e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Lần đầu tiên Quốc hội bầu một đương kim Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch nước

07:43 | 24/03/2021 Print
- Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng nay (ngày 24/3), lần đầu Quốc hội sẽ bầu một đương kim Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch nước.

Hôm nay, ngày 24/3, Quốc hội khóa XIV khai mạc Kỳ họp thứ 11. Trọng tâm của Kỳ họp này là kiện toàn các nhân sự chủ chốt của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ.

Theo chương trình của ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 11, sau phần phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIV của Quốc hội. Tiếp đó, sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Tiếp đó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ.

Theo Văn phòng Quốc hội, tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 23/3, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội sẽ bầu chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Tổng số có khoảng 25 chức danh sẽ được kiện toàn, ngoài các lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, Nhà nước, Quốc hội sẽ bầu một số Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội và phê chuẩn bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ theo đề xuất của Thủ tướng.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo. Ảnh: Quốc hội

Liên quan đến thông tin Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là lần đầu Quốc hội sẽ bầu một đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước. Do thực hiện quy trình bầu đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước nên theo tuần tự, ngoài việc miễn nhiệm Chủ tịch nước, còn phải còn miễn nhiệm Thủ tướng. Nếu miễn nhiệm Chủ tịch nước trước rồi bầu Thủ tướng làm tân Chủ tịch nước thì khi ấy Thủ tướng sẽ phải trình Quốc hội miễn nhiệm chính mình. Vì vậy, Chủ tịch nước phải trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, kiện toàn sớm các chức danh lãnh đạo là việc tốt để sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII vào cuộc sống. Với việc dành 7/12 ngày làm việc cho công tác nhân sự, đây là quy trình theo quy định, không thể cắt bớt. Sau khi Quốc hội bầu các Phó Chủ tịch Quốc hội thì bầu Chủ tịch nước, rồi Chủ tịch nước mới giới thiệu nhân sự bầu Thủ tướng, không thể làm tắt.

Theo danh sách sơ bộ nhân sự của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ứng cử khối cơ quan Đảng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ứng cử khối cơ quan Chủ tịch nước; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ứng cử khối Chính phủ; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ứng cử ở khối Quốc hội./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư