e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Bảo hiểm y tế toàn dân: Trước tiên vẫn phải là vận động

22:56 | 04/01/2016 Print
- Đó là ý kiến được đông đảo nhà khoa học, nhà quản lý đồng tình tại Hội thảo Bảo hiểm Y tế hộ gia đình và chính quyền cấp xã triển khai Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi năm 2014.

Vẫn còn hạn chế trong thực hiện bảo hiểm y tế hộ gia đình

Giới thiệu về một số điểm mới cơ bản về bảo hiểm y tế, TS. Nguyễn Văn Tiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết, Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 quy định tất cả các đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y té, kể cả nhóm tự nguyện trước kia. Các nhóm vẫn như cũ, riêng nhóm tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình và có giảm trừ.

“Bảo hiểm y tế hộ gia đình được giảm trừ mức đóng theo số người trong hộ. Đây là xu hướng chung ở nhiều nước trên thế giới. Luật cũng mở rộng diện ngân sách hỗ trợ, như: dân vùng biển, đảo, địa phương hỗ trợ thêm để hẹp dần nhóm theo hộ gia đình”.

Tuy nhiên, Trưởng Ban thường trực hành động, Liên minh Y tế vì dân (EBHPD), đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng (RTCCD) - TS. Trần Tuấn cho hay, tình trạng trùng lắp, sai thông tin trên thẻ bảo hiểm y tế, chậm thẻ bảo hiểm y tế... đã diễn ra trong nhiều năm. Trong năm 2013-2014, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã triển khai tổng rà soát trên toàn hệ thống nhưng vẫn chưa giải quyết được cơ bản vấn đề.

Do vậy, ngay khi Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi năm 2014 được thông qua vào tháng 6, EBHPD, RTCCD đã xây dựng đề cương nghiên cứu tìm phương án trả lời chính quyền cấp xã quản lý đối tượng và thực hiện bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Theo đó, mô hình chính quyền cấp xã quản lý đối tượng bảo hiểm y tế theo họ gia đình gồm: cấp thôn sẽ có sổ cái quản lý lồng ghép đối tượng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; ở cấp xã sẽ có phần mềm quản lý đối tượng toàn xã và truy xuất phục vụ các mục tiêu.

“Mục tiêu cụ thể của mô hình này là giúp đơn giản, hiệu quả trên toàn hệ thống, thông tin chính xác, không tốn nhân lực, giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đồng thời, thuận tiện trong truy xuất thông tin, dễ dàng phát hiện sai sót, tăng khả năng cập nhật tính thời của thông tin, phục vụ cho lập kế hoạch” – TS. Trần Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nói về những cái khó, ông Vũ Xuân Bằng- Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam băn khoăn, theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố, hầu hết đã triển khai tập huấn cho các đại lý. Nhưng trong quá trình thực hiện, nhiều cơ sở vẫn còn áp dụng máy móc khi mà danh sách đăng ký tham gia theo hộ gia đình có một số thông tin như họ và tên, mã thẻ bảo hiểm y tế đối với những thành viên tham gia theo hình thức khác

“Khi đó sẽ nảy sinh tình huống một số trường hợp người đại diện không nhớ mã thẻ. Điều này khiến những người có nhu cầu mua BHYT theo hình thức hộ gia đình cảm thấy rắc rối và chưa mặn mà với hình thức BHYT hộ gia đình", ông Bằng cho hay.

Trên thực tế, hiện nay mỗi xã có 2-3 đại lý bảo hiểm y tế, chỉ ở văn phòng UBND xã (cán bộ xã kiêm nhiệm, bán theo ngày, giờ). Vấn đề là các đại lý chủ yếu chờ khách mua chứ không đi vận động tại nhà, thậm chí có xã chỉ bán bảo hiểm y tế vào chiều 2/5/7, tại UBND xã, chưa có các đoàn thể vào cuộc vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Đứng ở góc độ những người đã từng tham gia thực hiện công tác bảo hiểm y tế bảo hiểm y tế hộ gia đình, Viện trưởng Viện Khoa học Bảo hiểm Xã hội Lưu Viết Tĩnh chia sẻ, theo kinh nghiệm trong công tác bảo hiểm xã hội nhiều năm, tôi thấy bảo hiểm y tế hộ gia đình chính là con đường ngắn nhất hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân. Và mô hình giao cho trưởng thôn lập danh sách hộ cũng là hiệu quả nhất.

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập của tình trạng trùng thẻ từ trước tới nay là do bảo hiểm xã hội chỉ lọc được phần danh sách mà họ có, trong khi có một số ngành khác, như: quân đội, công an, cơ yếu không cung cấp danh sách tham gia bảo hiểm xã hội vì đó là bí mật quốc gia, hoặc nếu cung cấp chỉ cung cấp số lượng chứ không có tên cụ thể. Vì vậy, rất khó rà soát, lọc số lượng đầy đủ” – Ông Tĩnh chia sẻ thêm.

Ông Vũ Xuân Bằng đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Cần đẩy mạnh công tác vận động người dân tham gia

Để tăng dần tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của nhóm hộ gia đình, hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, TS. Tiên cho rằng “Phải có đội ngũ cộng tác viên tích cực đến từng nhà, nhất là dịp lễ, tết để vận động thân nhân mua bảo hiểm y tế như công tác dân số kế hoạch hóa gia đình”.

Để tạo sự gắn bó và làm việc hiệu quả của công tác, “trạm y tế xã nên cử 1 cán bộ chuyên trách về việc cung cấp bảo hiểm y tế cho người dân, đội ngũ cộng tác viên tham gia bảo hiểm y tế tham gia và được hưởng tỷ lệ phần trăm của thẻ bảo hiểm y tế” - TS. Tiên nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển cộng đồng cho rằng, ngành Bảo hiểm Xã hội và Y tế cần tuyên truyền để người dân hiểu được quyền lợi của họ khi tham gia bảo hiểm y tế; cần sớm cụ thể hóa quy định về “gói dịch vụ y tế cơ bản” để người dân biết được bảo hiểm chi trả những loại bệnh gì, người bệnh phải chi trả những gì. Khi đó, người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình sẽ có chuyển biến tích cực.

Đứng trên lập trường cơ quan Bảo hiểm Xã hội, ông Vũ Xuân Bằng cho biết, thời gian tới cơ quan này sẽ tiến hành nghiên cứu để đơn giản hóa nhất thủ tục hành chính khi người dân muốn tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình./.

Loan Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư