Tin vui cho Trái Đất: Thiên nhiên sắp được định giá!

17:49 | 14/03/2021 Print
- Bộ nguyên tắc để đo lường sức khỏe hệ sinh thái và tính toán "giá vốn thiên nhiên" vừa được nhiều quốc gia thống nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 2021. Tại Việt Nam, "giá vốn thiên nhiên" là một ý niệm mới, nhưng đang được doanh nhân người Anh, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital chia sẻ tại nhiều diễn đàn.

Ông Dominic Scriven khuyến nghị, cần mở rộng khái niệm GDP không chỉ vật chất, dịch vụ của con người “đẻ ra” mà còn dịch vụ do Trời Đất “đẻ ra” cho chính ta sinh sống

Thống nhất khuyến nghị định giá thiên nhiên sau 3 năm tranh luận

Tại cuộc họp thường niên vào tuần trước, Ủy ban Thống kê Liên Hợp quốc gồm các thành viên chịu trách nhiệm thiết lập và xác minh các tiêu chuẩn cho số liệu thống kê chính thức ở các quốc gia liên quan - đã đưa ra một bộ nguyên tắc để đo lường sức khỏe hệ sinh thái và tính toán giá trị tiền tệ. Những nguyên tắc này, được gọi là Hệ thống Kế toán Hệ sinh thái Môi trường-Kinh tế (SEEA EA).

Các nguyên tắc đã được thống nhất sau một quá trình viết và đánh giá kéo dài 3 năm với sự tham gia của 100 chuyên gia và 500 phản biện từ các ngành và quốc gia khác nhau. Sau khi được thông qua, họ sẽ cung cấp cho các nhà thống kê quốc gia một cuốn sách quy tắc được quốc tế đồng ý. Nó sẽ cung cấp một khuôn mẫu cho các khoản thanh toán cho các dịch vụ hệ sinh thái và một tiêu chuẩn chính thức để các nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu có thể đánh giá điều kiện của hệ sinh thái theo thời gian.

Các quốc gia tham gia dẫn đầu như Brazil, Colombia, Ấn Độ, Mexico và Nam Phi, cùng nhiều nước khác, muốn các quy tắc sẽ được chỉ định làm tiêu chuẩn thống kê chung. Những quốc gia này giàu đa dạng sinh học, muốn tiếp tục định giá các hệ thống tự nhiên của họ, một phần sao cho mọi tổn thất về sinh thái có thể được so sánh với lợi ích tiềm năng từ phát triển kinh tế. Việc chỉ định một tiêu chuẩn thống kê cũng sẽ cho phép các cơ quan thống kê tiếp cận với nguồn tài trợ công và quốc tế để thực hiện những gì được coi là phần cốt lõi trong công việc của họ, chứ không phải làm theo cách tự nguyện hoặc không cần thiết.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ và một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu chưa đi đến sự đồng thuận. Điều này một phần là do vẫn còn nhiều tranh luận về phương pháp định giá, có nghĩa là còn quá sớm để sử dụng 'tiêu chuẩn' làm nhãn hiệu. Theo đó, những người tham dự cuộc họp đã chọn ra một cách nhìn nhận chung, gọi các quy tắc là “các nguyên tắc và khuyến nghị thống kê được quốc tế công nhận”.

Hồ sơ cuộc họp của các nhà thống kê cho thấy, vẫn còn nhiều tranh luận về cách định giá thứ gì đó không được mua và bán theo cách thông thường. Các cuộc tranh luận vẫn sẽ tiếp tục, nhưng sự thống nhất giữa các nhà thống kê trên thế giới là một bước quan trọng. Nó có nghĩa là những người muốn đền bù cho các cộng đồng có thu nhập thấp và bị thiệt thòi để bảo vệ thiên nhiên có một khuôn mẫu được quốc tế đồng ý để làm việc. Và các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối đầu với những người đứng đầu cơ quan thống kê nếu họ phản đối.

Thiên nhiên được định giá sẽ là một bước “thay đổi cuộc chơi”

Kinh tế trưởng của Liên Hợp quốc Elliot Harris đã gọi các nguyên tắc mới là “yếu tố thay đổi cuộc chơi”. Ông nói: "Những gì chúng tôi đo lường, chúng tôi đánh giá và những gì chúng tôi đánh giá, chúng tôi quản lý". Động lực định giá các dịch vụ hệ sinh thái hiện nay là không thể ngăn cản và đó là một điều tốt cho toàn cầu.

Tại Việt Nam, trong cuộc “Đối thoại 2045” được tổ chức đầu tháng 3/2021 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital đã nêu lên 3 kiến nghị đến Chính phủ. Một trong những kiến nghị đó là nên nghiên cứu một khái niệm “vốn tự nhiên” và cần mở rộng khái niệm GDP không chỉ vật chất, dịch vụ của con người “đẻ ra” mà còn dịch vụ do Trời Đất đẻ ra cho chính ta sinh sống. Ông Dominic cũng cho rằng, GDP hiện là các chỉ số chưa đủ, chưa hoàn chỉnh, chưa đúng và chúng ta cần ngay lập tức nhìn lại, cái gì coi là GDP.

Trước đó, tại Lễ trao giải Doanh nghiệp niêm yết 2020, Chủ tịch Dragon Capital chia sẻ với các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu Việt Nam về khái niệm giá trị của vốn thiên nhiên. “Chúng ta đều giỏi về tài chính. Muốn hiểu về công ty chúng ta sẽ xem báo cáo tài chính, gồm báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bảng cân đối kế toán.. Vậy hãy hình dung Trái đất như một công ty và tất cả những yếu tố tự nhiên như đất, không khí, nước, rừng, muông thú, hệ sinh thái… đều là những tài sản cần được định giá trong bản cân đối kế toán của Trái đất, bởi nó là cấu phần quan trọng tạo ra doanh thu và giá trị gia tăng hàng năm trên trái đất này”, ông khuyến nghị.

Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, Trái đất đang đứng trước bi kịch chung khi môi trường tự nhiên bị hủy hoại và những chủ thể tạo ra GDP vật chất, cụ thể là các doanh nghiệp, doanh nhân, chưa có công cụ để đo lường ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh đến môi trường sống, đến biến đổi khí hậu hay sự đa dạng của thiên nhiên.

Ông Dominic cho rằng, doanh nghiệp cần có trách nhiệm quản trị rủi ro của chính mình và quản trị rủi ro chung của Trái đất

Ý thức được tầm quan trọng của các nhân tố thuộc về tự nhiên, ngày càng nhiều nhà đầu tư tài chính lớn trên thế giới thay đổi cách phân tích trong hoạt động đầu tư. Theo đó, bên cạnh việc dựa vào các chỉ số tài chính của doanh nghiệp, các quỹ đầu tư ngày càng quan tâm đến các chỉ số phi tài chính, hay còn gọi là yếu tố mới. Khi phân tích, quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp cụ thể, Chủ tịch Dragon Capital cho biết, những đánh giá về các chỉ số phi tài chính càng ngày càng quan trọng, bởi doanh nghiệp cần có trách nhiệm quản trị rủi ro của chính mình và quản trị rủi ro chung của Trái đất.

Hy vọng, khuyến nghị về định giá giá trị của thiên nhiên từ quốc tế sẽ được đón nhận và nghiên cứu tại Việt Nam, để chúng ta góp chung nỗ lực xây dựng một lộ trình nuôi dưỡng và bảo vệ Trái đất, cho sự sống mãi mãi tươi đẹp./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư