Xuất khẩu sang thị trường Anh và Úc tăng mạnh ngay trong tháng 1/2021

15:11 | 01/03/2021 Print
- Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1 năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Anh và Úc đều tăng mạnh so với cùng kỳ, cho thấy tín hiệu tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu ngay từ đầu năm.

Động lực mới cho xuất khẩu vào Anh từ Hiệp định UKVFTA

Cụ thể, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 657,35 triệu USD, tăng 78,57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 598,07 triệu USD, tăng lần lượt 84,61% so với tháng 1/2020 và 56,51% so với tháng 12/2020. Đây là mức tăng trưởng thực sự ấn tượng trong bối cảnh xuất khẩu sang nhiều bạn hàng lớn gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Tín hiệu đầy lạc quan này càng có ý nghĩa khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa mới được áp dụng tạm thời kể từ ngày 01/01/2021, hứa hẹn tiếp tục tạo ra động lực mới cho hợp tác kinh tế - thương mại trong thời gian tới.

Hiệp định UKVFTA hứa hẹn tiếp tục tạo ra động lực mới cho thương mại song phương với Anh thời gian tới

Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn giữ vững mức tăng ổn định và tích cực trong tháng 1, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 19,72 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái; mặt hàng rau quả đạt 1.04 triệu USD, tăng 148,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây đều là những ngành hàng có nhiều cơ hội nâng cao giá trị xuất khẩu, tỉ trọng trong cơ cấu thị trường thông qua nhiều ưu đãi về thuế quan trong Hiệp định UKVFTA. Theo cam kết trong UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên nhập khẩu vào UK được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Với mặt hàng hoa quả, khi Hiệp định có hiệu lực hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%. Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brasil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có FTA với Anh Quốc.

Các mặt hàng thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 1, cụ thể là: điện thoại các loại và linh kiện (252,59 triệu USD, tăng 371,6% so với cùng kỳ năm ngoái); máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng (đạt 74,58 triệu USD, tăng 109,9%); máy tính và sản phẩm linh kiện điện tử (31,82 triệu USD, tăng 91%); sắt thép các loại (đạt 15,96 triệu USD, tăng 11%)…

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Vương quốc Anh vào Việt Nam trong tháng 1 đạt 59,297 triệu USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ. Trong đó, một số mặt hàng có mức tăng trưởng đáng kể là: Kim loại trừ thép (đạt 467 nghìn USD, tăng 1.462,5%); thuốc trừ sâu và nguyên liệu ( đạt 1,042 triệu USD, tăng 505,8%); nguyên phụ liệu dệt may (đạt 3,084 triệu USD, tăng 131,7%).

Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang thị trường bạn, với mức thặng dư trong tháng 1 ghi nhận đạt 598,053 triệu USD (tăng 113,7% so với cùng kỳ năm 2020).

Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 5,64 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh 4,95 tỷ USD, đạt thặng dư thương mại là 4,27 tỷ USD. Anh tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu, sau Đức và Hà Lan.

Về đầu tư, tính đến hết tháng 12/2020, Vương quốc Anh hiện có 411 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký là 3,84 tỷ USD, đứng thứ 15 trong tổng số 139 quốc gia hiện có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các dự án đầu tư quan trọng của phía Anh tập trung vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dầu mỏ, năng lượng tái tạo…

Cùng với việc trao đổi thương mại của Việt Nam với các quốc gia EU đạt nhiều tín hiệu khả quan ngay trong tháng khởi đầu năm 2021, tình hình xuất nhập khẩu với Vương quốc Anh tiếp tục cho thấy những hiệu ứng tích cực mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đem lại trong giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit. Với những cam kết cắt giảm thuế suất lên đến 99% theo lộ trình cùng tính chất tiếp nối, Hiệp định UKVFTA hứa hẹn duy trì đà tăng trưởng thương mại bứt phá giữa Việt Nam và Anh Quốc trong những năm tiếp theo.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Úc tăng đột biến, nhiều chương trình hỗ trợ xuất khẩu trong năm 2021

Bên cạnh đó, xuất khẩu vào thị trường Úc trong tháng 1/2021 cũng tăng trưởng rất tích cực. Cụ thể số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Úc ước đạt gần 873 triệu USD, tăng 39,92% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó: kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Úc đạt gần 392 triệu USD, tăng 62,08% so với cùng kỳ.

Trong tháng 1, bên cạnh mặt hàng điện thoại, nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Úc tăng đột biến như: thuỷ sản tăng 106,09%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 69,95%, đồ chơi và bộ phận của đồ chơi tăng 218,11%, dệt may tăng 62,72%, giày dép tăng 72,47%, dây điện và dây cáp điện tăng 329,68%, chất dẻo nguyên liệu tăng hơn 900%, nông sản rau quả tăng 37,16%,...

Đối với các ngành hàng công nghiệp, qua số liệu xuất khẩu 2020 và tháng 1 năm 2021 cho thấy, chiến lược phát triển công nghiệp của Việt Nam ngày càng mang lại những thành tựu rõ nét. Cụ thể, nhiều ngành hàng công nghiệp như chế biến chế tạo máy móc, chất dẻo, hoá chất, nguyên phụ liệu,...tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong đợt Tết Nguyên Đán vừa qua, hàng Tết Việt Nam không chỉ được bày bán bán và tiêu thụ tốt tại hệ thống siêu thị của người Châu Á, mà còn tại hệ thống siêu thị lớn của Úc như Woolworth,... Đồng hành cùng hàng Tết Việt, Chương trình xúc tiến: Tết hàng Việt - Xuân may mắn cũng đã được Thương vụ triển khai.

Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết từ năm 2020 đã thực hiện chương trình hành động để đáp ứng tình hình mới theo hướng bám sát kế hoạch phục hồi kinh tế của Úc để thúc đẩy tăng cường xuất khẩu và tích cực kết nối giao thương căn cứ nhu cầu của doanh nghiệp Úc trong bối cảnh căng thẳng thương mại.

Một trong các trụ cột triển khai kế hoạch hành động là dựa trên chuyển đổi số và việc xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia.

Trong năm 2020, bên cạnh ứng dụng kết nối thị trường Viet-Aus trade, Triển lãm Quốc tế trực tuyến Nguồn hàng Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Úc có quy mô quốc gia với hàng trăm gian hàng gồm nhiều ngành nghề của Việt Nam đã mở ra nhịp cầu giúp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường Úc.

Kết quả năm 2020, dù thị trường Úc gặp nhiều bất lợi, Úc giảm nhập khẩu chung từ thế giới đến 5,14% (điều chỉnh theo mùa) nhưng xuất khẩu từ Việt Nam sang Úc vẫn tăng trưởng 2,65%.

Năm 2021, dự báo với tình hình Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, và thị trường Úc vẫn còn nhiều thách thức khó lường, bên cạnh Triển lãm trực tuyến Quốc tế Nguồn Hàng Việt Nam 2021 tại Úc được tiếp tục triển khai với quy mô quốc gia, hàng tháng các sự kiện xúc tiến ngành hàng Biz dinner sẽ được Thương vụ tổ chức, trong đó có việc tăng cường vai trò tham gia của các Hiệp hội doanh nghiệp tại Úc, thúc đẩy các doanh nghiệp Úc, doanh nghiệp Việt kiều trở thành nhà phân phối các sản phẩm Việt Nam tại Úc và các đảo quốc lân cận.

Ngoài ra, căn cứ tình hình mùa vụ nông sản trong nước, cơ quan Thương vụ cho biết sẽ tập trung đẩy mạnh tiêu thụ tại Úc thông qua việc tổ chức xúc tiến gắn với xây dựng thương hiệu./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư