e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Hội nghị triển khai Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý KCN và KKT

08:10 | 02/09/2018 Print
- Ngày 31/8/2018 tại tỉnh Thái Nguyên, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XVI với chủ đề “Triển khai Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính Phủ quy định về quản lý KCN và KKT”.

Tham dự Hội nghị có ông Nhữ Văn Tâm- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Thái Nguyên; ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Dương Duy Hưng- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công thương, ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Lao động thương binh và Xã hội; ông Vũ Hải Nam- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế Bộ Nội Vụ; bà Bùi Thị Thu Hương - Vụ phó Vụ thi đua khen thưởng và Truyền thông- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng toàn thể các hội viện Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KKT của 30 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Minh Hoan - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về KCN, KKT trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng phát triển của các KCN, KKT, KCX tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi triển khai và áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều nhiều hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KCX, KKT và cần phải được tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn thúc đẩy phát triển các KCN, KCN và KKT, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ xác định chủ đề của Hội nghị lần thứ XVI là "“Triển khai Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính Phủ qui định về quản lý KCN và KKT”. Hội nghị là cơ hội để hội viên Câu lạc bộ tham gia thảo luận, đề xuất các ý kiến, kiến nghị đối với Chính phủ, Quốc hội và các Bộ, ngành Trung ương trong việc triển khai Nghị định mới, hoàn thiện về khung pháp luật, các chính sách vĩ mô, tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi để phát triển các KCN, KKT. Đồng thời tạo hành lang pháp lý cho các mô hình KCN mới để tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào các KCN, giải quyết các xung đột với văn bản pháp luật mới được ban hành, tiếp tục phân cấp ủy quyền cho Ban Quản lý KCN, KKT theo cơ chế hành chính “một cửa tại chỗ”.

Ông Trần Minh Hoan - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc

Báo cáo hoạt động của các thành viên CLB Ban Quản lý các KCN, KKT cho thấy, đến nay, trên địa bàn các tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) có 215 KCN với diện tích được quy hoạch là 69.469,7 ha. Trong đó, có 135 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích là 33.367,85 ha và 42 KCN đang xây dựng hạ tầng, với tổng diện tích là 12.888,89 ha.

Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc đã thu hút được 1.075 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 102.018,86 tỷ đồng và 7.267,13 triệu USD; điều chỉnh GCNĐKĐT cho 813 dự án với tổng số vốn điều chỉnh là 167.674,92 tỷ đồng và 6.132,95 triệu USD.

Tính lũy kế đến ngày 30/6/2018, số dự án đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) là 6.375 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 812.172,8 tỷ đồng và 869.297,06 triệu USD; vốn đầu tư lũy kế đến 30/6/2018 là 57.124,26 triệu USD và 299.192,35 tỷ đồng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp trong KCN, KKT trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục ổn định và phát triển, với các kết quả cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 380.520,31 triệu USD và 1.757.216,48 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 133.721,19 triệu USD; giá trị nhập khẩu đạt 95.079,04 triệu USD; giá trị nộp ngân sách đạt 995,541 triệu USD và 509.138,55 tỷ đồng; tổng số lao động có mặt tại các KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc đến ngày 30/6/2018 là 1.476.173 người.

Để có được những kết quả trên, tại các Ban Quản lý, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý KCN, KKT với các đơn vị có liên quan trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT, kịp thời giải quyết những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các dự án trong KCN, KKT duy trì hoạt động ổn định, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, tạo ra nhiều ngành nghề mới, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế. Đồng thời, tạo ra nhiều việc làm với mức thu nhập trung bình khá, từng bước nâng cao trình độ quản lý, tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được trong hoạt động quản lý nhà nước về KCN, KKT, các Ban quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc còn gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển các KCN như: Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách dành cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN tại một số địa phương còn hạn chế; một số địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hút đầu tư, nhất là các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; các chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp và các lĩnh vực liên quan liên tục thay đổi, tính ổn định không cao, còn tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất, chưa rõ ràng gây khó khăn trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, cơ hội và hiệu quả của các dự án đầu tư; một số Ban Quản lý chưa được cơ quan có thẩm quyền phân cấp, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, môi trường...; còn tình trạng một số dự án triển khai chậm tiến độ, hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, gây lãnh phí đất đai, hạ tầng KCN, KKT do gặp khó khăn trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; một số doanh nghiệp chỉ chú trọng công tác sản xuất kinh doanh, không thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, lao động, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm...; nhiều doanh nghiệp FDI là đối tác hoặc là một công ty trong tập đoàn lớn, đa quốc gia nên công tác quản lý, chống thất thu thuế, chống chuyển giá gặp nhiều khó khăn; nguồn lao động qua đào tạo còn thiếu, ngành nghề và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp KCN, KKT. Tình trạng khan hiếm lao động phổ thông khi các dự án lớn, sử dụng nhiều lao động đi vào hoạt động thường xuyên xảy ra.

Đánh giá về hoạt động của Câu lạc bộ Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc, ông Hoan khẳng định, Ban chủ nhiệm đặc biệt quan tâm và triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ chủ động xây dựng nhiệm vụ, chương trình công tác, tích cực chỉ đạo hội viên thực hiện. Tổ chức đầy đủ các cuộc họp định kỳ để đánh giá tình hình hoạt động của Câu lạc bộ, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, chương trình phù hợp theo điều kiện thực tế. Câu lạc bộ đã tập trung vào công tác chuyên môn, giúp cho các hội viên học tập, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách phát triển KKT, KCN.

Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếp tục mở rộng quan hệ, tranh thủ được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, phản ánh kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN, KKT cũng như những kiến nghị, đề xuất chung của hội viên Câu lạc bộ đã nêu tại các kỳ hội nghị đến Ban chỉ đạo về phát triển KCN, KKT; Văn phòng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư;...Đồng thời, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ thường xuyên duy trì và phát triển hoạt động giao lưu, thăm hỏi, động viên các hội viên trong các Ban Quản lý nhân các sự kiện quan trọng. Tăng cường quan hệ, trao đổi công tác với Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KCX, KKT và KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam. Với những cố gắng nỗ lực và tâm huyết vì sự nghiệp phát triển các KCN, KKT, Câu lạc bộ Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc đã được các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương ủng hộ và đánh giá cao vai trò, mô hình hoạt động của Câu lạc bộ.

Trên cơ sở báo cáo tham luận và phát biểu ý kiến của các hội viên Câu lạc bộ về Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN, KKT(gọi tắt là Nghị định 82, Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/7/2018 và thay thế Nghị định 29 và 164). Đa số các đại biểu cho rằng, Nghị định 82 ra đời đã góp phần giải quyết một số hạn chế vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật đối với các KCN, KKT; mặt khác bổ sung những quy định mới nhằm hoàn thiện thêm khung pháp lý liên quan đến hoạt động của các KCN, KKT, góp phần tạo dựng một môi trường đầu tư thuận lợi và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước KCN, KKT. Song thực tế trong quá trình nghiên cứu, triển khai Nghị định 82 thời gian qua, các hội viên Câu lạc bộ đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước KCN, KKT như:

(1) Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Ban Quản lý KCN, KKT: Do Nghị định 82 chưa phải là khung pháp lý cao nhất nên một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý KCN, KKT vẫn trong tình trạng bị một số Luật khác chi phối, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và bị động trong việc hướng dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư vào các KCN, KKT. Đến nay, đa số các Ban Quản lý hội viên Câu lạc bộ đã kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV ngày 03/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, để thực hiện quy định của Nghị định 82 về việc bố trí tối thiểu từ 07 biên chế trở lên trong 01 phòng chuyên môn, hầu hết các đơn vị sẽ phải tổ chức, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, trong khi số lượng biên chế được giao ít, gây nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, việc liên tục kiện toàn tổ chức bộ máy của các Ban trong một thời gian ngắn cũng dẫn đến xáo động về mặt tổ chức và tâm lý của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trực thuộc. Đồng thời, liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Nội vụ chưa ban hành Thông tư hướng dẫn, thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV ngày 03/9/2015. Do vậy, các Ban chưa có cơ sở để triển khai thực hiện.Ngoài ra, đối với các tỉnh thuộc khu vực biên giới phía Bắc, để quản lý, điều hành, mỗi cửa khẩu đều phải bố trí một Văn phòng đại diện Ban Quản lý (hoặc Ban quản lý cửa khẩu), mặc dù không đảm bảo tiêu chí 7 biên chế trở lên song cũng không thể sáp nhập do các cửa khẩu nằm cách xa nhau về mặt địa lý.Mặt khác, đối với khu kinh tế có các cửa khẩu biên giới đất liền còn phải thực hiện các nội dung về tổ chức, bộ máy theo Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền. Như vậy, tồn tại sự không thống nhất giữa mô hình Ban quản lý cửa khẩu và Văn phòng đại diện tại cửa khẩu. Điều này gây khó khăn rất lớn trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của các đơn vị.

(2) Về một số quy định cụ thể trong Nghị định 82: Theo Nghị định 82, đối với KCN có quy mô diện tích từ 200ha trở lên phải xin ý kiến của nhiều Bộ, ngành Trung ương về quy hoạch xây dựng KCN trước khi trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Việc này dẫn đến mất nhiều thời gian khi triển khai thực hiện (Theo Nghị định 29, KCN có diện tích từ 500ha trở lên mới phải xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương về quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp trước khi UBND cấp tỉnh phê duyệt).

Theo Nghị định 82, một trong những điều kiện xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN là "Tổng diện tích đất công nghiệp của các KCN đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuê đất, thuê lại đất đạt tối thiểu 60%". Điều này gây khó khăn trong quá trình thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các KCN khác của các địa phương.

Nghị định 82 không đề cập đến việc xác nhận hợp đồng về bất động sản cho các doanh nghiệp trong KCN, KKT. Như vậy sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý việc cho thuê lại đất của nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT (có đúng quy định hoặc có tranh chấp không? ...). Nghị định 82 không đề cập đến việc giảm 50% thuế thu nhập đối với người có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại KKT như quy định tại Nghị định 29. Do đó, cần quy định rõ vấn đề này để đảm bảo quyền lợi của người lao động trong KKT. Nghị định 82 chưa quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và cơ quan có thẩm quyền trong việc ủy quyền cho các Ban Quản lý KCN, KKT thực hiện một số nhiệm vụ. Điều đó dẫn tới cùng một nhiệm vụ nhưng có nơi Ban Quản lý KCN, KKT được ủy quyền, có nơi chưa được ủy quyền, tùy thuộc vào quan điểm của từng địa phương.Các Ban Quản lý KCN, KKT vẫn không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, do đó dẫn tới hiệu quả quản lý nhà nước về KCN, KKT chưa cao.

Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong việc triển khai Nghị định 82 của Chính Phủ, các hội viên Câu lạc bộ đều thống nhất có các ý kiến đề xuất với các Bộ, ngành chức năng sớm có các văn bản hướng dẫn các Ban Quản lý KCN, KKT thi hành Nghị định 82 và tổ chức tập huấn để giải đáp thắc mắc, thống nhất cách hiểu chung giữa các Ban Quản lý. Cụ thể đề nghị:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý KCN, KKT theo Nghị định 82 (thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV). Trong đó cần quan tâm đến các tiêu chí như kết quả xếp hạng, phạm vi quản lý, số chỉ tiêu biên chế được giao của các Ban Quản lý hiện nay để có quy định cụ thể, thống nhất về các phòng chuyên môn, nghiệp vụ cũng như số lượng biên chế trong mỗi phòng cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho các Ban Quản lý thực hiện cơ chế hành chính "một cửa tại chỗ" và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước KCN, KKT. Đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương xây dựng cơ chế huy động các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT.

Bộ Công thương công bố tiêu chí, điều kiện cần đáp ứng đủ để các Ban Quản lý KCN, KKT được ủy quyền cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa sản xuất tại KCN, KKT. Ban hành văn bản hướng dẫn các Ban Quản lý về việc cấp Giấy phép và các giấy tờ có giá trị tương đương đối với việc kinh doanh các mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương cũng như việc thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài đặt trụ sở tại KCN, KKT.

Bộ Xây dựng ban hành quy định, hướng dẫn việc phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 63 Nghị định 82.

Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn việc ủy quyền cho Ban Quản lý KCN, KKT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 63 Nghị định 82. Ban hành hướng dẫn về việc quản lý sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất đối với các KCN được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ nguồn ngân sách nhà nước (đối với các địa phương có điều kiện khó khăn, chưa thu hút được nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn việc ủy quyền cho Ban Quản lý KCN, KKT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động quy định tại điểm c khoản 3 Điều 63 Nghị định 82.

Đối với Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn cụ thể về đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức đối với các Ban Quản lý KCN, KKT. Trên cơ sở đó, cần định hướng cụ thể số lượng biên chế cho phù hợp nhằm đảm bảo đủ điều kiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Hướng dẫn cụ thể cơ cấu tổ chức bộ máy của mô hình Ban Quản lý KKT cửa khẩu kiêm nhiệm chức năng, nhiệm vụ Ban quản lý cửa khẩu theo Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính cho phép cơ quan thuế tiếp tục thực hiện việc xác định và thông báo số tiền phải nộp đến người sử dụng đất phải nộp đối với diện tích đất nằm trong KKT nhưng ngoài các phân khu chức năng mà cấp có thẩm quyền không giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế.

Thay mặt cho lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Nhữ Văn Tâm - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên chúc mừng, đánh giá cao những đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh phía Bắc đã đạt được trong thời gian qua. Ông Tâm nhấn mạnh: Thái Nguyên luôn đánh giá cao vai trò của các KCN trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút tối đa các nguồn lực tạo điều kiện phát triển KCN như: đồng ý cho Ban Quản lý các KCN được vận động sử dụng tiền ứng trước của các nhà đầu tư thứ cấp để thực hiện công tác GPMB; tạm ứng ngân sách tỉnh để thực hiện GPMB tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; định kỳ hàng tháng Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghe, thảo luận về tình hình thu hút đầu tư, phát triển các KCN trên địa bàn; tạo điều kiện cho Ban Quản lý các KCN thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tại một số nước có tiềm năng: Hàn Quốc, Nhật Bản...Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, đến nay các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những tựu nổi bật như: Thu hút được 90 dự án FDI/tổng số 130 dự án FDI toàn tỉnh; giá trị sản xuất công nghiệp chiếm trên 90% toàn tỉnh; giá trị xuất khẩu chiếm 99% toàn tỉnh; lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp chiếm trên 60%; thu ngân sách chiếm gần 50%...

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã ghi nhận và biểu dương những đóng góp hết sức to lớn của các thành viên Câu lạc bộ đối với sự nghiệp phát triển các KCN, KKT của miền Bắc. Về các ý kiến, kiến nghị cụ thể của các thành viên Câu lạc bộ, Vụ trưởng Đông đã giải đáp cụ thể và chi tiết những khó khăn, vướng mắc của các Hội viên đã nêu trong quá trình triển khai Nghị định 82. Về mong muốn của các hội viên Câu lạc bộ là sớm xây dựng Luật KCN, KKT, Vụ trưởng Đông nhất trí và ủng hộ cao. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu và đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội sớm xây dựng Luật KCN, KKT để nhanh chóng tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT...”- Vụ trưởng Đông nhấn mạnh. Đồng thời thông tin thêm: (1) tháng tới Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc về vấn đề xây dựng hạ tầng xã hội (đặc biệt là nhà ở và các thiết chế văn hóa cho NLĐ trong các KCN, KKT). Qua Hội nghị này, Thủ tướng sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành. Vụ trưởng Đông đề nghị các hội viên Câu lạc bộ tham mưu, có ý kiến đóng cho cho UBND tỉnh; (2) Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức khóa hội thảo về Nghị định 82 cũng như thông tin thêm các nội dung mới liên quan đến các mô hình KCN sinh thái, KCN hỗ trợ...; (3) đầu tháng 10 Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức tổng kết 30 năm thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi địa phương để giới thiệu đại biểu tham dự, đề nghị Ban quản lý có bài tham luận những nội dung liên quan đến thu hút FDI để Bộ có cơ sở đề xuất lên Chính phủ khen thưởng; (4) Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành để kiện toàn bộ máy tổ chức của các Ban quản lý KCN, KKT theo Nghị định 82...


Ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Bế mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc Trần Minh Hoan cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đè xuất của các hội viên Câu lạc bộ và các đại biểu đại diện các bộ, ngành trung ương tham dự Hội nghị thành văn bản chính thức để báo cáo với Ban chỉ đạo về phát triển KCN, KKT, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Nghị định 82/2018- NĐ- CP trong thời gian sắp tới.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trần Minh Hoan đề nghị các Hội viên Câu lạc bộ cần tiếp tục nghiên cứu các nội dung của Nghị định để đề xuất những giải pháp triển khai các nội dung của Nghị định 82/2018- NĐ- CP một cách phù hợp với thực tiễn của từng địa phương; kịp thời trao đổi, phổ biến kinh nghiệm với các đơn vị khác trong Câu lạc bộ nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT.

Cũng tại Hội nghị, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã thống nhất lựa chọn Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam là đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị Câu lạc bộ lần thứ XVII, sẽ được tổ chức vào năm 2019.

Một số hình ảnh tại Hội nghị

Nguyễn Hằng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư