Bắc Giang nhân rộng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên

20:07 | 28/11/2014 Print
- Hiện toàn tỉnh Bắc Giang có gần 23.000 đoàn viên thanh niên nông thôn. Tuy nhiên, điều đáng buồn là, đa số thanh niên lại có xu hướng đi làm ăn xa. Thực trạng đó khiến tỉnh đoàn Bắc Giang lo lắng, đau đáu đi tìm hình thức phát triển kinh tế hấp dẫn thanh niên ở lại quê hướng.

Mô hình phù hợp

Do tác động của quá trình công nghiệp hóa, thanh niên nông thôn có xu hướng "ly hương" đi làm ở các khu, cụm công nghiệp và khu đô thị. Chính vì thế, tại nhiều địa phương của Bắc Giang hầu như không còn thanh niên, nhất là trong thời điểm nông nhàn. Đây cũng là lý do khiến phong trào đoàn rất khó phát triển

Trước tình trạng này, Tỉnh đoàn Bắc Giang đã tổ chức tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên nông thôn để có các hoạt động phù hợp nhằm thu hút họ. Qua tìm hiểu cho thấy, thanh niên nông thôn có nhu cầu, nguyện vọng được học tập, rèn luyện, vui chơi, giải trí, tư vấn, định hướng nghề nghiệp và có việc làm phù hợp sau đào tạo, tiếp cận với khoa học - công nghệ, vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh… Những nhu cầu này có thể được đáp ứng thông qua mô hình tổ hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tôn chỉ của tổ hợp tác thanh niên là tạo công ăn việc làm cho tất cả thành viên và giúp họ nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình muốn phát triển bền vững.

Tổ hợp tác xã thanh niên là phương pháp tập hợp thanh niên kiểu mới, việc ra đời và chính thức đi vào hoạt động của hợp tác xã sẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cải thiện định đời sống cho đoàn viên thanh niên. Mô hình này cũng nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện việc xây dựng mô hình kinh tế của thanh niên tại xã nông thôn mới.

Nhân rộng những mô hình tốt

Nhận thấy những lợi ích của tổ hợp tác, các cơ sở đoàn đã tập trung chỉ đạo, vận động thanh niên nông thôn tham gia. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng đã tổ chức các buổi sinh hoạt chi đoàn, các bạn trẻ cùng trao đổi, thảo luận đưa ra phương hướng xây dựng mô hình sản xuất, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm.

Nhiều mô hình tổ hợp tác hoạt động hiệu quả đã ngay lập tức có tác động trực tiếp đến thanh niên, như: Tổ hợp tác cơ khí thanh niên Đức Doanh ở xã An Hà (Lạng Giang), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Thắng Cương (Yên Dũng), Hợp tác xã đồ gỗ mỹ nghệ Toàn Thịnh, xã Đức Thắng (Hiệp Hoà), Tổ hợp tác vận chuyển, cung cấp vật liệu xây dựng Vô Tranh (Lục Nam)... Đó là những mô hình sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa, tại các tổ hợp tác, các bạn trẻ đã biết cách liên kết, hợp tác cùng phát triển kinh tế, làm giàu tại quê hương.

Tổ hợp tác thanh niên sản xuất nấm Ngọc Châu (Tân Yên)

Rất nhiều mô hình phát triển kinh tế phong trào tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên cũng ngày càng được nhân rộng tại Tỉnh. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả và đạt được nhiều giải thướng, điển hình là Tổ hợp tác thanh niên sản xuất nấm Ngọc Châu (Tân Yên) đạt doanh thu 700 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 30 lao động mùa vụ.

Đây là mô hình tổ hợp tác thanh niên vừa được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng "Khi Tổ quốc cần".

Hiện nay, Tổ hợp tác xây dựng gần 2 nghìn m2 nhà xưởng, tập trung sản xuất ba loại nấm chủ yếu: mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm. Để phát triển sản xuất, định kỳ hàng tuần, các tổ viên họp bàn phân tích chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ, chi phí đầu tư... Qua đó, các tổ viên có thêm thông tin, kinh nghiệm quản lý để xây dựng chiến lược sản xuất và phát triển kỹ thuật mới. Bên cạnh đó, Tổ hợp tác còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Yên mở rộng mô hình trồng các loại nấm ăn, nấm dược liệu tạo việc làm cho thanh niên nông thôn.
Chính mô hình này đã có sức hấp dẫn lớn đến thanh niên, thu hút họ ở lại quê hướng, lập thân, lập nghiệp, xây dựng kinh tế tập thể. Đến nay, toàn Tỉnh có hơn 600 tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, trang trại trẻ thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 8.500 thanh niên.

Nhằm giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên ngày càng phát huy hiệu quả, tỉnh đoàn và đoàn cơ sở đã thực hiện các buổi tập huấn, phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ kiến thức khoa học kỹ thuật cho các đoàn viên.

Song, vẫn cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa

Thực tế cho thấy, khó khăn về vốn vẫn là vướng mắc lớn nhất trong sự phát triển của hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên, Tỉnh đoàn và các đơn cơ sở đoàn đã đứng ra hỗ trợ, bảo lãnh cho các cơ sở này vay vốn.

Tuy nhiên, đối với chương trình vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm qua kênh Trung ương Đoàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh do đoàn viên, hội viên thanh niên, hộ gia đình trẻ kinh doanh cá thể làm chủ được vay tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án và không quá 20 triệu đồng/1 lao động được tạo việc làm mới, nhưng điều kiện vay là phải có tài sản thế chấp cao hơn giá trị vốn vay nên đã gây khó khăn cho nhiều thanh niên trong việc tiếp cận các nguồn vốn này.

Vì vậy, những “cú hích” mạnh tay hơn trong hỗ trợ thanh niên vay vốn như tăng nguồn vốn vay, kéo dài thời hạn vay vốn; kết hợp hiệu quả giữa chuyển giao công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và vay vốn; tuyên truyền, nhân rộng các điển hình sử dụng vốn vay tích cực; tăng cường lồng ghép giữa giải quyết việc làm thanh niên nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... là rất cần thiết.

Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho những đoàn viên thanh niên đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn 120 và những nguồn vốn vay ưu đãi khác; tăng cường công tác quản lý giám sát việc triển khai thực hiện vốn vay, đồng thời đôn đốc các dự án đến hạn thu hồi, kiểm tra các dự án 120 của Đoàn trên phạm vi toàn tỉnh nhằm đảm bảo sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đối tượng, qua đó góp phần tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho đoàn viên thanh niên./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư