e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Không có vùng cấm trong xử lý vi phạm thi cử!

22:05 | 01/08/2018 Print
- Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã khẳng định như vậy tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 vào chiều nay (1/8) về vấn đề gian lận kết quả thi THPT quốc gia tại Hà Giang và Sơn La.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, về vụ việc gian lận thi THPT quốc gia ở tỉnh Sơn La, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực phối hợp với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an, sử dụng các phương tiện, thiết bị hiện đại để phục hồi điểm gốc.

“Chúng tôi sẽ căn cứ vào kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan Công an để có phương án xử lý phù hợp, bảo đảm công bằng cho các thí sinh”, Thứ trưởng Độ nói.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trả lời tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, về việc chấm thẩm định lại tất cả các địa phương và kết quả chấm lần này được coi là kết quả cuối cùng theo như các địa phương đã báo cáo. Nếu các địa phương phát hiện ra sai phạm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương làm việc với cơ quan công an địa phương trực tiếp xử lý theo đúng quy định, bảo đảm công bằng cho các thí sinh, không có vùng cấm, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp sai phạm.

Về xử lý các sở giáo dục và đào tạo thì theo phân cấp quản lý, các sở giáo dục và đào tạo thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, ngoài những trường hợp bị xử lý hình sự, những cá nhân sai phạm sẽ do lãnh đạo các tỉnh, thành phố xử lý theo Luật Công chức, Luật Viên chức.

Về hướng khắc phục trong kỳ thi THPT quốc gia năm tới gồm có 4 nội dung đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018.

Theo đó, “Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát toàn bộ quy trình, các khâu coi thi, chấm thi để hoàn thiện cho phù hợp; nâng cao nghiệp vụ thi đồng thời nâng cao năng lực, đạo đức của các bộ làm nhiệm vụ tại kỳ thi, nhấn mạnh sự trung thực, đạo đức của những cán bộ làm nhiệm vụ trong kỳ thi; hoàn thiện phần mềm chấm thi để những đối tượng có ý đồ xấu cũng khó có thể thực hiện; phương thức tổ chức chấm đối với bài thi trắc nghiệm có thể hướng tới chấm tập trung, theo cụm”, ông Độ thông tin.

Cũng liên quan đến vấn đề xử lý vụ sửa điểm thi THPT quốc gia ở tỉnh Sơn La, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an ngay từ đầu khi phát hiện sai phạm đã phối hợp chặt chẽ, xử lý cương quyết và rất kịp thời.

Đối với trường hợp vi phạm tại tỉnh Sơn La, ngày 26/7/2018, sau khi phát hiện sai phạm quy chế, có dấu hiệu hình sự, công an đã khởi tố vụ án.

“Sau khi khởi tố vụ án hình sự, chúng tôi thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến một số người. Chiều hôm qua (ngày 31/7), cơ quan điều tra an ninh của Công an Sơn La đã khởi tố 5 bị can”, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin.

Cho tới thời điểm này, cơ quan điều tra đang quyết liệt cùng với các cơ quan chức năng làm rõ những vi phạm pháp luật của những bị can này. “Việc điều tra làm rõ những vi phạm đó cần có thời gian và có những việc chưa thể thông tin tới báo chí lúc này. Nhưng chúng tôi cùng với Bộ Giáo dục sẽ làm nghiêm túc, khẩn trương, đúng pháp luật và ai vi phạm đến đâu pháp luật sẽ xử lý đúng đến đó”, ông Bùi Văn Nam nói.

Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 vào sáng hôm nay (01/08), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về tình hình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và việc xử lý tiêu cực trong khâu chấm thi ở một số địa phương.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua 4 năm thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, nhất là 2 năm gần đây, Kỳ thi đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, về vụ việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá là những sai phạm rất nghiêm trọng. Bộ đã báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý vụ việc trên tinh thần nghiêm túc, kiên quyết, kịp thời, xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm theo đúng quy chế thi và các quy định pháp luật hiện hành.

“Ở đây chúng tôi nói rõ, xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ đã nghiêm túc rà soát và nhận thấy một số hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 như sau: Đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của thi THPT, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao; Phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; Công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các địa phương đã được tăng cường hơn nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát.

Theo đó, Bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, phát huy những ưu điểm, đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập, trong đó tập trung vào các vấn đề: Tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp, đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia; Hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi. Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính trung thực, khách quan trong khâu chấm thi; Quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi; Tăng cường vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các Hội đồng thi.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay Bộ đang tiến hành sửa 2 luật (Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học), vấn đề thi và tuyển sinh cũng được đặt ra, nhưng như đã phân tích ở trên, việc bỏ thi THPT quốc gia ở thời điểm này là không nên. Bộ sẽ nghiên cứu thấu đáo nhưng quan điểm của Bộ việc bỏ thi THPT quốc gia trong những năm tới là chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, Bộ sẽ cố gắng để kỳ thi này bảo đảm thực chất hơn, đánh giá đúng chất lượng giáo dục của các địa phương.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để kỳ thi THPT quốc gia những năm tới được tổ chức tốt hơn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư