Vụ cá chết ở biển miền Trung: Nguyên nhân đã có, song vẫn phải chờ kết luận

07:17 | 03/06/2016 Print
- Theo người phát ngôn Chính phủ, đây là vấn đề rất quan trọng nên trước khi kết luận chính thức phải được phản biện chặt chẽ, bảo đảm chứng cứ, tính pháp lý và tính khách quan.


Tìm nguyên nhân cá chết (Ảnh: Dantri.com.vn)

Cần có thêm phản biện

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, trả lời câu hỏi về kết quả điều tra nguyên nhân cá chết, người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngay sau khi phát hiện ra cá chết bất thường tại các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo kịp thời và quyết liệt các bộ, ngành, địa phương.

Theo đó, đã có hơn 30 cơ quan, bộ, ngành, địa phương tham gia, thu thập chứng cứ, xác minh, tìm ra nguyên nhân vụ việc cá chết. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng mời hàng trăm nhà khoa học trong nước, quốc tế cùng tham gia thu thập dữ liệu, chứng cứ, để xác minh điều tra nguyên nhân, trên nguyên tắc là phải dựa vào khoa học, khách quan, và chặt chẽ về mặt pháp lý.

Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cơ quan chức năng, mời tư vấn trong và ngoài nước để phản biện độc lập. Trước khi kết luận chính thức việc này, có mời các nhà khoa học, tư vấn trong và ngoài nước phản biện vì xác định đây là vấn đề rất quan trọng. Khi công bố, phải bảo đảm chứng cứ, tính pháp lý và tính khách quan.

Đồng thời, Thủ tướng cũng quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm môi trường kinh doanh, môi trường tự nhiên, nhất là bảo đảm môi trường biển được an toàn, lâu dài. Đây cũng là mong đợi của người dân chúng ta.

Thông tin thêm về vấn đề công bố kết quả, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, việc điều tra nguyên nhân cá chết là nhiệm vụ của tập thể nhiều nhà khoa học từ nhiều cơ quan trong và ngoài nước nên cũng đang có những ý kiến khác nhau cần phản biện một cách rốt ráo mới đủ cơ sở khoa học để kết luận một cách chính thức. Bất cứ một sơ suất nào trong kết luận khoa học về nguyên nhân cũng có thể sẽ dẫn đến sai lầm trong khắc phục hậu quả.

Nguyên nhân cá chết còn liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó. Việc xác định thủ phạm không chỉ bằng những bằng chứng khoa học mà còn phải điều tra đầy đủ các bằng chứng vi phạm pháp luật, nhất là pháp luật về môi trường.

Xử lý nghiêm không loại trừ ai

Cả Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đều khẳng định, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất dứt khoát, bất kỳ tổ chức cá nhân nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Chính vì vậy, phải có thời gian điều tra kỹ lưỡng mới thu thập được những bằng chứng xác thực.

Trao đổi thêm với báo giới sau cuộc họp báo, Bộ trưởng Tuấn thông tin, việc phản biện sẽ được thực hiện trong một vài tuần tới. Vấn đề cần kiểm chứng thận trọng là loại chất có trong nước biển gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Trong tháng 6, có khả năng kết luận chính thức về vấn đề sẽ được công bố.

Việc cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung cách đây 2 tháng là một sự cố môi trường rất nghiêm trọng chưa từng xảy ra. Dư luận quan tâm đến nguyên nhân và cách xử lý hậu quả là hoàn toàn chính đáng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trước mắt, để kịp thời hỗ trợ người dân bị thiệt hại, ngày 9/5 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 772 hỗ trợ gạo cho ngư dân ở vùng bị ảnh hưởng, tổ chức thu mua hải sản đánh bắt của ngư dân và hỗ trợ bằng tiền cho các tàu phải ngừng ra khơi, hỗ trợ lãi suất tiền vay vốn tín dụng đối với doanh nghiệp, chủ tàu làm nhiệm vụ dịch vụ hậu cần cá, thu mua hải sản.

Hiện nay Thủ tướng tiếp tục giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khảo sát khu vực biển an toàn để đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, kiểm tra tất cả các dự án có khả năng liên quan tới xả thải trên phạm vi cả nước, mục tiêu là chúng ta chủ động phòng ngừa và cương quyết xử lý vi phạm nếu các tổ chức, cá nhân xả thải không đúng quy định. /.

Trong vụ việc khác khi mà gần đây liên tiếp xảy ra các vụ thuỷ, hải sản chết ở nhiều tỉnh trên cả nước do nguồn nước bị ô nhiễm nặng (Thanh Hoá, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Thuận, Phú Yên, TPHCM...), trong đó nhiều vụ có nguyên nhân xuất phát từ các nhà máy, cơ sở sản xuất xả thải ra môi trường. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát các dự án, cơ sở sản xuất có xả thải ra môi trường, yêu cầu phải thực hiện đúng quy định về xử lý nước thải, về quan trắc tự động môi trường nước thải; xử lý nghiêm các vi phạm; khởi tố vụ án nếu có dấu hiệu tội phạm hình sự; tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng chỉ ra rằng, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã quy định rõ, tuy nhiên thực tế việc đánh giá tác động môi trường của một số dự án đầu tư làm chưa tốt; ý thức bảo vệ môi trường, việc chấp hành pháp luật của nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình còn hạn chế, nhiều trường hợp còn xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa nghiêm.

Anh Đức

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư