e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Xử lý nghẽn lệnh sàn HOSE: Ai quyết và ai chịu trách nhiệm để làm?

17:21 | 22/03/2021 Print
- Phát ngôn từ Chủ tịch FPT IS hay Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav về việc 3 tháng xử lý xong chuyện nghẽn lệnh khiến nhiều nhà đầu tư đặt niềm tin và lạc quan thái quá vào hiện trạng sửa lỗi. Tuy nhiên, mấy ai hiểu rằng, phương án công nghệ và tài chính chưa được quyết và chưa biết bao giờ được quyết, để làm...

Phát ngôn của Chủ tịch Bkav và Chủ tịch FPT IS tạo nên sự lạc quan thái quá cho nhiều nhà đầu tư

Sửa nghẽn sàn HOSE, 3 tháng như chuyện “trên Trời”

Sáng 22/3/2021, TTCK Việt Nam đón nhận thêm một phát ngôn gây sốc, được truyền đi nhanh chóng khi Chủ tịch Bkav Nguyễn Tử Quảng cho rằng, nếu được giao sửa nghẽn sàn HOSE, Bkav cũng làm được. Theo ông Quảng, việc FPT khẳng định sửa nghẽn lệnh trong 3 tháng là “hoàn toàn trong tầm tay”. Lý do là “FPT làm sàn HNX với số lượng lệnh lên tới hàng triệu. Vì thế, tập đoàn này chỉ phải kết nối các công ty vào hệ thống mới”, ông Quảng nói.

Trước đó vài ngày, Chủ tịch FPT IS Dương Dũng Triều cho rằng, FPT tự tin xử lý nghẽn lệnh tại HOSE trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, FPT IS tính 3 tháng nếu phương án được chốt và kinh phí cho dự án được thông qua.

“Phương án được chốt”, trong chia sẻ của ông Dương Dũng Triều, là phương án đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tại cuộc họp với CTCP Tập đoàn FPT ngày 9/3/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đồng tình với phương án FPT nêu ra vì cũng trùng với trong một trong ba phương án ngành chứng khoán đã xây dựng, trình Bộ Tài chính từ trước đó. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý tình trạng nghẽn lệnh này.

Tạm chưa bàn đến vấn đề kinh phí sẽ huy động như thế nào, Chính phủ có chấp nhận cho một vài doanh nghiệp tư nhân góp tiền mua phần cứng cho HOSE hay không, nửa tháng trôi qua, thị trường chưa nhận được thông tin mới nào về phương án gỡ nghẽn mà Bộ Tài chính trình lên Chính phủ. Tại HOSE, ghi nhận của người viết cho thấy, Sở vẫn đang tiếp tục các hoạt động kết nối để đi đến kiểm thử lần đầu hệ thống công nghệ do nhà thầu Hàn Quốc xây dựng (KRX). Cùng với đó, giải pháp trước mắt cho tình trạng nghẽn lệnh là HOSE ra các quyết định chấp thuận cho doanh nghiệp chuyển cổ phiếu sang sàn HNX khi có đủ hồ sơ. Tính đến nay, HOSE đã ra 3 quyết định chuyển cổ phiếu ABT của CTCP Thủy sản Bến Tre, cổ phiếu BBC của CTCP Bibica và cổ phiếu NSC của CTCP Giống cây trồng miền Nam ra giao dịch tại sàn Hà Nội.

Chia sẻ về giải pháp FPT nêu ra, lãnh đạo HOSE cho biết, HOSE đã đưa đầu bài cho FPT nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và nếu được thực hiện, nó giống như cuộc “đại phẫu trong bụng” HOSE để tạo ra một hệ thống công nghệ có công năng sử dụng cao hơn, thay cho hệ thống 21 năm mà Thái Lan trao tặng, hiện vẫn đang chạy hàng ngày tại HOSE. Giải pháp của FPT xử lý câu chuyện công nghệ ở quy mô của HOSE, chứ không mang tính tổng thể, kết nối công nghệ cho toàn TTCK Việt Nam như dự án KRX. Lãnh đạo HOSE cũng chia sẻ, Sở thực hiện việc báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính các vấn đề trên thị trường theo thẩm quyền, trong đó việc tác động, thay đổi hiện trạng công nghệ tại HOSE, nơi đang tổ chức giao dịch cổ phiếu của 350 doanh nghiệp, vốn hóa gần 200 tỷ USD, là câu chuyện lớn, nằm ngoài tầm tự quyết của Sở.

Trước tình trạng nghẽn, dư luận không ngớt lời chỉ trích, đặt câu hỏi về trách nhiệm nhà quản lý ở đâu. Nhưng sau những ức chế tâm lý, nhiều người dần chuyển sang ngạc nhiên trước thực trạng kín tiếng của lãnh đạo HOSE cũng như UBCK. Người đứng đầu hai cơ quan này dường như không có một phát ngôn chính thống, quyết liệt nào về giải pháp cho tình trạng nghẽn lệnh. Nếu ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HOSE chỉ thông tin về một vài ý tưởng mang tính gợi mở, như nâng lô lên 1.000 cổ phiếu hay không cho phép hủy, sửa lệnh thì tại UBCK, đến thời điểm này, giải pháp chống nghẽn công bố ra công chúng mới có Công văn số 713 do Chủ tịch Trần Văn Dũng ký, hướng dẫn thủ tục cho 2 Sở và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) việc xử lý hồ sơ chuyển sàn giao dịch cho các doanh nghiệp. Những nội dung khác mang tính báo cáo cấp trên hay đốc thúc cấp dưới, không thuộc phạm vi UBCK phải công khai ra thị trường.

Khác biệt về mô hình, khác biệt về quyền và trách nhiệm

Vì sao HOSE cũng như UBCK không quyết liệt công bố giải pháp và thực thi sớm các giải pháp để giảm căng thẳng cho tình trạng nghẽn lệnh? Câu hỏi này được nhiều người băn khoăn, nhưng câu trả lời dường như chỉ có thể tìm được bằng việc tĩnh lặng… đọc văn bản.

Luật Chứng khoán 2019 quy định, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan thuộc Bộ Tài chính thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, tổ chức thực thi pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Luật Chứng khoán cũng quy định nghĩa vụ của UBCK là báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tình hình hoạt động của thị trường chứng khoán. “Trường hợp có biến động lớn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm kịp thời báo cáo Bộ Tài chính, đồng thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường và các giải pháp để ổn định thị trường và bảo đảm an ninh, an toàn tài chính”, Luật Chứng khoán viết.

Với nhiệm vụ chính là quản lý ngành, đốc thúc các công việc liên quan và… báo cáo, UBCK chưa có thực quyền để chủ động ra các giải pháp, xử lý kịp thời các vấn đề trên thị trường. Ở vị thế một cơ quan quản lý ngành, UBCK không có quyền ban hành văn bản pháp quy và cũng không trực tiếp quản lý về nhân sự, về tài chính với 3 tổ chức vận hành TTCK là HOSE, HNX, VSD. Vị thế, cách thức tổ chức ngành chứng khoán Việt Nam khác với các nước trên thế giới, nên đối diện với tình trạng nghẽn lệnh, dư luận như có hai cách phản ứng khác biệt. Một bên hiểu thấu vị thế ngành chứng khoán nên… im lặng; một bên cơn giận tăng lên ngùn ngụt khi thấy ngành chứng khoán không quyết liệt đưa ra giải pháp và cũng không lên tiếng nhận trách nhiệm trực tiếp về tình trạng xử lý.

Quy mô vốn hóa TTCK Đài Loan hiện nay là 1.600 tỷ USD, Cơ quan quản lý tại đây rất rộng quyền điều hành thị trường

Tại Đài Loan, Quốc hội trực tiếp phê chuẩn người đứng Cơ quan quản lý TTCK (FSC). Theo đó, FSC rất rộng quyền trong quản lý, điều hành thị trường. FSC muốn thực thi chính sách gì, chỉ cần hoặc là gọi các sở giao dịch chứng khoán đến giao việc, hoặc yêu cầu các thành viên thị trường (công ty chứng khoán) thực hiện. Vị thế của FSC tách lập với Bộ Tài chính, khi Bộ Tài chính chuyên lo quản ngân khố chính quyền. Đài Loan hiện có 3 Sở GDCK, trong đó Sở đầu tiên là TWSE, thành lập ngày 23/10/1961, 2 Sở tiếp theo là Taipei Exchange và Taiwan Future exchange được thành lập sau. Quy mô vốn hóa TTCK Đài Loan hiện nay lên tới 1.600 tỷ USD.

Tại Thái Lan, Sở GDCK được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp nhưng không phải đóng thuế thu nhập kể từ năm 1975 đến năm 2016

Tại Thái Lan, SGDCK Thái Lan mở cửa ngày 30/4/1975, hoạt động theo một luật riêng do Quốc hội ban hành. Sở được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp nhưng không phải đóng thuế thu nhập kể từ năm 1975 đến năm 2016 do Chính phủ Thái Lan muốn tăng cường sức mạnh tài chính cho Sở. Kể từ năm 2016 đến nay, Sở GDCK Thái Lan đóng thuế 20% tính trên lợi nhuận, do nguồn lực tài chính tại đây đã đủ mạnh và Sở muốn đóng góp lại cho Chính phủ để Chính phủ phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Đổi lại với các ưu đãi trên, luật Thái Lan quy định, SGDCK phải tái đầu tư thường xuyên, phát triển TTCK. Theo đó, Sở GDCK được chủ động đầu tư nghiên cứu hệ thống, sản phẩm, chính sách mới, sau đó báo cáo UBCK Thái phê duyệt. Cách tổ chức của Thái Lan khiến mọi chính sách, sản phẩm, hệ thống đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trên thị trường, rồi đi lên cơ quan quản lý, nên bộ máy vận hành rất hiệu quả. TTCK Thái Lan hiện có vốn hóa 570 tỷ USD, gấp gần 3 lần vốn hóa toàn TTCK Việt Nam hiện nay.

Tại các TTCK phát triển như Mỹ, Anh Quốc, Sở GDCK được tổ chức theo mô hình công ty cổ phần, nên cách quản trị, điều hành khác rất nhiều so với TTCK Việt Nam. Bản chất của thị trường vốn là nhạy cảm, thay đổi rất nhanh, đòi hỏi tính linh hoạt cao trong quản lý điều hành trực tiếp. Chính quyền Đài Loan, Thái Lan và nhiều quốc gia khác đã trao cho ngành chứng khoán một vị thế đủ mạnh để linh hoạt ứng biến, quản lý thị trường cũng như đầu tư phát triển. Nhưng đây là điểm TTCK Việt Nam chưa có.

Trở lại với câu chuyện nghẽn lệnh tại Việt Nam. Trong khi chờ Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp FPT “đại phẫu” hệ thống giao dịch tại HOSE, thì từ thị trường, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch CTCP VNDirect mới đây nêu ra một tư duy mới: nghẽn lệnh là cơ hội để người Việt Nam cùng hợp sức lại, xây một nền tảng công nghệ chủ động cho TTCK Việt.

Là người sáng lập ra VNDirect, hiểu về tài chính và hiểu về công nghệ, hơn ai hết, bà Minh Hương hiểu rõ giá trị của việc làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, ý tưởng của Chủ tịch VNDirect đặt trong môi trường thực tiễn Việt Nam có lẽ sẽ mãi là ý tưởng, nếu thể chế quản lý, vận hành TTCK Việt Nam hiện nay không rạch ròi trả lời những điểm cốt lõi: Cấp nào có thẩm quyền quyết phương án xây hệ thống công nghệ mới do người Việt làm chủ? Những cấp nào phải chịu trách nhiệm về sự lỗi hẹn nhiều năm của dự án KRX? Những cấp nào phải chịu trách nhiệm nếu dự án KRX - với quy mô đầu tư 44 triệu USD - được… “để vào kho” (vì lạc hậu, vì phụ thuộc nước ngoài…), nhường chỗ cho dự án người Việt xây nên cho TTCK Việt Nam?

Người Việt Nam tự tin sửa chữa được, xây mới được hệ thống công nghệ cho TTCK Việt. Đó là điều rất đáng tự hào, nhất là khi TTCK ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nhưng công nghệ chỉ là phần ngọn. Cái gốc xử lý nghẽn lệnh là ai có đủ thẩm quyền ra quyết định và bao giờ quyết làm, thì khi đó, phương án chữa nghẽn lệnh mới có thể chờ đợi ngày xong./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư