e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Dự kiến sẽ ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông mới vào tháng 4/2018

22:17 | 19/01/2018 Print
- Đó là thông tin được đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi Họp báo thông tin về Dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chiều tối 19/01/2018.

Mở đầu buổi họp báo, GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã giới thiệu tóm lược định hướng, mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó, một số môn sẽ có nhiều thay đổi về nội dung so với chương trình hiện hành. Hầu hết môn học trong chương trình lần này hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển các năng lực cho người học, đặc biệt là năng lực vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề của thực tiễn. Nội dung mang tính ứng dụng được đẩy mạnh, phương pháp giáo dục tích cực, đặc biệt là thực hành, thí nghiệm được đề cao.

Quang cảnh họp báo

Cùng với đó, sẽ có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, như: tiếng Việt/ngữ văn, toán, giáo dục công dân, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp....

Chương trình Giáo dục phổ thông mới có 4 đặc điểm. Đầu tiên, các chương trình môn học có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể (mức độ biểu hiện cụ thể của năng lực cần hướng tới). Chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh; trong đó năng lực là sự kết hợp tố chất, phân hóa phát triển kỹ năng của học sinh. Ngay từ lớp 1 trên cơ sở thể lực học sinh được sắp xếp các học phần khác nhau (điền kinh, bơi lội, cầu lông...).

Chương trình mới thực hiện tích hợp các môn và liên môn. Một số môn học tích hợp mới, như: lịch sử và địa lý (cấp trung học cơ sở), khoa học (cấp tiểu học), khoa học tự nhiên (trung học cơ sở), giáo dục kinh tế và pháp luật; một số môn học/hoạt động giáo dục lần đầu tiên được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tin học; hay môn học tự chọn ở cấp trung học phổ thông, như: môn nghệ thuật…

Cuối cùng, các chương trình đều áp dụng phương pháp tổ chức hoạt động. Học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ chiếm lĩnh lý thuyết môn học, rèn luyện các kỹ năng phù hợp lứa tuổi, trình độ mỗi lớp.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, các công việc tiếp theo cần làm trong thời gian tới là: tiếp thu ý kiến nhân dân, hoàn thiện các chương trình; Thẩm định và ban hành chương trình; Tập huấn cho các đối tượng khác nhau (giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở, người biên soạn thẩm định sách giáo khoa) về chương trình; Biên soạn, thực nghiệm sách giáo khoa theo lộ trình quy định tại Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội; Thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa; Tập huấn cho các đối tượng khác nhau về sách giáo khoa; Chỉ đạo triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới theo lộ trình.

Dự kiến tháng 04/2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Cùng với đó, hình thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2018-2020 sẽ được giữ ổn định như hiện nay. Thông tin thêm về vấn đề này, ông Thuyết khẳng định “đến năm 2020 trở đi sẽ có sự thay đổi để phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông mới, tuy nhiên thay đổi thế nào thì không hề đơn giản. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tìm các tổ chức đo lường, nghiên cứu về vấn đề này. Qua đấu thầu, Trung tâm đo lường kiểm định chất lượng giáo dục đã trúng thầu. Đơn vị này sẽ có nghiên cứu và báo cáo Bộ về chuẩn bị đổi mới hình thức đánh giá năng lực học sinh, trong đó có thi tốt nghiệp trung học phổ thông".

Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình các môn về cơ bản đã giảm tải so với hiện hành. Các môn trước đây được góp ý là còn "hàn lâm", xa rời thực tiễn, yêu cầu chưa hợp lý với đối tượng học sinh phổ thông cũng được điều chỉnh. Về nguyên tắc giảm tải, GS. Thuyết cho biết có nhiều cách để giảm tải chương trình.

Thứ nhất là giảm kiến thức khó, lắt léo, đánh đố học sinh, chỉ để phục vụ các cuộc thi. Ví dụ như môn tiếng Việt/Ngữ văn, Ngoại ngữ chú trọng nhiều vào kĩ năng vận dụng, thực hành. Môn Toán ngoài các khái niệm, kiến thức nền tảng cũng thay đổi để học sinh hiểu được giá trị ứng dụng Toán trong cuộc sống trên cơ sở kết hợp với các môn khoa học tự nhiên khác. Đồng thời, bỏ bớt những kiến thức khó, chưa thiết thực…

Phác thảo chương trình 20 môn học

Thứ hai là tổ chức lại nội dung môn học. Ví dụ như ở môn Lịch sử, ở cấp nào cũng dạy Lịch sử, nhưng cấp tiểu học dạy dưới dạng các câu chuyện lịch sử (ký ức lịch sử), cấp THCS dạy thông sử theo tiến trình thời gian, cấp THPT dạy theo chủ đề. GS. Thuyết cho rằng cách tổ chức lại nội dung môn học sẽ giúp giảm tải chương trình.

Thứ ba là thay đổi phương pháp giảng dạy để giảm tải chương trình. Ví dụ như trước kia thầy cô nói từng chữ theo sách giáo khoa thì nay để cho học sinh tư duy và vận động.

Cùng với đó, việc tổ chức học 2 buổi/ngày, ít nhất đảm bảo học 6 buổi/ tuần cũng là một cách thức để giảm tải chương trình. “Bởi vì, cùng một khối lượng nội dung, nhưng khi tăng thời gian thực hiện, thì khối lượng chia ra sẽ nhẹ bớt”, ông Thuyết nhận định.

Ngoài ra, Chương trình mới cũng đưa hoạt động trải nghiệm, trải nghiệm hướng nghiệp vào như một nội dung bắt buộc, bao gồm các nội dung học tập độc lập và xen kẽ trong môn học theo các chủ đề.

Các chương trình bộ môn được thiết kế cũng thể hiện sự tiếp thu các ưu điểm của chương trình hiện hành, đặc biệt là tiếp thu các nỗ lực đổi mới, thử nghiệm đổi mới trong thực tiễn dạy học ở phổ thông các năm qua như mô hình trường học mới (theo dự án VNEN), việc thực hiện dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Chương trình mới được biên soạn theo hướng mở cho phép các nhà trường, giáo viên và các nhóm viết sách giáo khoa linh hoạt trong sử dụng các nội dung kiến thức nhằm đáp ứng yêu cầu bắt buộc. Cùng với đó, các chương trình cũng cho phép nhà trường, giáo viên được linh hoạt trong tổ chức dạy học, áp dụng phương pháp dạy học đa dạng./.

Hà Giang

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư