e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Kế hoạch phát triển bền vững của Liên hợp quốc 2022-2026 sẽ tập trung vào nội dung nào?

23:01 | 23/03/2021 Print
- Kế hoạch phát triển bền vững của Liên hợp quốc giai đoạn 2022-2026 sẽ dựa vào mục tiêu của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII để không chỉ vượt qua thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra mà còn phấn đấu đạt các mục tiêu Đại hội đã đề ra.

Ngày 23/3/2021, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra cuộc họp Ban chỉ đạo chung Chính phủ - Liên hợp quốc về Sáng kiến Thống nhất hành động năm 2021 dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Điều Phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương và Điều Phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra đồng chủ trì cuộc họp. Ảnh: MPI

Hợp tác của Liên hợp quốc 2017-2020 tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm

Năm 2017, Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc đã xây dựng một kế hoạch chiến lược chung (One Strategic Plan – OSP) nhằm lồng ghép SDG với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011-2020) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (2016-2020). Kế hoạch này tập trung vào bốn lĩnh vực chính, được sử dụng để thông báo cách thức thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc.

Trình bày kết quả thực hiện OSP giai đoạn 2017-2020, đại diện Nhóm Lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc cho biết, OSP giai đoạn 2017-2020 đã giới thiệu những cách làm hay và chuyên môn của quốc tế, sứ mệnh thực hiện và quảng bá các quy chuẩn, tăng cường phát triển nhân đạo, thúc đẩy chính sách và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trung lập để đạt được các mục tiêu SDG, tăng cường các nguồn lực kỹ thuật và tài chính và quan hệ đối tác sáng tạo.

Đồng thời, nâng cao năng lực cho chính phủ, xã hội dân sự và cộng đồng, đưa ra hướng dẫn nhằm giúp lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và báo cáo dựa trên bằng chứng. Hỗ trợ phương thức tiếp cận “toàn xã hội” và “toàn chính phủ” nhằm đạt được các mục tiêu SDG với trọng tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hợp tác của Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2020 tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm là: đầu tư vào con người; đảm bảo khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và bền vững về môi trường; thúc đẩy sự thịnh vượng và đối tác; thúc đẩy công lý, hòa bình và quản trị toàn diện.

Trong đó, về đầu tư vào con người, Liên hợp quốc tập trung vào xóa đói giảm nghèo, tăng cường các hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng y tế và tăng cường giáo dục chất lượng và toàn diện. Về bảo đảm khả năng chống chịu với khí hậu và bền vững về môi trường tập trung thúc đẩy nền kinh tế các bon thấp, sản xuất sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả. Hỗ trợ xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách quan trọng, nâng cao năng lực và tăng cường hợp tác trong giảm rủi ro thiên tai (DRR) và lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu (CCA) và DRR có tính đến trẻ em và giới vào các chiến lược/ kế hoạch.

Về thúc đẩy sự thịnh vượng và đối tác, đóng góp vào các chiến lược/chính sách phát triển kinh tế vĩ mô. Tăng cường thị trường lao động và thúc đẩy việc làm bền vững; tăng quyền cho người lao động và thúc đẩy thương lượng tập thể. Nâng cấp đời sống và sự tham gia của phụ nữ nhằm có khả năng chống chịu và phục hồi cao hơn đối với thiên tai và biến đổi khí hậu, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh doanh.

Về thúc đẩy công lý, hoàn bình và quản trị toàn diện, Liên hợp quốc tập trung cải thiện tiếp cận công lý, thực hiện các khuyến nghị nhân quyền quốc tế, nâng cao vai trò của phụ nữ trong gìn giữ hoàn bình, tăng cường khung pháp lý và đảm bảo quá trình ra quyết định có sự tham gia và minh bạch. Các nguyên tắc xuyên suốt là không để ai bị bỏ lại phía sau, nhân quyền, bình đẳng giới, bền vững và tăng khả năng tự giải trình.

Đến năm 2026, Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu phát triển xã hội bao trùm

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát, lây lan nhanh trên thế giới, tác động cộng hưởng từ suy giảm nền kinh tế thế giới từ cuối năm 2019 và đại dịch Covid-19 đã, đang, sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới và đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, tác động dây chuyền có khả năng dẫn đến các cuộc khủng hoảng về năng lượng, nhiên liệu, tài chính tiền tệ.

Tác động của dịch bệnh dẫn đến thay đổi và tạo ra các cấu trúc, trật tự, nhu cầu, xu hướng phát triển mới đi kèm với cơ hội và động lực tăng trưởng mới.

Điều này đặt ra vai trò về thể chế, về một nhà nước mạnh có năng lực thích nghi, chuyển đổi để đảm bảo phát triển bền vững cũng như nguồn lực để bảo vệ sức khỏe người dân.

“Chính phủ Việt Nam mong muốn trong hợp tác với Liên hợp quốc nói riêng, cũng như các đối tác phát triển nói chung, tiếp tục có những phương thức đổi mới, với mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả trong hợp tác phát triển” Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Điều Phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra chúc mừng Chính phủ, người dân Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh Covid-19. Việt Nam đã có những hình thức linh hoạt để quay trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”, không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn trong chăm sóc sức khỏe của người dân.

Ông chỉ rõ, những kết quả đạt được này phù hợp với kế hoạch phát triển bền vững của Liên hợp quốc giai đoạn 2022-2026.

Ông cũng cho biết, Liên hợp quốc hy vọng, có thể chia sẻ các đánh giá với kế hoạch hành động thống nhất để giúp Việt Nam có thể tăng tốc, linh hoạt hơn, phục hồi nhanh hơn sau đại dịch. Kế hoạch phát triển bền vững của Liên hợp quốc giai đoạn 2022-2026 cũng sẽ dựa vào mục tiêu của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII để không chỉ vượt qua thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra mà còn phấn đấu đạt các mục tiêu Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đã đề ra.

Về khung Hợp tác phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UNSDCF) giai đoạn 2022-2026, theo đại diện của Liên hợp quốc, UNSDCF thể hiện sự hợp tác của hệ thống phát triển của Liên hợp quốc nước sở tại để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030.

UNSDCF giai đoạn 2022-2026 sẽ thay thế Kế hoạch Chiến lược chung (OSP) 2017-2021. Quy trình xây dựng UNSDCF đòi hỏi Nhóm quốc gia Liên hợp quốc, Chính phủ và các đối tác khác lựa chọn và tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng lớn nhất cho sự phát triển mang tính đổi mới và bao trùm và phát huy được các lợi thế so sánh của hệ thống phát triển của Liên hợp quốc.

UNSDCF do Chính phủ và Liên hợp quốc đồng sở hữu và cùng ký kết, phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược/kế hoạch khác của quốc gia và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), các đầu vào chủ yếu trong việc xây dựng UNSDCF là các đánh giá OSP, phân tích chung về tình hình quốc gia của Liên hợp quốc và các đánh giá chương trình của các tổ chức Liên hợp quốc.

Về quy trình tham vấn, với các đối tác chủ yếu, trong đó có các bộ/cơ quan Chính phủ Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quần chúng, các đối tác hợp tác phát triển, khu vực tư nhân, giới học thuật và nghiên cứu.

UNSDCF cung cấp thông tin cho việc xây dựng văn kiện lập kế hoạch chiến lược của các tổ chức Liên hợp quốc: UNDP, UNFTA và UNICEF ở Việt Nam sẽ soạn thảo văn kiện chương trình quốc gia (CPD) của mình trên cơ sở CF, bảo đảm CDP hoàn toàn phù hợp với các lĩnh vực kết quả của CF.

Về thành quả đầu ra của khung hợp tác, đến năm 2026, Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu phát triển xã hội bao trùm; thích ứng với biến đổi khí hậu, có khả năng chống chịu thiên tai và bền vững về môi trường; thịnh vượng được chia sẻ thông qua đổi mới kinh tế; quản trị tốt và tiếp cận công lý./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư