Không thể ấn định 30% học sinh phổ thông học đại học, còn lại phải học cao đẳng

23:49 | 16/01/2017 Print
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 16/1, tại TP. Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các vị đại biểu tham gia Hội nghị

Công tác quản lý chưa thoát được tư duy bao cấp

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong những năm qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã có những bước phát triển cả về quy mô, chất lượng đào tạo, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

Cả nước hiện có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã có trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và cao đẳng nghề; đã quy hoạch mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từng vùng, từng địa phương và trình độ đào tạo.

Chất lượng và hiệu quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể. Đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, sinh viên, học sinh ra trường có việc làm cao, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, đứng trước một thị trường lao động năng động và thay đổi nhanh chóng trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn sức ỳ, chưa thay đổi theo kịp với yêu cầu.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các vùng, miền, chưa quy hoạch tới từng ngành, nghề, cấp trình độ đào tạo. Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp không hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cũng chưa thoát được tư duy bao cấp, kế hoạch hóa, chưa đủ sức kiến tạo giáo dục nghề nghiệp phát triển.

Chuyển về Bộ LĐ,TB&XH quản lý: Thuận lợi hơn cho các trường

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc chuyển chức năng quản lý giáo dục nghề nghiệp về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hôi phải theo hướng ổn định và thuận lợi hơn cho các trường cao đẳng, trung cấp.

Xung quanh những lo lắng về cơ chế, chính sách của đại diện các trường vừa được chuyển giao quản lý từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Việc chuyển giao về mặt quản lý Nhà nước nhằm tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động ổn định và thuận lợi hơn chứ không gây ra bất cứ một xáo trộn hay khó khăn nào.

Trong và sau quá trình chuyển giao, các cơ chế chính sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai thực hiện sẽ được giữ nguyên. Sau khi việc chuyển giao hoàn tất, nếu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát hiện bất cập, tồn tại thì sẽ điều chỉnh theo hướng có lợi hơn cho các trường

Về vấn đề tự chủ, Phó Thủ tướng cho biết, quá trình thực hiện tự chủ đại học có rất nhiều khó khăn, sự lưỡng lự, lo lắng và cả lực cản, nhưng với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ chủ quản và các trường, đến nay chúng ta đã có hơn 16 trường đại học và 3 trường cao đẳng tự chủ, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

“Ngân sách Nhà nước không cắt ngay, nhưng sẽ đổi mới cơ chế phân bổ, không thể duy trì tình trạng bao cấp, cào bằng từ ngân sách hà nước. Quan trọng hơn nữa là quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về chuyên môn, mở ngành đào tạo, bộ máy tổ chức của các trường”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng khẳng định, tự chủ là chủ trương chung của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và hiểu theo đúng nghĩa là tự quản, đây là thuộc tính của giáo dục, nhất là giáo dục bậc cao.

“Chúng ta không thể để tình trạng có những trường được đầu tư hàng chục tỷ đồng, xây cơ sở hoành tráng, hằng năm vẫn nhận trợ cấp từ ngân sách nhà nước mà không có người học, chỉ tuyển được vài chục sinh viên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đề nghị các trường, các bộ, các địa phương quán triệt tinh thần “hãy để cho các trường tự chủ, tự tìm thấy cách sắp xếp tự nhiên, hợp lý nhất. Các trường làm tốt có quyền đàm phán, liên kết, sáp nhập với những trường không tốt để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư".

Chìa khóa thành công: Gắn chặt giáo dục nghề nghiệp với DN

Phó Thủ tướng cho rằng nếu “chìa khóa” đối với đại học là đẩy mạnh nghiên cứu, thì giáo dục nghề nghiệp là phải gắn chặt với doanh nghiệp.

“Chúng ta cần ủng hộ, tạo điều kiện cho các trường nghề liên kết với doanh nghiệp, thậm chí có xưởng sản xuất hoạt động ngay ở trong trường, nhưng tuân thủ đầy đủ các quy định của chính quyền địa phương về môi trường, công nghệ… Trong xếp hạng đại học cũng có tiêu chí là sự hài lòng của doanh nghiệp, người sử dụng lao động”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh xu hướng quốc tế hoá trong đào tạo nghề. Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã theo xu hướng quốc tế. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần triển khai rộng các chương trình, giáo trình quốc tế, đào tạo giáo viên, đầu tư trang thiết bị…, tạo đà cho các trường tư thục, trường trọng điểm tiếp tục triển khai công việc này.

Cùng với đó hỗ trợ, đẩy nhanh thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp của các hiệp hội.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, để thay đổi tâm lý bằng cấp, cũng như tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đòi hỏi cần phải có sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo cả nước, phải sửa cả luật và những văn bản liên quan.

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, đào tạo liên thông có vai trò quan trọng để khắc phục tình trạng học sinh lựa chọn học phổ thông rồi lên đại học thay vì trung cấp, cao đẳng nghề.

“Các quyết định 1981, 1982 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định học sinh khi học hết THCS có thể vào trung cấp rồi học liên thông lên cao, học tập suốt đời, nhưng chúng ta không thể ấn định chỉ có 30% học sinh phổ thông học đại học, còn lại phải học cao đẳng. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này thì đại học phải liên kết chặt chẽ với cao đẳng, cao đẳng phải gắn chặt với trung cấp”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn các trường nghề, các địa phương, các bộ, ngành bằng trách nhiệm của mình sẽ tạo ra những đổi mới thực sự, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư