e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Giải quyết vấn đề độc quyền sách và lãng phí SGK thế nào?

16:36 | 04/10/2018 Print
- Thời gian vừa qua, tình trạng độc quyền in ấn và lãng phí trong sử dụng sách giáo khoa (SGK) khiến dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Vẫn còn nhiều băn khoăn về độc quyền và lãng phí SGK

Năm học 2018-2019 đã bắt đầu, tuy nhiên, dư luận, mà đặc biệt là phụ huynh học sinh vẫn còn nhiều băn khoăn về việc độc quyền SGK và việc SGK sử dụng 1 lần gây lãng phí.

Trước thời điểm năm học mới 2018-2019, nhiều phụ huynh đã vất vả chạy ngược xuôi đến các hiệu sách, của hàng sách để tìm mua SGK. Để có bộ SGK cho con, nhiều phụ huynh ngoài đi tìm ở các hiệu sách, còn chấp nhận mua giá cao ở những điểm bán lẻ ngoài vỉa hè. Thậm chí, buộc phải xin sách cũ để cho con kịp bước vào năm học mới. Tình trạng khan hiếm sách chủ yếu xảy ra ở các lớp đầu cấp, như: lớp 1, lớp 6 và lớp 10.

Trước tình trạng trên, đại diện Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiếu sách cục bộ là do lượng học sinh khối đầu cấp tăng đột biến dẫn đến thiếu sách. Ngoài ra, để không đảm bảo tồn sách, Nhà Xuất bản cũng không in quá số lượng đăng ký.

Theo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, để phục vụ năm học mới 2018-2019, đơn vị này đã xây dựng kế hoạch in và phát hành sách dựa vào số lượng đặt mua của các công ty sách và thiết bị trường học địa phương, cũng như căn cứ vào thực tiễn phát hành SGK các năm học trước, đặc biệt là năm học 2017-2018. Đến đầu năm học 2018-2019, Nhà Xuất bản đã phát hành 108,8 triệu bản SGK.

Mặc dù số lượng này đạt 105% kế hoạch, vượt 3% so với cùng kỳ năm 2017, song tình trạng khan hiếm SGK vẫn xảy ra. Thực trạng này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về tính độc quyền trong vấn đề in SGK. Nếu tồn tại trong thời gian dài cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng sách, giá cả, phát hành SGK bộc lộ một số bất cập.

Bên cạnh đó, việc SGK chỉ dùng được 1 lần cũng gây nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội.

Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, nguyên nhân chủ yếu của việc SGK chỉ sử dụng được một lần, mỗi năm phải thay mới là do việc biên soạn, thiết kế sách giáo khoa đã đưa các dạng/mẫu bài tập trắc nghiệm và dạng bài tập khác để học sinh điền, viết vào chỗ trống, ô trống...

Một nguyên nhân khác là chất lượng giấy in, đóng quyển kém, giấy mỏng, nhanh cũ, màu tối, bìa dễ bung... Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa quan tâm đúng mức đến khâu chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng, giữ gìn, bảo quản sách, thanh tra, đánh giá việc in, phát hành sách, cũng là lý do để tình trạng trên tồn tại nhiều năm.

Theo bảng giá niêm yết SGK năm học 2018-2019, mỗi lớp ở cấp tiểu học đều có 6 cuốn SGK, giá dao động 45.300 đồng đến 78.300 đồng. Bộ SGK ở cấp THCS cùng môn Tiếng Anh của lớp 6 và lớp 7 là 12 cuốn, lớp 8 và lớp 9 là 13 cuốn, giá 97.700 đồng đến144.500 đồng. Bộ SGK ở cấp THPT theo chương trình chuẩn và môn Tiếng Anh có giá từ 141.400 đồng đến 153.500 đồng với 14 cuốn.

Việc SGK chỉ dùng được 1 lần là sự lãng phí khi hàng trăm triệu bản SGK với tổng giá cả ngàn tỷ đồng lại nhanh chóng trở thành phế liệu sau khi kết thúc năm học. Trong khi ở các trường vùng nông thôn, miền núi, rất nhiều học sinh thiếu sách học, các thầy cô phải vất vả đi xin sách cũ cho học sinh.

Nhiều loại SGK lại có thêm phần câu hỏi, bài tập dưới hình thức tự luận hoặc trắc nhiệm yêu cầu học sinh phải ghi chép hoặc điền vào đó dẫn đến tình trạng chỉ học sách 1 lần rồi cất hoặc bỏ đi. Điều đó đồng nghĩa với việc, hàng nghìn tỷ sản xuất SGK mỗi năm cũng trở thành “phế liệu”.

Trái lại, có ý kiến cho rằng, viết trong SGK để các em dễ học dễ nhớ… nên dùng một lần cũng không vấn đề gì. Do đó, tùy nhu cầu sử dụng, có lẽ không nhất thiết phải yêu cầu học sinh không viết, vẽ vào SGK khi mà sách… đã có phần trống “mời mọc” sẵn. Tuy nhiên, việc dạy con trẻ sử dụng và giữ gìn sách và đồ dùng hàng ngày một cách cẩn thận là việc mà phụ huynh, giáo viên cần quan tâm.

Cần xóa bỏ độc quyền và sử dụng SGK hợp lý

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 09/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ đang có độc quyền SGK của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và tình trạng này đã được phân tích khi xây dựng Đề án đổi mới chương trình, SGK. Theo đó, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là phải xóa độc quyền.

Cũng tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được giao xuất bản SGK. Để giải quyết tình trạng in SGK độc quyền, từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông cấp phép thêm 5 nhà xuất bản được tham gia xuất bản SGK và sẽ tiếp tục xem xét mở rộng cấp phép.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông cấp phép thêm 5 nhà xuất bản được tham gia xuất bản SGK

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, hiện tỷ lệ tái sử dụng SGK khoảng 35%. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh không làm bài tập trực tiếp vào SGK để nhắc nhở, rèn các em ý thức giữ gìn đồ vật, tài sản.

Cụ thể, để nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng nhiều lần, trước đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT, ngày 24/09/2018 về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo đó, chỉ thị yêu cầu các giám đốc sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục ở địa phương quán triệt từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn SGK để sử dụng và sử dụng lâu bền, hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào SGK.

Đây không phải là yêu cầu bắt buộc mà chỉ khuyến khích giáo viên thực hiện phương pháp dạy học tích cực, và hướng dẫn để học sinh có ý thức tốt trong việc giữ gìn để sử dụng sách được bền lâu./.

Tham khảo từ các nguồn:

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/thieu-sach-giao-khoa-do-doc-quyen-20180822215333763.htm

https://www.nguoiduatin.vn/sach-giao-khoa-chi-su-dung-1-lan-gay-lang-phi-mot-cach-vo-ly-a394899.html

https://nld.com.vn/thoi-su/xoa-doc-quyen-sach-giao-khoa-20181001221151254.htm

https://vtc.vn/chi-thi-khong-viet-vao-sach-giao-khoa-dai-dien-bo-gddt-day-khong-phai-menh-lenh-bat-buoc-d429152.html

Hồng Ánh (Tổng hợp)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư