Lao động, việc làm ở Việt Nam 2015: Nỗ lực, nhưng chưa đạt kỳ vọng

07:35 | 28/12/2015 Print
- Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động năm 2015 của Việt Nam tăng 23,6% so với năm 2010, nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra là tăng 29%-32%.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước tính đến thời điểm 01/01/2016 là 54,61 triệu người, tăng 185 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2014, trong đó lao động nam chiếm 51,7%; lao động nữ chiếm 48,3%. Đến thời điểm trên, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính 48,19 triệu người, tăng 506,1 nghìn người so với cùng thời điểm năm trước.

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2015 ước tính 52,9 triệu người, tăng 142 nghìn người so với năm 2014. Đặc biệt, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo năm 2015 ước tính đạt 21,9%, cao hơn mức 19,6% của năm 2014, trong đó lao động qua đào tạo khu vực thành thị đạt 38,3% (Năm 2014 là 35,9); khu vực nông thôn đạt 13,9% (Năm 2014 là 12,0).

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, ở thanh niên là vấn đề đáng quan ngại. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2015 có sự gia tăng là 2,31% (Năm 2013 là 2,18%; năm 2014 là 2,10%), trong đó có xu hướng tăng thất nghiệp ở khu vực nông thôn (năm 2015 là 1,83% so với năm 2013 là 1,54%; năm 2014 là 1,49%).

Điều này được lý giải bởi nền kinh tế khởi sắc với sự phát triển mạnh của khu vực công nghiệp và dịch vụ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (Từ 15-24 tuổi) năm 2015 lên tới 6,85% (Năm 2013 là 6,17%; năm 2014 là 6,26%). Tỷ lệ thất nghiệp của lao động từ 25 tuổi trở lên năm 2015 là 1,27% (Năm 2013 là 1,21%; năm 2014 là 1,15%).

Mặc dù vậy, một tín hiệu vui được nêu ra trong Báo cáo là tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động năm 2015 giảm 1,82% (so với năm 2013 là 2,75%; năm 2014 là 2,40%), trong đó khu vực thành thị là 0,82% (Năm 2013 là 1,48%; năm 2014 là 1,20%); khu vực nông thôn là 2,32% (Năm 2013 là 3,31%; năm 2014 là 2,96%). Tỷ lệ thiếu việc làm có xu hướng giảm dần vào cuối năm (Quý I là 2,43%; quý II là 1,80%; quý III là 1,62%; quý IV là 1,66%) và giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (Quý I là 3,05%; quý II là 2,23%; quý III là 2,05%; quý IV là 2,11%).

Ước tính trong năm 2015 cả nước có 56% lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản có việc làm phi chính thức (Năm 2013 là 59,3%; năm 2014 là 56,6%), trong đó thành thị là 47,1% (Năm 2013 là 49,8%; năm 2014 là 46,7%) và nông thôn là 64,3% (Năm 2013 là 67,9%; năm 2014 là 66,0%).

Vấn đề lao động, việc làm ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết trong năm tới

Năng suất lao động tăng chưa như kỳ vọng

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành ước tính đạt 79,3 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.657 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2015 ước tính tăng 6,4% so với năm 2014.

Tính theo giai đoạn, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, bình quân giai đoạn 2006-2015 tăng 3,9%/năm, trong đó giai đoạn 2006-2010 tăng 3,4%/năm; giai đoạn 2011-2015 tăng 4,2%/năm. Năng suất lao động năm 2015 tăng 23,6% so với năm 2010. Với những nỗ lực tăng năng suất lao động thời gian qua góp phần không nhỏ thu hẹp dần khoảng cách tương đối của năng suất lao động Việt Nam so với nước ASEAN.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng nêu rõ mức tăng 23,6% trong giai đoạn 2010-205 vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra là tăng 29%-32%.

Năng suất lao động của nước ta hiện nay vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và không đồng đều giữa các ngành và lĩnh vực. Khoảng cách tương đối về năng suất lao động tuy đã giảm đáng kể, nhưng khoảng cách tuyệt đối (chênh lệch mức năng suất lao động) giữa Việt Nam với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn như Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a lại gia tăng.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do: Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp ở nước ta còn thấp. Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập, tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp. Ngoài ra, còn một số “điểm nghẽn” và “rào cản” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính chưa được khắc phục./.

Loan Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư