Phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại trong ngành Ngoại giao Việt Nam

15:23 | 27/08/2015 Print
- Tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành và đón nhận Huân chương Sao vàng sáng 27/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, ngay từ buổi đầu dựng nước đầy khó khăn, ngoại giao đã là mũi chủ công để đối phó cả với “thù trong” lẫn “giặc ngoài”, là vũ khí quan trọng nhằm củng cố, kéo dài thời gian hòa bình quý giá để xây dựng lực lượng, tích lũy thế và lực.

Mặt trận quan trọng của đất nước

Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận chính trị, quân sự, vừa phát huy thế mạnh trên chiến trường vừa tập hợp được mặt trận quốc tế rộng rãi chưa từng có ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của các Hội nghị Geneve và Paris mãi mãi đi vào lịch sử, là những mốc son chói lọi của ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong quá trình 70 năm phụng sự đất nước, ngoại giao Việt Nam đã xây đắp nên những truyền thống hết sức vẻ vang, mà trước hết là truyền thống luôn trung thành với Đảng, với lợi ích của dân tộc. Những truyền thống tốt đẹp của ngành ngoại giao đang được các thế hệ những người làm công tác đối ngoại tiếp tục xây đắp, gìn giữ và phát huy.

Bước vào thời kỳ xây dựng hòa bình, đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập và phát triển, ngoại giao càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc ổn định và tái thiết đất nước, phá bao vây cấm vận, thực hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại, góp phần tích cực vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng và chế độ XHCN, giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ sự hợp tác và ủng hộ quốc tế cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Ba mươi năm đổi mới đã chứng kiến những đóng góp hết sức nổi bật của ngành ngoại giao vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Từ tình thế bị bao vây, cô lập, Việt Nam đã mở rộng quan hệ đối ngoại chưa từng có cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Từ vỏn vẹn 11 nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1954, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới…

Chủ tịch nước cho rằng, chưa bao giờ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta lại có mối quan hệ quốc tế rộng khắp, bình đẳng và hữu nghị, có môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và có vị thế quốc tế vững vàng, thuận lợi như ngày nay.

Chủ tịch nước trao Huân chương Sao vàng cho ngành Ngoại giao

Chủ tịch nước cho biết, những thành công đó có được là do sự kết hợp nhân tố dân tộc và thời đại, trong đó nhân tố trung tâm, xuyên suốt và có tính quyết định chính là đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, kết tinh ở một số bài học lớn có giá trị sâu sắc cho cả hôm nay và mai sau.

Trước hết, đó là đường lối đối ngoại đúng đắn, luôn đặt lợi ích chính đáng của dân tộc lên trên hết, độc lập, tự chủ trong hoạch định đường lối, chính sách, kiên trì về nguyên tắc nhưng hết sức linh hoạt và sáng tạo trong triển khai thực hiện.

Thứ hai, đó là chính sách tập hợp lực lượng tài tình, biết tận dụng triệt để mối tương tác giữa thế và lực, “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, phát huy tối đa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, kết hợp khéo léo giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, để tạo ra sức mạnh tổng hợp đưa đất nước vượt qua mọi thách thức và vững bước tiến lên.

Thứ ba, đó là tư duy nhạy bén trong việc dự báo, nắm bắt, tranh thủ và tạo dựng thời cơ, “biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến”, nắm vững sự vận động của các mối tương quan giữa thế và lực đất nước với cục diện quốc tế.

Thứ tư, chúng ta biết phát huy và nêu cao những giá trị và bản sắc của dân tộc Việt Nam như truyền thống hòa hiếu, tinh thần yêu nước nồng nàn, đoàn kết, yêu chuộng hòa bình, đề cao chính nghĩa, công bằng, nhân ái. Những truyền thống tốt đẹp đó đã tạo thành sức mạnh của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, biết tranh thủ đối tác, thu phục đối thủ, thêm bạn bớt thù, “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Tiếp tục phát huy sức mạnh

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, nhiệm vụ của trong thời gian tới là phải phát huy cao nhất sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng nền tảng để sớm đưa đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó, ngành ngoại giao cần kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa; đưa quan hệ với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng có chung biên giới, các nước lớn, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích.

Kiên quyết đấu tranh trước mọi hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và ổn định chính trị của đất nước; kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử của khu vực.

Đồng thời, triển khai mạnh mẽ tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả, trên cơ sở phát huy nội lực, lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, tăng cường ngoại giao đa phương, phát huy vai trò tích cực của Việt Nam trong các thể chế khu vực và toàn cầu nhằm tranh thủ mọi điều kiện quốc tế thuận lợi cho an ninh - phát triển và tăng cường sức mạnh tổng hợp và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng khẳng định, toàn ngành ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy truyền thống trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với lợi ích của dân tộc; luôn kiên định mục tiêu chiến lược là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” và “vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”; kiên trì chính sách ngoại giao rộng mở, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra chính là chìa khóa để chúng ta kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong bối cảnh mới./.

Liên Trang

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư