Có nên xóa bỏ công chức, viên chức đối với giáo viên?

11:37 | 21/05/2017 Print
- Trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên đang gây nên nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là đông đảo thầy cô giáo đang công tác bày tỏ tâm trạng băn khoăn, lo lắng.

Mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định với cán bộ quản lý sở Giáo dục và Đào tạo và cán bộ quản lý ngành giáo dục TP. Quy Nhơn trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, Bộ sẽ triển khai thí điểm không để giáo viên là công chức, viên chức, thay vào đó sẽ theo chế độ hợp đồng “có vào - có ra”, có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình.

Nhiều băn khoăn

Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Có nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương bỏ biên chế giáo dục có mặt tích cực là tạo khoảng trống để nhân tài có cơ hội vào ngành, tránh tính trạng người tài thi biên chế nhưng không dễ gì được vào vì "con ông cháu cha" chiếm hết phần.

Triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên đang gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội

Tuy nhiên, cũng có nhiều người tỏ ra quan ngại vì cho rằng: ai sẽ là người giám sát các hợp đồng "ra – vào" của giáo viên, nhằm đảm bảo không có tiêu cực? Chưa kể, những giáo viên có tuổi là viên chức, công chức, khó có khả năng chạy theo xu thế mới sẽ đứng trước nguy cơ bị đào thải trong khi họ đã có vài chục năm cống hiến cho nghề.

Theo thầy giáo Lê Nhật Tiến (giáo viên tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) nhận định, cùng là giáo viên, nhưng giáo viên thành phố có nhiều cách để kiếm thêm thu nhập ngoài. Còn những giáo viên nơi hải đảo, vùng sâu, xa như chúng tôi, đồng lương thấp thì không thể nào lo cho cuộc sống gia đình. Bởi lẽ, ở hải đảo, cơ sở vật chất còn chưa đáp ứng yêu cầu, có nơi điện còn chưa có, chưa đủ dùng… Đặc biệt, trong điều kiện lương giáo viên còn thấp, những người yêu và chọn theo nghề cũng đã chấp nhận thiệt thòi ở góc độ nào đó so với các ngành nghề khác để đạt sự ổn định tương đối…

Do vậy, nếu Bộ Giáo dục tiến hành bỏ biên chế thì cần tăng lương cho giáo viên, vì đồng lương giáo viên đủ nuôi sống gia đình thì thầy cô mới quên đi bộn bề “cơm áo gạo tiền” để chuyên tâm giảng dạy và hết lòng cống hiến. Còn nếu như, lương chưa tăng mà áp dụng việc xóa biên chế thì liệu còn mấy ai yêu nghề?

Đồng quan điểm này, cô giáo Lý Thị Mỹ Linh (Giáo viên một THCS tại tỉnh Quảng Nam) tâm sự, người giáo viên rất trông chờ được biên chế. Bởi, điều này cũng phần nào tạo sự ổn định, giúp thầy cô chuyên tâm vào sự nghiệp trồng người. Lợi ích của biên chế còn có thêm các chế độ khác như thâm niên, lương hưu; nếu là lao động hợp đồng thì không có hỗ trợ thâm niên. Đặc biệt, không ít thầy cô cống hiến cả tuổi thanh xuân vì nghề, nếu đến độ tuổi trung niên đột nhiên vì lí do nào đó bị cắt hợp đồng thì rất khó tìm việc khác.

Chính vì vậy, cô giáo này vẫn mong muốn giữ nguyên chế độ công chức, viên chức như cũ đối với giáo viên, đồng thời kèm theo điều kiện siết chặt và minh bạch việc thi vào công chức để đảm bảo chọn đúng người tài.

Còn cô giáo Lê Huyền Trang (giáo viên tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng bản thân thật sự chưa yên tâm về việc ứng dụng nó trong bối cảnh này. Nếu đưa vào hiện nay nhiều khả năng sẽ bất cập nhiều hơn. Bởi, chủ trương mới có thể hạn chế tiêu cực trong chạy thi công chức, viên chức nhưng cũng dễ phát sinh việc chạy xin hợp đồng dài hạn. Khi xin tuyển như vậy, rất có thể chính những con ông cháu cha mới là những người dễ xin việc.

Cô Trang bộc bạch, ai sẽ là người được quyền đuổi việc giáo viên? Việc đánh giá năng lực một giáo viên thật sự không đơn giản, không được phép cảm tính. Nếu đặt toàn bộ vào bàn tay của một người thì khó khách quan được. Chưa kể, khi người giáo viên đi làm mà luôn nơm nớp lo sợ (không hẳn là do năng lực yếu kém) thì liệu có yên tâm công tác không? Bởi vì, giáo dục là một ngành nghề đặc thù, là người thầy chứ không phải là nhân viên kinh doanh. Do đó, hãy để thầy cô có chút uy nghiêm trước học trò chứ không phải là người đi làm thuê đơn thuần.

Xu hướng tất yếu để nâng cao giáo dục?

Theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT cho rằng, hiện nay nhiều giáo viên của chúng ta vẫn còn lối suy nghĩ, nếu là công chức hay viên chức thì vị trí công việc sẽ ổn định, ngoài lương còn những thu nhập khác, khó bị đuổi việc, tương lai được đảm bảo… Nhưng có lẽ, giáo viên phải thay đổi suy nghĩ ấy, vì nếu giáo viên có trình độ thực sự, chúng ta không dạy ở trường này thì sẽ dạy ở trường khác.

Đặc biệt, vấn đề chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng “có vào – có ra” là một xu hướng tất yếu nếu muốn nâng cao chất lượng và phát triển giáo dục. Giáo viên buộc phải thay đổi, phải nỗ lực để nâng cao trình độ phục vụ công việc, ông Tùng nhận định.

Tuy nhiên, quan điểm của cô giáo Lê Huyền Trang (Sóc Sơn, Hà Nội) nhận định rằng, thay vì cách đổi hết sang hợp đồng ta vẫn có cách khác. Chẳng hạn như thay vì chỉ là hợp đồng, thì cứ 5 năm sẽ tổ chức một 1 kì thi sát hạch năng lực giáo viên thật công bằng để tăng mức lương hoặc hạ mức lương với ai chưa đạt.

Bổ sung điều này, theo thầy giáo Lê Nhật Tiến (Kiên Giang) cho rằng, trong bối cảnh Bộ máy giáo viên cả nước ngày càng “phình to” thì việc xóa bỏ biên chế có thể là một giải pháp. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại nếu áp dụng sẽ rất bất cập.

Liên quan về vấn đề này, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, việc triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên phải dựa trên xây dựng đề án cụ thể. Theo đó, đề án phải đưa ra yêu cầu cụ thể đối với những người có phẩm chất, năng lực, đặc thù nghề giáo và đảm bảo sự công bằng, minh bạch.

Hiện nay, ở nhiều nơi việc tuyển dụng nhân lực nói chung và giáo viên nói riêng vẫn chưa thực sự trọng dụng người tài. Tình trạng tuyển dụng công chức, viên chức giáo viên vẫn còn theo kiểu “con ông cháu cha” hay mang tính “thương mại”. Vì vậy, việc triển khai không còn công chức, viên chức giáo viên phải gắn với công tác tuyển dụng một cách minh bạch, có chính sách đãi ngộ tốt. Điều này sẽ giúp cho các thầy cô giáo có thể tự nuôi sống được bản thân và gia đình để toàn tâm, toàn ý vào công việc; không nghĩ đến tổ chức dạy thêm - học thêm, tìm kiếm thêm công việc khác để có thêm thu nhập.

Đối với những giáo viên trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên có yêu cầu, chuẩn nghề nghiệp hay hình thức thi đua để thúc đẩy họ luôn phấn đấu. Sau một thời gian bồi dưỡng, nếu thầy cô nào không đạt được một số tiêu chuẩn tối thiểu thì địa phương, trường học có thể luân chuyển, điều động hoặc dừng hợp đồng lao động.

Có thể nói, nếu chủ trương trên được thực hiện thì sẽ tác động rất lớn đến hàng triệu giáo viên đang công tác ở khắp mọi miền của đất nước. GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Sư phạm cho rằng, hiện nay, giáo viên được xếp vào hạng viên chức nhưng thực tế là nhiều chính sách và chế độ thụ hưởng lại như là công chức. Giáo viên có nghề nghiệp đặc thù về chuyên môn nên việc bỏ không còn công chức, viên chức là hoàn toàn đúng đắn. Bởi như vậy sẽ thúc đẩy các thầy cô giáo nâng cao chất lượng giảng dạy, phát triển nghề nghiệp.

Tuy nhiên, sẽ có nhiều giáo viên chưa sẵn sàng đón nhận chủ trương trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì nhiều người đã quen được hưởng lương theo sự “bao cấp”. Do đó, quá trình thực hiện phải có lộ trình, không nên quá đột ngột./.

Tổng hợp từ các nguồn:

http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/khong-con-cong-chuc-giao-vien-y-kien-cua-cac-chuyen-gia-su-pham-625475.vov.

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/se-thi-diem-khong-con-cong-chuc-vien-chuc-giao-vien-373050.html.

http://infonet.vn/bo-cong-chuc-vien-chuc-doi-voi-giao-vien-xu-huong-tat-yeu-de-nang-cao-giao-duc-post228030.info.

http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/se-trien-khai-thi-diem-khong-con-cong-chuc-vien-chuc-giao-vien-lo-lang-20170520110848615.htm.

Hà Giang (tổng hợp)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư