e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Những bước phát triển mới trong quan hệ ngoại giao Việt Nam với Ethiopia và Ai Cập

15:17 | 31/08/2018 Print
- Gần đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ethiopia từ ngày 23-25/8 theo lời mời của Tổng thống Ethiopia Mulatu Teshome và thăm cấp Nhà nước đến Ai Cập từ ngày 25-29/8 theo lời mời của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi.

Chuyến thăm có nhiều ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện, những kết quả đạt được sau chuyến thăm đã mở ra một bước phát triển hiệu quả và thực chất trong quan hệ Việt Nam - Ethiopia và Việt Nam - Ai Cập.

Quan hệ Việt Nam – Ethiopia

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đến Ethiopia lần này là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (23/03/1976).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ethiopia Mulatu Teshome / Ảnh: TTXVN

Thời gian gần đây, Ethiopia đẩy mạnh việc tăng cường quan hệ với Việt Nam thể hiện qua việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường (4/2014), tổ chức đoàn Phó Thủ tướng sang thăm và làm việc tại Việt Nam (11/2014). Hiện nay, hãng hàng không Ethiopia đã mở tuyến hàng không quốc tế kết nối thủ đô Addis Ababas với thành phố Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi giữa các thương nhân hai nước.

Về quan hệ kinh tế song phương, hai nước đã tiến hành ký kết các văn bản như: Hiệp định khung về hợp tác văn hóa và Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật; thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Ethiopia. Năm 2017, kim ngạch thương mại đạt 11,3 triệu USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm dệt may, da giày, sản phẩm hóa chất.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ethiopia, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Ethiopia Mulatu Teshome; hội kiến Thủ tướng Abiy Ahmed; hội kiến lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện Ethiopia... và trao đổi các định hướng và biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương, trong đó chú trọng tăng cường tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, thúc đẩy giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân.

Hai bên cho rằng Việt Nam và Ethiopia có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và nhu cầu; nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước đầu tư kinh doanh tại thị trường của nhau; xác lập các biện pháp thanh toán phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường khảo sát thị trường, chia sẻ thông tin chính sách; xem xét tiến cử Lãnh sự danh dự tạo thêm kênh kết nối và khai thác kịp thời các cơ hội hợp tác kinh tế.

Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mulatu Teshome đã chứng kiến lễ ký các biên bản hợp tác giữa hai nước, đó là: Biên bản ghi nhớ về Hợp tác đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ủy ban Đầu tư Ethiopia, Hiệp định Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ethiopia.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Việt Nam có thể xuất khẩu các sản phẩm như nông sản, chè, càphê, cao su, hàng điện tử, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải... sang thị trường Ethiopia; chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Ethiopia về sản xuất và xuất khẩu gạo; cam kết tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tăng cường xúc tiến thương mại-đầu tư, tham dự hội chợ, chia sẻ thông tin cho nhau.

Tổng thống Mulatu Teshome cho rằng Ethiopia và Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là về thương mại, đầu tư, hợp tác chế biến lương thực, phát triển cơ sở hạ tầng.

Tổng thống Mulatu Teshome khẳng định, Ethiopia sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Ethiopia tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Cùng đó là đẩy mạnh hợp tác giáo dục, nông nghiệp, hàng không.

Quan hệ Việt Nam – Ai Cập

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đến Ai Cập cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Ai Cập kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963. Sự kiện diễn ra vào đúng dịp hai nước tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (01/09/1963).

Ai Cập là đối tác thương mại lớn 2 của Việt Nam tại châu Phi. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 230 triệu USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ethiopia Mulatu Teshome/ Ảnh: TTXVN

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là hải sản, linh kiện phụ tùng ôtô, vải sợi, hạt tiêu đen, cà phê, cao su và hàng tiêu dùng khác. Các mặt hàng nhập khẩu chính là hóa chất, mật các loại thuộc nhóm 1703, sản phẩm từ dầu mỏ, sữa và các sản phẩm từ sữa, sợi các loại và hàng tiêu dùng khác...

Ủy ban Liên Chính phủ hai nước đã họp lần thứ 4 tại Cairo tháng 11/2008 (Bộ Công Thương chủ trì). Kỳ họp lần 5 họp cấp kỹ thuật từ ngày 21-22/8/2017 để hoàn thiện Biên bản kỳ họp chờ ký kết vào thời điểm thích hợp (Bộ Công Thương đề nghị hoãn kỳ họp đến tháng 10/2017.

Ai Cập là nước Bắc Phi đầu tiên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ (11/2013). Ai Cập hiện có 2 dự án đầu tư tại Tây Ninh và Khánh Hòa với trị giá 750.000 USD.

Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi hội đàm với Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi, hội kiến Thủ tướng Mostafa Madbouly, Chủ tịch Quốc hội Ali Abdel Aal để trao đổi về phương hướng và các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục, đào tạo, văn hóa, du lịch, đẩy mạnh hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân, cũng như tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế.

Chủ tịch nước đề nghị hai nước duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa các lãnh đạo cấp cao, khuyến khích các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; Đẩy mạnh hợp tác tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt trong khuôn khổ Liên hợp quốc, hợp tác Nam - Nam, Phong trào Không liên kết, Tổ chức Pháp ngữ... Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Ai Cập, với tư cách là một thành viên của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, làm cầu nối trong quan hệ giữa các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, với Liên minh châu Phi và các nước thành viên.

Về hợp tác kinh tế, Chủ tịch nước đề nghị Ai Cập tháo gỡ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường Ai Cập, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh như hàng nông, thủy sản, vật liệu xây dựng như gạo, hạt tiêu, cà phê, chè, cá tra, cá basa, gạch ceramic, đá ốp lát...; sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý nội bộ để thông qua Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần ký tháng 3/2006 nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi khẳng định với vị trí kết nối ba châu lục: châu Á, châu Phi và châu Âu, Ai Cập sẵn sàng làm cầu nối để doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Ai Cập; thúc đẩy sớm triển khai Chương trình “Tiêu chuẩn Thương mại Ha-la”, hỗ trợ đào tạo cán bộ của Việt Nam trong lĩnh vực Tiêu chuẩn Ha-la về hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường Hồi giáo nói chung, trong đó có Ai Cập; Tăng cường hợp tác song phương trong việc công nhận lẫn nhau về các biện pháp kiểm dịch động, thực vật cho hàng hóa nông sản, thủy hải sản.

Hai bên cũng trao đổi sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác và nhất trí tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, thể thao và du lịch, nông nghiệp, giao thông, vận tải, hợp tác địa phương,… trong đó nhấn mạnh thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, phấn đấu sớm đạt mục tiêu kim ngạch trao đổi thương mại 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới./.

Nguồn tham khảo:

http://baoquocte.vn/chu-tich-nuoc-va-phu-nhan-ve-den-ha-noi-ket-thuc-chuyen-tham-ethiopia-va-ai-cap-76878.html

http://baoquocte.vn/tien-trien-tich-cuc-trong-quan-he-viet-nam-ai-cap-76855.html

https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-va-ethiopia-tang-cuong-hon-nua-hop-tac-song-phuong/520814.vnp

http://special.vietnamplus.vn/vietnam_aicap

https://vn.sputniknews.com/politics/201808246088924-dau-moc-lich-su-quan-he-viet-nam-Ethiopia/

Như Quỳnh (Tổng hợp)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư