e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

6 nội dung Quốc hội yêu cầu Chính phủ làm rõ thêm trong quản lý DNNN

23:42 | 28/05/2018 Print
- Các đại biểu quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ thêm về các vấn đề: quản lý đất đai; đầu tư ra nước ngoài; đời sống, quyền lợi của người lao động; và việc khắc phục các tồn tại, yếu kém của DNNN có thua lỗ lớn trong thời gian tới.

Phiên thảo luận của Quốc hội về nội dung giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 đã diễn ra trong trọn vẹn một ngày 28/05/2018.

Toàn cảnh phiên thảo luận của Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 27 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 10 đại biểu tham gia tranh luận, còn 10 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng do hết thời gian nên chưa được phát biểu.

Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Tổng Thanh tra Chính phủ đã phát biểu làm rõ một số vấn đề có liên quan mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Quốc hội đánh giá cao và nhất trí với báo cáo giám sát về DNNN

“Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của đoàn giám sát và cơ bản nhất trí với báo cáo giám sát, cho rằng báo cáo giám sát đã phản ánh khá toàn diện về kết quả đạt được, chưa đạt được, những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”, ông Phùng Quốc Hiển tóm lược.

Qua thảo luận các ý kiến đại biểu cho rằng quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một nhiệm vụ quan trọng, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng, thể hiện tính nhất quán về sự phát triển trong các quan điểm, chủ trương sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, từ đó tạo cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền thể chế hóa trong các văn bản pháp luật của nhà nước.

Việc hoàn thiện thể chế quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhìn chung khá đầy đủ, kịp thời hơn so với giai đoạn trước, nội dung các văn bản pháp luật có tính bao quát, phạm vi điều chỉnh rộng, chất lượng văn bản từng bước được nâng lên, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp cũng như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao về tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm vai trò chỉ đạo, giám sát của nhà nước. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin về hoạt động của doanh nghiệp.

Về kết quả hoạt động, mặc dù gặp nhiều khó khăn và bị tác động mạnh do biến động lớn về tình hình thị trường, về giá cả, về rủi ro tài chính khi xảy ra khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008 – 2012, nhưng hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vẫn đạt được một số kết quả tích cực.

Doanh nghiệp nhà nước vẫn là một lực lượng vật chất có tiềm lực mạnh về tài chính, nắm giữ tài nguyên, đất đai, thương hiệu, lực lượng lao động và có đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý hùng hậu. Những doanh nghiệp nhà nước chiếm 100% vốn được duy trì, phát triển là những doanh nghiệp có quy mô lớn, tính chất chuyên môn cao, hoạt động trong lĩnh vực mà xã hội có nhu cầu lớn thực sự là lực lượng quan trọng, thực hiện những cân đối lớn trong nền kinh tế, thực hiện được các mục tiêu chính trị xã hội của Đảng và Nhà nước.

Đối với doanh nghiệp nhà nước có một phần vốn góp, việc thực hiện thoái vốn nhà nước, thu hồi vốn nhà nước đạt được một số kết quả nhất định. Những doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ đã tích cực được chuyển đổi, sắp xếp sở hữu theo hướng cổ phần hóa. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn nhà nước theo xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển.

Việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp đã được triển khai nghiêm túc, tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ ngân sách nhà nước theo quy định.

6 nội dung Quốc hội đề nghị làm rõ thêm

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đã tóm lại 6 nội dung đại biểu Quốc hội đề nghị phải phân tích làm rõ thêm, cụ thể như sau:

Thứ nhất, mặc dù ban hành các chính sách pháp luật giai đoạn 2011 - 2016 là tích cực và cơ bản chúng ta đã xây dựng được hệ thống pháp lý khác đầy đủ, nhất là từ cuối năm 2013 đến nay. Sau khi hiến pháp được ban hành Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo, đề xuất hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý doanh nghiệp, song cũng có một số vấn đề chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện những nội dung trong hệ thống pháp luật như đoàn giám sát đã nêu trong báo cáo. Cũng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ngày hôm nay như Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư...

Thứ hai, Quốc hội ghi nhận và đánh giá kết quả tích cực và không thể phủ nhận về kết quả quản lý vốn và hiệu quả sản xuất kinh doanh nộp ngân sách nhà nước cũng như vấn đề giải quyết lao động, việc làm, thu nhập và phúc lợi xã hội ở các doanh nghiệp nhà nước.

Song, Quốc hội cũng nhận thấy, đang còn không ít những hạn chế, yếu kém như vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh, vi phạm nguyên tắc thị trường, nguyên tắc quản trị doanh nghiệp, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính diễn ra ở các mức độ khác nhau và khá phổ biến ở những doanh nghiệp đã được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thậm chí gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế, làm giảm uy tín của doanh nghiệp nhà nước. Có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu.

Các đại biểu quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ thêm vấn đề quản lý đất đai tại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước ra nước ngoài, đời sống, quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp và việc khắc phục các tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước có thua lỗ lớn trong thời gian tới.

Thứ ba, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước trong thời gian qua. Do vậy các đại biểu yêu cầu trong thời gian tới cần tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Thứ tư, nhiều đại biểu quốc hội quan tâm thảo luận, đó là vấn đề trách nhiệm của tập thể, cũng như trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu, vấn đề phân công, phân cấp trách nhiệm giữa quản lý, chỉ đạo chung của Chính phủ và quản lý trực tiếp theo ngành, lĩnh vực của các bộ, ngành chuyên môn tới việc quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Trách nhiệm của chính quyền địa phương và của chính Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và người quản lý trực tiếp doanh nghiệp nhà nước.

Thứ năm, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình và quy định của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc cơ chế thị trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước trong tiến trình cổ phần hóa, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Giá cổ phần xác định theo cơ chế thị trường đảm bảo sát giá thị trường thông qua đấu giá công khai, minh bạch, nhất là việc quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa.

Thứ sáu, về dự thảo nghị quyết, các đại biểu cơ bản tán thành và góp ý nhiều vấn đề cụ thể về nhiệm vụ, trách nhiệm, giải pháp và có thời gian cụ thể cho việc thực hiện từng nhiệm vụ, kể cả những vấn đề như sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, xử lý những tồn tại, yếu kém, vấn đề sử dụng các quỹ, vấn đề xây dựng bộ tiêu chí để giám sát doanh nghiệp./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư