Ôn lại truyền thống vẻ vang, ra sức rèn đức, luyện tài để cán bộ của Ngành cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc

10:07 | 08/12/2015 Print
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành Kế hoạch và Đầu tư (31/12/1945 - 31/12/2015), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng đã có đôi lời tâm sự gửi đến bạn đọc Tạp chí Kinh tế và Dự báo thông qua cuộc trao đổi với phóng viên của Tạp chí. Tòa soạn xin giới thiệu cùng bạn đọc (Tiêu đề là của Tòa soạn).

PV: Xin Thứ trưởng cho biết những cảm nghĩ của mình về ngày truyền thống của ngành Kế hoạch và Đầu tư?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết nhằm nghiên cứu, soạn thảo và trình Chính phủ một kế hoạch kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, xã hội và văn hóa. Ủy ban gồm các ủy viên là tất cả các Bộ trưởng, Thứ trưởng, có các Tiểu ban chuyên môn, được đặt dưới quyền điều khiển của Chủ tịch Chính phủ là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trải qua năm tháng, tên gọi cũng như cơ cấu tổ chức của Ngành có thay đổi, nhưng nhìn chung nhiệm vụ ngày càng lớn, chức năng ngày càng quan trọng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày nay đã bao gồm những nhiệm vụ và chức năng của 5 thậm chí là 6 cơ quan bộ và ngang bộ trước đây, chẳng hạn như: Ủy ban Phân vùng kinh tế Trung ương; Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư; Ban Quản lý các khu công nghiệp Việt Nam; Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Tổng cục Thổng kê, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước...

Trải qua chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành Kế hoạch và Đầu tư đã luôn luôn trung thành với Tổ quốc với Đảng; luôn xứng đáng với niềm tin yêu Nhân dân. Nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất là tham mưu tổng hợp cho Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Qua các thời kỳ phát triển của đất nước, cán bộ ngành Kế hoạch và Đầu tư tự hào về những đóng góp tích cực trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Mỗi bước trưởng thành, mỗi một thành tựu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đều mang dấu ấn đóng góp tích cực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành Kế hoạch và Đầu tư. 70 năm nhìn lại, chúng ta cũng rất tự hào nhìn thấy đội ngũ của Ngành ngày càng lớn mạnh; có bước trưởng thành vượt bậc cả về trình độ chuyên môn, cơ cấu tổ chức, tư duy và phong cách nghiên cứu; có khả năng hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Ngành.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nhân dịp này, thông qua trang Tạp chí Kinh tế và Dự báo, một tờ tạp chí của Ngành tôi xin gửi đến toàn thể bạn đọc gần xa lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, tỏ lòng cảm ơn đến nhiều thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kế hoạch và Đầu tư đã nối tiếp nhau từ thế hệ này đến thế hệ khác, tiếp tục viết nên những trang sử vẻ vang về thành tích của Ngành trong 70 năm qua.

Chúng ta càng tự hào tiếp nối truyền thống vẻ vang của Ngành, lại càng cần phải thấy rõ những mặt còn hạn chế, khiếm khuyết để hoàn thiện mình, không ngừng học tập, tiến bộ, phấn đấu vươn lên làm tốt hơn nữa, xứng đáng với tên gọi “người cán bộ ngành Kế hoạch và Đầu tư”.

PV: Thứ trưởng có dự báo gì về ngành Kế hoạch và Đầu tư trong xu thế phát triển mới ?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Để trả lời câu hỏi này, có lẽ nên bắt đầu từ cục diện chung của đất nước của thế giới. Con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, đó là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, con đường vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, con đường đó đã rõ và ngày càng rõ hơn.

Mục tiêu chung đó được cụ thể hóa vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển đất nước. Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời chủ động hội nhập với kinh tế thế giới. Tôi nhấn mạnh từ “đồng thời”, bởi đây là con đường tất yếu, không thể đảo ngược được. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đang thực hiện toàn bộ những mục tiêu chiến lược đó bằng đường lối đối nội và đối ngoại đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việt Nam chủ động hội nhập với thế giới, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Chúng ta muốn xây dựng đất nước, phát triển kinh tế thị trường, chủ động hội nhập thành công, thì phải có những chiến lược, kế hoạch, bước đi thật tốt. Để có được điều đó phải nắm bắt các quy luật phát triển khách quan, vận dụng thời cơ, vượt qua thách thức. Nhưng thời cơ không tự khắc đến, thách thức cũng không phải không có cách để vượt qua. Vấn đề cốt yếu là ở chỗ, chúng ta phải biết rõ quy luật phát triển tới đây là gì? Nắm bắt được quy luật, chúng ta sẽ thành công. Như lời của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nói trong lần đến làm việc với cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (năm 2012), đại ý rằng, càng đi vào thị trường càng cần phải làm tốt công tác kế hoạch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng tham mưu, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng...

Tôi thiết nghĩ đó là những dự báo, có lẽ, trả lời phần nào cho câu hỏi của Tạp chí Kinh tế và Dự báo. Và vì vậy, là những người cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành Kế hoạch và Đầu tư, thì phải thấm nhuần rằng, Đảng và Nhân dân tin tưởng chúng ta, thì chúng ta lại càng phải ra sức phấn đấu, học tập, nâng cao trình độ kiến thức và chuyên môn để tham mưu tốt, tham mưu đúng cho Đảng và Nhà nước, ngày càng có những đóng góp thiết thực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm rằng, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp các vấn đề kinh tế - xã hội trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đề xuất, kiến nghị liên quan đến đổi mới thể chế kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Có những đề xuất đổi mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Quốc hội, Chính phủ đánh giá là có tính mở đường, đột phá, có hiệu ứng tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt là Ngành ta đang phối hợp với nhiều cơ quan, ban ngành tập trung trí tuệ xây dựng “Báo cáo Việt Nam 2035”.

Bên cạnh việc xây dựng chiến lược, định hướng phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là cơ quan tham mưu quan trọng với vai trò chủ trì xây dựng các chính sách kinh tế, hướng tới mở cửa thị trường, xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh minh bạch và lành mạnh.

Thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước sẽ tạo ra cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới nói chung, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng. Bộ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển, tạo mặt bằng pháp lý bình đẳng, thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của tất cả các thành phần kinh tế; đôn đốc tổ chức thực hiện và giám sát, kiểm tra để các văn bản hướng dẫn của các luật mới, đổi mới thể chế kinh tế...

Với những nhiệm vụ quan trọng đó, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định sẽ tập trung trí tuệ, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, chủ động, lao động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thanh Hà thực hiện

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư