e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Cần cân nhắc việc có một hay nhiều bộ SGK

10:20 | 16/11/2018 Print
- Đây là góp ý của nhiều đại biểu trên nghị trường Quốc hội sáng ngày 15/11 khi bàn về vấn đề mỗi một môn học có một hoặc một số sách giáo khoa (SGK) trong dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Sáng ngày 15/11/2018, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

SGK phải có định hướng giáo dục chân, thiện, mỹ cho học sinh

Theo dự thảo Luật, mỗi một môn học có một hoặc một số SGK. Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trên cơ sở tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Về vấn đề này, đại biểu Cao Đình Thưởng (tỉnh Phú Thọ) cho rằng, chương trình SGK cần rà soát, điều chỉnh kỹ lưỡng bởi nhiều giáo viên, phụ huynh muốn cả nước có một bộ SGK thống nhất, còn lại là sách tham khảo, sách nâng cao. Cùng với đó, SGK phải được thẩm định, kiểm soát hết sức chặt chẽ, chương trình học phải nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ dạy, dễ học. Đồng thời, người viết SGK phải thực sự giỏi và am hiểu sâu sắc về nội dung chương trình và tâm lý sư phạm.

Đại biểu tỉnh Phú Thọ cũng nêu vấn đề, nếu có quá nhiều SGK thì khó quản lý, khó lựa chọn, khó dạy thống nhất và rất dễ dẫn đến loạn SGK, lúc ấy giáo dục sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát và hậu quả khôn lường.

Đồng quan điểm với ý kiến của đại biểu Thưởng, đại biểu Hồ Thanh Bình (tỉnh An Giang) cho rằng, qua phản ánh của cử tri và thực tiễn kiểm chứng cho thấy, cần lưu ý quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với việc biên soạn các nội dung SGK và sách tham khảo. Việc biên soạn SGK phải đảm bảo nội dung trong sáng, thiết thực, gần gũi với thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đặc biệt có định hướng giáo dục chân, thiện, mỹ cho học sinh.

“Việc đưa vào SGK những nội dung không đúng quy định trích dẫn hay cố tình làm sai lệch bản gốc của các sáng tác hoặc nội dung gây hiểu lầm về ý nghĩa giáo dục, thậm chí sai chính tả cần được tuyệt đối kiểm duyệt”, đại biểu Hồ Thanh Bình nói.

Toàn cảnh phiên họp

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (tỉnh Bình Thuận) đồng tình với việc quy định mỗi môn học có một hoặc một số bộ SGK, thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, cơ sở giáo dục thực hiện lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập.

Đại biểu tỉnh Bình Thuận đề nghị, cần quy định như thế nào là tạo tính chủ động, linh hoạt cho các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chặt chẽ và thống nhất trong quá trình thực hiện, Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục, quy định rõ về việc hoạt động của hội đồng thẩm định cấp tỉnh và quy trình thẩm định.

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Hứa Thị Hà (tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, trong khoản 2 Điều 30 chương trình giáo dục phổ thông, SGK quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập trên cơ sở tham khảo ý kiến của giáo viên học sinh và cha mẹ học sinh. Ý tưởng lựa chọn bộ SGK phù hợp với đối tượng học sinh là rất tốt.

Tuy nhiên, “tôi thấy việc tham khảo ý kiến của học sinh và cha mẹ học sinh là chưa hợp lý. Tôi không rõ đối tượng học sinh và cha mẹ học sinh trong dự thảo Luật đề cập là nhóm đối tượng nào hay mỗi năm lại lấy ý kiến học sinh và cha mẹ học sinh để lựa chọn SGK trong giảng dạy cho đối tượng học sinh đó. Nếu như vậy, sẽ gây nhiều khó khăn, bất cập khi triển khai. Hơn nữa, liệu học sinh và cha mẹ học sinh có đủ năng lực và thông tin để đánh giá, lựa chọn SGK tốt và phù hợp”, đại biểu Hứa Thị Hà nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Tuyên Quang đề nghị, cần cải cách phương thức xây dựng SGK. Đối với SGK của những môn học ở bậc trung học cơ sở trở xuống, kiến thức trong SGK phải là kiến thức cơ bản, mang tính nền tảng, tính hệ thống, có mức ổn định tối thiểu từ 3-5 năm, chứ không thể thay đổi hàng năm như hiện nay.

Còn đối với các môn học ở cấp trung học phổ thông trở lên mang tính lựa chọn và có yếu tố định hướng nghề nghiệp, phương pháp xây dựng SGK phải truyền tải được kiến thức về kinh tế - xã hội, cần được cập nhật liên tục cùng với sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực. Ngoài ra, cần xem lại quy định về thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK.

Nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non cần tính đến đặc thù của từng địa phương

Theo dự thảo Luật, điểm a khoản 1 Điều 72 quy định: nâng chuẩn từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non. Trong phiên chất vấn sáng cùng ngày, các đại biểu Quốc hội cũng góp ý về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (tỉnh Nghệ An) đồng tình với việc cần phải tập trung để nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.

Nữ đại biểu cho rằng, giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn lực con người, đội ngũ giáo viên mầm non là nhân tố quyết định chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. Vì vậy, mục tiêu xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non được đào tạo bài bản, có chất lượng, có đạo đức là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên mầm non cả nước trong năm học 2017-2018 là 337.488 người, số giáo viên đạt chuẩn trung cấp là 332.403 người. Theo chuẩn dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), số giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ cao đẳng là 107.150 người. Như vậy, đây là một số lượng khá lớn và điều đáng quan tâm là phần nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn, tuổi đời lớn, tập trung ở các địa phương vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, “tôi đề nghị cần phải có các quy định, xây dựng kế hoạch thực hiện hợp lý để giáo viên yên tâm công tác. Trên cơ sở sắp xếp, bố trí đào tạo, bồi dưỡng, nâng chuẩn hằng năm phù hợp với yêu cầu giảng dạy, tránh tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số nơi, vẫn phải tiếp tục hợp đồng để giảng dạy. Đồng thời, khi thực hiện đại trà, các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ gặp khó khăn, do đó cần tính đến đặc thù của từng địa phương để triển khai có hiệu quả”, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền góp ý.

Cũng góp ý về vấn đề này, đại biểu Ngô Thị Kim Yến (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, nâng chuẩn giáo viên là mong muốn để đảm bảo chất lượng giáo dục, tuy nhiên cần tính đến khả năng và sự phù hợp của quy định. Bởi hiện nay tại nhiều địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng hải đảo, tình trạng thiếu giáo viên có trình độ đạt chuẩn còn rất phổ biến. Thêm vào đó, xã hội cũng đang rất lo ngại về việc chạy theo bằng cấp mà chưa chú trọng đến năng lực và chất lượng nghề.

Đối với giáo dục mầm non, đối tượng là trẻ mầm non trong độ tuổi 3 tháng đến 6 tuổi và được chia thành 2 giai đoạn: nhà trẻ (3 tháng đến 3 tuổi), mẫu giáo (3tuổi đến 6 tuổi), như vậy giáo dục mầm non nhận trẻ trong độ tuổi rộng, ở từng giai đoạn đòi hỏi rất khác nhau về nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục, về trình độ giáo viên.

Do đó, theo đại biểu Ngô Thị Kim Yến, không nhất thiết phải nâng chuẩn toàn bộ giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng mà nên có sự bồi dưỡng theo chuyên đề đối với từng độ tuổi chăm sóc trẻ cho các giáo viên đang phụ trách từng lứa tuổi tương ứng. Điều này cũng làm giảm áp lực cho ngành giáo dục khi cùng một thời gian ngắn, phải nâng chuẩn cho giáo viên tiểu học, đào tạo giáo viên đáp ứng chương trình SGK mới theo tinh thần Nghị quyết 88./.

Hồng Ánh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư