quán triệt Kết luận số 174, Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách. Điểm mới bổ sung lần này là người giới thiệu để bầu đại biểu Quốc hội chuyên trách phải có quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh thứ trưởng và tương đương trở lên; ở địa phương phải là các chức danh giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên...

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư