Sắp có Nghị định phòng chống bạo lực học đường

21:27 | 10/03/2017 Print
- Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Nghị định Quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.

Đứng trước thực trạng về sự gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng của bạo lực học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành xây dựng Dự thảo nhằm đưa ra những giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi, từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường, hướng tới xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Theo Dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vào tháng 06/2017, sẽ có quy định về môi trường giáo dục an toàn

Cụ thể, tại Dự thảo quy định rõ về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, môi trường giáo dục phòng, chống bạo lực học đường; về trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Đó là môi trường thực hiện chương trình và các hoạt động giáo dục bảo đảm mục tiêu giáo dục; mọi thành viên thuộc cơ sở giáo dục được bảo vệ, tôn trọng, đối xử công bằng và nhân ái; người học được tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực phù hợp với độ tuổi.

Theo đó, quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện gồm: Cơ sở giáo dục không bị ảnh hưởng xấu của các nhà máy, cơ sở sản xuất; cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, văn hóa và các loại hình kinh doanh, dịch vụ khác xung quanh trường học. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng và đồ chơi trẻ em của cơ sở giáo dục. Đáp ứng các yêu cầu về tài liệu, học liệu giảng dạy và học tập sử dụng trong cơ sở giáo dục; hoạt động trong cơ sở giáo dục.

Thành viên thuộc cơ sở giáo dục tôn trọng sự khác biệt; không kỳ thị, phân biệt đối xử về đặc điểm cá nhân, giới tính và hoàn cảnh gia đình đối với thành viên khác. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thuộc cơ sở giáo dục đạt các yêu cầu về phẩm chất và năng lực nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Người học được trang bị kiến thức và kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích…

Đáng chú ý, tại dự thảo quy định về môi trường giáo dục phòng, chống bạo lực học đường với các nội dung: Cơ sở giáo dục có các hoạt động phòng ngừa bạo lực học đường.

Qua đó, công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông báo, tố giác về bạo lực học đường; Thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường; Trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực học đường, bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho thành viên thuộc cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, thành viên thuộc cơ sở giáo dục chủ động áp dụng phương pháp giáo dục bằng các biện pháp tích cực, không bạo lực; không xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác; không cổ vũ, kích động hành vi bạo lực; có trách nhiệm thông báo, tố giác các hành vi bạo lực học đường đến cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân.

Đặc biệt, dự thảo cũng quy định các cơ sở giáo dục có quy trình tiếp nhận thông tin và xử lý trường hợp bạo lực học đường.

Sau đó, sẽ tiến hành xác minh thông tin về đối tượng, địa điểm, thời gian, hình thức bạo lực và đánh giá nguy cơ bạo lực, mức độ tổn hại ban đầu; thực hiện các biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời trong trường hợp khẩn cấp; thông báo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự kiến nếu được thông qua, Nghị định này sẽ có hiệu lực vào ngày 01/06/2017./.

Hà Giang

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư