Sẽ thí điểm bỏ biên chế ở trường đại học

23:47 | 09/06/2017 Print
- Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều giáo viên vào biên chế để ổn định nên thiếu động lực phát triển, dẫn đến chất lượng giáo dục không cao. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thí điểm bỏ công chức ở trường đại học.

Đó là một trong nhiều nội dung mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đưa ra trong phiên thảo luận tại Quốc hội diễn ra sáng 09/06 tại Hà Nội.

Thí điểm bỏ công chức ở trường đại học

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc này nằm trong quá trình bộ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 29, triển khai Nghị quyết 88 Quốc hội về đổi mới sách giáo khoa. Do đó, muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải có nguồn lực và động lực. Trong đó, động lực đối với giáo viên và quản lý các nhà giáo hết sức quan trọng.

Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thí điểm bỏ công chức ở trường đại học và một số trường trung học phổ thông có điều kiện

Ông Nhạ phân tích, với chế độ công chức, viên chức như hiện nay còn nhiều bất cập, bất cập rõ là vấn đề tuyển dụng do công chức, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp đặc biệt là phổ thông cho nên việc tuyển dụng chưa phù hợp với nhu cầu về môn học, đặc biệt là chuyên môn dẫn đến hiện tượng thừa, thiếu cục bộ rất nhiều

Chưa kể, còn phần đông giáo viên có tâm lý vào biên chế để ổn định nên gặp khó khăn trong nâng cao kiến thức, phẩm chất, năng lực nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới dạy theo chương trình mới. Điều này dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục không cao.

Vì vậy, Bộ đặt ra vấn đề nghiên cứu, đề xuất thí điểm việc chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động. Trước hết, thí điểm ở khu vực đại học vì đây là khu vực có thuận lợi trong việc thực hiện đơn vị sự nghiệp chuyển sang mô hình tự chủ tốt hơn. Ngoài ra, sẽ nghiên cứu một số trường trung học phổ thông có điều kiện, sau đó từng bước rút kinh nghiệm, nhân rộng.

Bộ trưởng Nhạ khẳng định, khu vực giáo viên và quản lý nhà giáo phải được đổi mới, và đó là yếu tố được cho là quyết định nâng cao chất lượng giáo dục và phải có lộ trình thực hiện. Tuy nhiên, Bộ sẽ nghiên cứu thật kỹ, có lộ trình bước đi và thực hiện một cách căn cơ.

Chưa “tính” bỏ biên chế từ mầm non đến cấp trung học cơ sở

Trước đó, tại cuộc họp về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Nhạ cho biết việc chuyển dần viên chức giáo viên sang chế độ hợp đồng lao động là vấn đề lớn, có tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo. Bộ Giáo dục ý thức rõ việc này, nên trước mắt, Bộ chỉ nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số trường đại học và trường trung học phổ thông đủ điều kiện.

Theo đó, Đề án phải nghiên cứu các giải pháp để giải quyết thỏa đáng các vấn đề mà dư luận băn khoăn như chính sách đặc thù đối với giáo viên đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; chế độ tiền lương, bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp; cơ chế kiểm soát quyền lực của hiệu trưởng.

Đáng chú ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chưa xem xét thí điểm việc chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với giáo viên ở các cấp, như: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và những nơi chưa đảm bảo các điều kiện thí điểm triển khai, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Trước đó, Ngày 16/5, thông tin Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri tại Bình Định sẽ thí điểm bỏ biên chế trong ngành giáo dục gây ra nhiều tranh cãi.

Cụ thể, Bộ cho rằng sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà theo chế độ hợp đồng có vào - ra. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Nhiều ý cho rằng, Bộ trưởng Nhạ nên đối thoại với giáo viên trước khi quyết định chính sách liên quan nhiều người trong ngành giáo dục./.

Hà Giang

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư