Nâng tuổi nghỉ hưu có phải là giải pháp tối ưu để đảm bảo Quỹ BHXH?

19:17 | 11/03/2017 Print
- Gần đây, câu chuyện về mất cân đối Quỹ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) luôn là tâm điểm của dư luận. Vậy làm thế nào để đảm bảo được Quỹ BHXH, nâng tuổi nghỉ hưu có phải là giải pháp căn cơ để góp phần đảm bảo Quỹ BHXH trong tương lai?

Tại buổi tọa trực tuyến với chủ đề “Quản lý Quỹ BHXH: Đã thực sự hiệu quả?” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào sáng 11/03, đã bàn luận sâu về lý do khiến Quỹ BHXH bị mất cân đối, từ đó nếu ra những giải pháp cụ thể, thiết thực để góp phần đảm bảo Quỹ BHXH.

Ba nguyên nhân khiến Quỹ BHXH mất cân đối

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế dự báo quỹ hưu trí của Việt Nam đến một thời điểm nào đó sẽ mất cân đối, có thể vào năm 2031 hoặc chậm hơn nếu chúng ta sửa đổi chính sách. Lý do khiến Quỹ BHXH bị mất cân đối là từ những nguyên nhân cụ thể như sau:

Thứ nhất, là do quan hệ đóng – hưởng. Hiện nay, mức đóng của Việt Nam đang khá cao, khoảng là 22%. Tuy nhiên, mức hưởng của nước ta cũng thuộc diện cao nhất thế giới là 75%. Như vậy, gần như không có nước nào trên thế giới hưởng mức 75% như nước ta.

Nguyên nhân thứ hai, là về tỷ lệ tích lũy. Ví dụ nam giới tham gia 20 năm BHXH thì mức tối thiểu 45%, tăng thêm mỗi năm đóng BHXH cộng thêm 2%; tỷ lệ này cũng gần như cao nhất thế giới, khi các nước xung quanh chỉ khoảng hơn 1%.

Và nguyên nhân thứ 3 là do đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí 22% tiền lương cả của doanh nghiệp và người lao động.

Vấn đề mất cân đối Quỹ BHXH chủ yếu là quan hệ đóng – hưởng

Ông Doãn Mậu Diệp phân tích thêm, một người lao động có 30 năm tham gia BHXH, mỗi năm đóng 22%, thì sẽ là đóng 66 tháng lương vào đó. Khi về hưu họ hưởng 75%, tức là nếu không có lãi suất thì chỉ đủ trả cho 88 tháng hưởng lương; nếu cộng tất cả lãi suất đầu tư có thể trả tối đa đến 120 tháng, tương đương 10 năm sau khi về hưu.

Tuy nhiên, trên thực tế khi 1 người nghỉ hưu ở tuổi 60, với tuổi thọ bình quân, thì hy vọng sống thêm trung bình là 19 năm. Phần đóng BHXH chỉ đủ trả lương hưu cho 10 năm, 9 năm còn lại Quỹ BHXH phải chi trả. Do vậy, Quỹ BHXH bị âm hay không là ở chỗ này. Chính vì vậy, vấn đề mất cân đối Quỹ BHXH chủ yếu là quan hệ đóng – hưởng.

Nâng tuổi nghỉ hưu có phải là giải pháp căn cơ?

Trên thực tế, hầu hết các nước nâng tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi, trong khi ở Việt Nam, trung bình độ tuổi nghỉ hưu lại thấp hơn. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện nay được quy định là 60 đối với nam, 55 đối với nữ, độ tuổi này đã duy trì từ năm 1960. Còn hiện tại, tuổi thọ bình quân tăng của nước ta tăng lên 73 (trước đây là 67). Tuy nhiên, theo thống kê thì thực tế tuổi nghỉ hưu ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định. Tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,17 tuổi, trong đó nam là 55,61 tuổi và nữ là 52,56 tuổi; tỉ lệ nghỉ hưu đúng tuổi chiếm khoảng 40,5%; số người nghỉ hưu sớm trước tuổi chiếm tỉ lệ cao, trên 50%.

“Tính đến ngày 31/12/2016, nợ đọng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chiếm 3,2% kế hoạch thu, tương đương 7.580 tỷ đồng. Đây là tỷ lệ nợ đọng thấp nhất trong những năm gần đây. Từ năm 2017 BHXH sẽ công khai công bố danh sách những doanh nghiệp nợ đọng BHXH, nhất là doanh nghiệp nợ đọng kéo dài lên các phương tiện thông tin đại chúng”- Ông Phạm Lương Sơn, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam -

Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, hiện nay hầu hết các nước nâng tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi, do đó nâng tuổi nghỉ hưu sẽ là một trong những giải pháp làm giảm mất cân đối.

Bởi lẽ, nếu 1 người tham gia vào Quỹ BHXH thêm 2 năm thì phần đó ít nhất trả cho lương hưu được 2 năm, đồng thời 2 năm không hưởng hưu trí nữa là 4 năm. Nhưng hiện nay mất cân đối khoảng 9 năm, cho nên dù có tăng tuổi nghỉ hưu lên thêm 2 – 3 năm cũng chỉ giải quyết được 1 phần của chuyện mất cân đối.

Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác, như: giảm thiểu tình trạng trốn đóng BHXH, nợ đóng BHXH, chia sẻ giữa các thế hệ; đồng thời tăng lợi tức đầu tư để quỹ có thể bảo tồn và phát triển. Đặc biệt, cần thực hiện sử dụng chi phí quản lý phải hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Sĩ Lợi, mặc việc nâng tuổi nghỉ hưu không phải là giải pháp tối ưu, nhưng sẽ góp phần tác động đến mất cân bằng quỹ. Do vậy, nếu nâng lên nam 65, nữ 60, thì bài toán mất cân bằng quỹ vẫn có thể diễn ra trong tương lai. Chính vì vậy, giải pháp tối ưu nhất chính là thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp.

Chính vì vậy, đòi hỏi dứt khoát phải nâng tuổi nghỉ hưu với lộ trình thích hợp. Còn bây giờ, cần tạo tâm thế cho người lao động.

Ông Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh, trong Bộ luật Lao động, Chính phủ nên tính toán về lộ trình, bước đi, nhóm nào nâng trước, nâng sau. Chẳng hạn, những người có chuyên môn cao, kỹ năng giỏi như giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ giỏi… có thể ở lại làm việc để giúp đất nước, tuy nhiên, đối với những người không có chuyên môn, năng lực yếu mà ở lại thì là bước cản. Đặc biệt, lộ trình tính toán về nâng tuổi nghỉ hưu cần hết sức chú ý đến nhóm người lao động trong môi trường bị độc hại.

Cũng tại buổi Tọa đàm, ông Phạm Lương Sơn, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam thông tin thêm, chi phí quản lý của BHXHVN không lấy từ nguồn thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là nhằm đảm bảo tương quan giữa đóng và hưởng, vừa giải quyết việc thiếu hụt lao động khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu ngày càng giảm đi do mức sinh giảm. Do đó, đây là một trong các giải pháp để bảo đảm an toàn lâu dài cho quỹ hưu trí và tử tuất. Đặc biệt, giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu không liên quan đến vấn đề chi phí bộ máy của cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, vừa qua, có một số thông tin về chi phí quản lý của BHXHVN năm 2015 tăng 75,8% so với năm 2014 với con số tuyệt đối là 3.193 tỷ đồng là không chính xác. Chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện năm 2015 tăng 59% so với năm 2014 chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách và phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế. Còn chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy cơ quan BHXH chỉ tăng 6% so với năm 2014. Tổng số chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện hàng năm không vượt tổng số thu trong năm./.

Hà Giang

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư