e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Nhiều vấn đề quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư

22:55 | 07/08/2014 Print
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2014 tại Đà Nẵng trong 3 ngày 7-9/2014. đây là lần đầu tiên sau 8 năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị ngành ở cấp toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới tham dự và chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (bên trái) và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bùi Quang Vinh tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư ngày 7/8

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, đây là lần đầu tiên sau 8 năm, Bộ tổ chức Hội nghị ngành ở cấp toàn quốc, với thành phần tham dự là lãnh đạo của nhiều bộ, ban, ngành, cùng chủ tịch UBND tỉnh, thành trong cả nước, lãnh đạo các sở Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các cơ quan thông tấn báo chí.

Hội nghị ngành lần này được tổ chức để triển khai các nội dung hết sức quan trọng, như xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, xây dựng Kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020; đồng thời, phổ biến các nội dung chính của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu; tham gia góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; phổ biến và hướng dẫn cách tính toán chỉ tiêu giá trị gia tăng trong nước của các tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương...

4 căn cứ để xây dựng kế hoạch 2016-2020

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho cho biết, việc triển khai công tác kế hoạch và đầu tư trong thời điểm hiện nay là hết sức quan trọng, góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Kế hoạch hướng tới mức tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 6,5-7%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm; thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, để phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, các cấp, các ngành cần phát huy kết quả đạt được, ra sức khắc phục khó khăn, tập trung chỉ đạo điều hành để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và năm 2015.

Từng bộ, ngành, từng địa phương cần nghiêm túc đánh giá các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong 3 năm 2011-2013, dự báo thực hiện năm 2014-2015, xác định rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để xây dựng và thực hiện tốt hơn Kế hoạch 5 năm 2016-2020; bên cạnh đó cần tập trung phân tích, dự báo, chủ động có các phương án phù hợp trong quá trình xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung vào 4 căn cứ chính để xây dựng kế hoạch.

Trước hết, căn cứ vào Cương lĩnh của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 được thông qua tại Đại hội XI của Đảng; các Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Trung ương, những nội dung mới trong Hiến pháp sửa đổi và hệ thống luật pháp mới được bổ sung, hoàn thiện.

Thứ hai, phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, trên cơ sở được đánh giá một cách khách quan, toàn diện.

“Phải thấy rõ các mặt được, thuận lợi, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân cũng như bài học kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch một cách sát thực” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng, nếu không phấn đấu quyết liệt, thì rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% năm 2014 và cao hơn trong năm 2015, và do đó rất khó có cơ sở để đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% giai đoạn 2016-2020. Do đó, các bộ, ngành và địa phương phải quyết liệt thực hiện để đạt kết quả cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, 2015.

Ba là, phải nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình, dự báo chiến lược, cả trong nước và quốc tế và kết quả dự báo là căn cứ để tính toán xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Bốn là, căn cứ vào các quan điểm phát triển trong Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 và các Nghị quyết của Trung ương.

Mong muốn của Chính phủ là Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đạt được các mục tiêu cao hơn giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, đây là thách thức rất lớn.

Do đó, "chúng ta phải dự báo tốt được tình hình, đưa ra các phương án khác nhau để luôn ở thế chủ động trong việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020", Thủ tướng nói.

Toàn cảnh Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư/ Ảnh: Lê Tiên

Cần lập cả kế hoạch tài chính trung hạn

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, việc bố trí, quản lý và sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ trong mấy năm gần đây đã được đổi mới mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư công. Việc bố trí vốn đầu tư tập trung, đúng hướng, đã tạo sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành và toàn dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, các kế hoạch đầu tư trung hạn nêu trên mới được xây dựng lần đầu, chưa bao quát cho toàn bộ giai đoạn 5 năm để gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và chưa được xây dựng trên cơ sở hệ thống pháp luật đầu tư công hoàn chỉnh.

Việc chuyển từ công tác kế hoạch hàng năm sang làm kế hoạch 5 năm sẽ bảo đảm tính chất căn cơ, lâu dài của đầu tư công, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo cân đối vĩ mô của nền kinh tế; đảm bảo tính công khai, minh bạch, hạn chế việc “xin-cho” trong đầu tư công, góp phần giảm thiểu tiêu cực trong đầu tư công; khắc phục một bước tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, dự án chậm tiến độ so với quyết định phê duyệt, góp phần nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương đều đồng tình và đánh giá cao kế hoạch đâu tư trung hạn. Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn về bố trí nguồn vốn.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị, bên cạnh lập kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm, cũng phải lập kế hoạch tài chính 5 năm. Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cũng khẳng định, phải làm kế hoạch tài chính trung hạn,

Phát biểu chỉ đạo về nội dung xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ việc Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2015 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai xây dựng Kế hoạch này.

“Kế hoạch trung hạn sẽ giúp các bộ, ngành và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, chủ động chuẩn bị đầu tư; lựa chọn các ưu tiên đầu tư, tránh dàn trải, xin cho, thậm chí tiêu cực” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 chỉ ở mức khiêm tốn, với mức tăng khoảng trên dưới 10%/năm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa 13,5-14%; và ngày càng giảm trong cơ cấu tổng đầu tư toàn xã hội.

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, muốn thúc đẩy tăng trưởng, tạo nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô và tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, cần tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển./.

Phương Lan

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư