e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Tròn 1 năm tung 9 nghìn tỷ USD đối phó với Covid: Các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục làm gì?

08:50 | 09/03/2021 Print
- Tròn 1 năm tung 9 nghìn tỷ USD đối phó với đại dịch Covid-19, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương (NHTW) châu Âu (ECB), NHTW Nhật, Anh và Canada… sẽ phải ra các quyết sách mới cho nền kinh tế trong 2 tuần tới đây. Quyết sách mới là gì đang là tâm điểm chú ý của dư luận, bởi bên cạnh mục tiêu phục hồi tăng trưởng, điều cần kiềm giữ là lạm phát, đang có nguy cơ lớn dần.

Các NHTW đã giúp nền kinh tế thế giới tránh rơi vào một cuộc suy thoái sâu khi đại dịch bùng phát thông qua những chính sách tiền tệ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Hiện tại họ đang phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn hơn: đó là duy trì đà phục hồi giữa sự khác nhau về quan điểm với các nhà đầu tư. Niềm lạc quan rằng, vắc-xin Covid-19 và các chương trình kích thích của chính phủ sẽ mở lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong một thế kỳ qua đã khiến lợi suất trái phiếu leo cao và đẩy số lượng vị thế đặt cược lạm phát tăng tại Mỹ lên mức cao nhất một thập kỷ qua.

Điều đó đang xoay chuyển nền tảng mà các nhà hoạch định chính sách đã cam kết, bao gồm duy trì tiền tệ giá rẻ và chi phí cho vay ở mức cực thấp cho đến khi nền kinh tế tăng trưởng vững chắc trở lại. Trong hai tuần tới, Cục dự trữ liên bang (Fed) và NHTW châu Âu (ECB) cũng như các NHTW khác tại Nhật, Anh và Canada có thể sẽ cùng tái khẳng định những cam kết đó, sẵn sàng hỗ trợ cho đà phục hồi trên thị trường việc làm và tránh lặp lại những sai lầm từ cuộc khủng hoảng trước khi một số NHTW đã thu hồi các biện pháp hỗ trợ quá sớm.

Rủi ro hiện tại dường như bị nghiêng về một hướng khác. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách xem mức tăng khiêm tốn của lợi suất trái phiếu như một dấu hiệu lạc quan về triển vọng kinh tế, nhưng họ lo ngại rằng, một đà tăng thiếu kiểm soát sẽ có tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi. Họ lập luận rằng, bất kỳ sự gia tăng trở lại của lạm phát đều sẽ là sự điều chỉnh tạm thời từ đà giảm năm ngoái, và rằng tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ tiếp tục kìm hãm áp lực tăng giá.

Bối cảnh hiện nay rõ ràng đã thay đổi so với một năm trước đây khi thế giới dồn lực để đối phó với đại dịch Covid-19, buộc các ngân hàng trung ương triển khai những chính sách hỗ trợ tiền tệ với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử - đạt 9 nghìn tỷ USD.

“Các ngân hàng trung ương đang đối mặt với một thách thức mới,” Rob Carnell, Kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương tại ING Bank nhận xét. “Lý do nào có thể giúp họ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng khi đà phục hồi tiếp diễn và lạm phát trong nền kinh tế tăng lên?”

Căng thẳng giữa lạm phát và tiền giá rẻ đã buộc một số NHTW thị trường mới nổi hành động và các ông lớn khác đang phải cân nhắc nhiều hơn

Canada, ECB

Bank of Canada là NHTW đầu tiên họp chính sách vào ngày 10/3 sắp tới, khi các nhà hoạch định chính sách có thể cho biết, họ có kế hoạch duy trì các biện pháp kích thích cho đến khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trở lại.

Chủ tịch ECB, ông Christine Lagarde, sẽ chủ trì kỳ họp chính sách của NHTW châu Âu vào ngày tiếp theo khi những số liệu dự báo mới cho thấy nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đang tụt hậu bao xa bao nhiêu so với Mỹ do chậm triển khai các chương trình tiêm phòng vắc-xin và kéo dài các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn virus. Điều đó đặt khối này vào rủi ro nếu lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng cao bắt đầu ảnh hưởng đến chi phí đi vay của doanh nghiệp và hộ gia đình.

Các nhà hoạch định chính sách ECB đã khiến các nhà đầu tư bất ngờ khi đánh giá thấp những lo ngại về lợi suất và cho biết chương trình mua trái phiếu của họ đủ linh hoạt để giải quyết trạng thái thắt chặt tiền tệ tạm thời trên thị trường, nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy họ đang tăng cường mua tài sản. Có thể họ đã quên giai đoạn 2011 khi lãi suất được tăng 2 lần trong năm nhằm kiềm chế lạm phát bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính đang ngày một tồi tệ hơn, kết quả là khu vực đồng tiền chung châu Âu rơi vào cuộc suy thoái kép.

Áp lực đặt trên vai ông Powell

Tại kỳ họp chính sách của Fed vào 16-17/3 sắp tới, Chủ tịch Jerome Powell có thể sẽ tái khẳng định lập trường nới lỏng của mình. Ông đã nhấn mạnh điều này vào thứ Năm tuần trước, rằng, Fed vẫn còn cách xa mục tiêu của mình và sẽ không sớm thắt chặt chính sách. Ông cũng đánh giá thấp khả năng lạm phát tăng trong năm nay và tránh những câu hỏi liên quan đến đà tăng mạnh của lợi suất trong thời gian gần đây.

Ông cho biết chính sách của Fed hiện tại vẫn phù hợp, dù họ có những công cụ để phản ứng nếu triển vọng kinh tế thay đổi đáng kể.

BOE

NHTW Anh sẽ bước vào kỳ họp chính sách vào ngày 18/3. Trước đó họ đã bổ sung thêm 150 tỷ bảng Anh (208 tỷ USD) cho các chương trình mua tài sản trong năm 2021 với kế hoạch sẽ thu hẹp giá trị mua hàng tuần từ cuối năm nay.

Gói kích thích tài khóa khổng lồ từ Bộ trưởng tài chính Anh đã khiến các chuyên gia không còn kỳ vọng nhiều vào khả năng lãi suất giảm xuống mức âm và thay vào đó là mong đợi động thái thắt chặt chính sách tiền tệ.

BOJ và PBOC

Sau kỳ họp chính sách của NHTW Anh sẽ đến lượt kỳ họp của NHTW Nhật Bản vào 18-19/03. Các nhà chức trách BOJ được kỳ vọng sẽ đánh giá lại các chính sách tiền tệ đang được sử dụng hiện nay như kiểm soát đường cong lợi suất, lãi suất âm và mua tài sản. Thống đốc Haruhiko Kuroda cho biết NHTW nước này đang tìm cách nâng cao hiệu quả của khung chính sách bằng cách tinh chỉnh thay vì giữ nguyên chính sách trong thời gian dài. Ông cũng phát đi tín hiệu rằng, sẽ không có sự thay đổi nào đối với khoảng biến động quang ngưỡng lợi suất mục tiêu của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm.

Trong khi NHTW các quốc gia phát triển có thể sẽ đồng thuận trong cam kết duy trì những biện pháp kích thích hiện nay, các quan chức Trung Quốc đã phát đi tín hiệu ngược lại, do lo ngại về những rủi ro bong bóng trên thị trường tài chính toàn cầu...

Bên cạnh đó, căng thẳng giữa lạm phát và tiền giá rẻ đã buộc một số NHTW thị trường mới nổi hành động. Cụ thể, NHTW Ukraine đã bất ngờ nâng lãi suất nhằm kiềm chế mức lạm phát cao nhất trong hơn một năm qua. Brazil được dự báo sẽ bắt đầu nâng lãi suất vào ngày 17/3 sắp tới sau khi hứa giữ lãi suất suất tham chiếu ở ngưỡng 2% từ tháng 8 năm ngoái./.

(Theo MBS, Bloomberg)

HL

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư