Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phân loại và đánh giá hợp tác xã

11:52 | 08/08/2019 Print
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Thông tư hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã.

Để thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2003, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 01/2006/TT-BKHĐT ngày 19/01/2006 Hướng dẫn tiêu chí đánh giá và phân loại hợp tác xã. Thông tư này đã hết hiệu lực khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành thay thế Luật Hợp tác xã năm 2003.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012, để thực hiện, một số bộ, ngành và địa phương đã ban hành quy định riêng để phân loại và đánh giá hợp tác xã trong lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách như Ngân hàng Nhà nước (Thông tư số 42/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 về việc Quy định xếp hạng quỹ tín dụng nhân dân), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/4/2017 về việc hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (Quyết định số 154/QĐ-LMHTXVN ngày 07/3/2016 về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả); UBND tỉnh Quảng Trị (Quyết định số 2299/QĐ-UBND về ban hành tiêu chí phân loại và đánh giá hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới tỉnh Quảng trị giai đoạn 2017-2020), Liên minh Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Long (Văn bản số 166/CV.LMHTX về hướng dẫn thực hiện tiêu chí đánh giá và phân loại hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long)...

Theo Dự thảo Thông tư, hợp tác xã được đánh giá dựa trên 16 tiêu chí và được chia thành 3 nhóm.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các quy định này chỉ mang tính chất chuyên ngành hoặc đặc thù của địa phương, chưa bao trùm thống nhất toàn bộ việc phân loại, đánh giá hợp tác xã của tất cả các loại hình hợp tác xã trên toàn quốc khiến cho các quy định chồng chéo, không thống nhất do vậy càng gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thế. Do vậy, rất cần phải xây dựng một văn bản hướng dẫn chung để: thống nhất đánh giá tình hình và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã; nâng cao tính minh bạch trong hoạt động và quản lý của các hợp tác xã; xác định được điểm mạnh, điểm yếu của hợp tác xã để phát huy hoặc có kế hoạch khắc phục cũng như có căn cứ để thống kê và thực hiện quản lý nhà nước về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; qua đó đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp tác xã kịp thời.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc đánh giá và phân loại hơp tác xã như sau:

Đối với việc phân loại hợp tác xã, Dự thảo Thông tư đề xuất “Phân loại hợp tác xã theo loại hình đăng ký”, gồm 4 loại hình: 1. Hợp tác xã; 2. Liên hiệp hợp tác xã; 3.Quỹ tín dụng nhân dân; 4. Ngân hàng hợp tác xã.

Về phân loại hợp tác xã theo sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho thành viên, dự thảo quy định, căn cứ theo sản phẩm, dịch vụ hợp tác xã cung ứng cho thành viên, hợp tác xã được chia thành:

Hợp tác xã của người tiêu dùng là hợp tác xã thành lập nhằm mục tiêu chủ yếu cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thành viên. Thành viên vừa là chủ sở hữu vừa là khách hàng tiêu dùng cuối cùng;

Hợp tác xã của người sản xuất là hợp tác xã thành lập nhằm mục tiêu chủ yếu cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên có tổ chức hoạt động kinh tế (hợp tác xã này có thể cung ứng sản phẩm, dịch vụ đầu vào, hoặc chế biến sản phẩm, hoặc tiêu thụ sản phẩm và thực hiện dịch vụ đầu ra cho thành viên nhằm phục vụ hoạt động kinh tế của thành viên).

Hợp tác xã của người lao động là hợp tác xã chủ yếu cung ứng dịch vụ việc làm cho thành viên. Thành viên vừa là chủ sở hữu vừa là người lao động trong hợp tác xã.

Phân loại hợp tác xã theo quy mô thành viên như sau: Hợp tác xã quy mô thành viên siêu nhỏ là hợp tác xã có dưới 30 thành viên. Hợp tác xã quy mô thành viên nhỏ là hợp tác xã có từ 30 đến dưới 100 thành viên. Hợp tác xã quy mô thành viên vừa là hợp tác xã có từ 100 đến 500 thành viên. Hợp tác xã quy mô thành viên lớn là hợp tác xã có trên 500 thành viên.

Phân loại hợp tác xã theo quy mô tổng nguồn vốn như sau: Hợp tác xã quy mô vốn siêu nhỏ là hợp tác xã có tổng nguồn vốn dưới 1 tỷ đồng. Hợp tác xã quy mô vốn nhỏ là hợp tác xã có tổng nguồn vốn từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng. Hợp tác xã quy mô vốn vừa là hợp tác xã có tổng nguồn vốn từ 5 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng. Hợp tác xã quy mô vốn lớn là hợp tác xã có tổng nguồn vốn từ trên 50 tỷ đồng.

Đối với việc đánh giá hợp tác xã, Dự thảo đề xuất 16 tiêu chí đánh giá và được chia thành 3 nhóm, cụ thể là:

- Nhóm tiêu chí về kinh tế (tối đa 30 điểm): Tổng tài sản, tổng vốn chủ sở hữu; doanh thu, thu nhập sau thuế, tỷ lệ trích lập các quỹ đầu tư phát triển, dự phòng tài chính, khen thưởng phúc lợi;

- Nhóm tiêu chí về quản trị, điều hành (tối đa 30 điểm): Trình độ bộ máy quản trị điều hành hợp tác xã; trình độ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mức độ giải quyết khiếu nại tố cáo;

- Nhóm tiêu chí về thành viên và cộng đồng (tối đa 40 điểm): Số lượng thành viên; giá ưu tiên cho thành viên; ưu tiên phân phối thu nhập cho thành viên theo mức độ sử dụng dịch vụ; mức độ hài lòng của thành viên đối với hợp tác xã; tỷ lệ trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi; HTX được khen thưởng; tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng...

Anh Quyền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư