e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Quý I/2018: Dự thảo Nghị định về hoạt động lễ hội sẽ được trình Chính phủ

23:17 | 21/11/2017 Print
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa có báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 44/2017/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Bộ VHTTDL cho biết, theo Nghị quyết số 4/2017/QH14, Bộ VHTTDL được giao tổ chức thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, cụ thể là:

Xây dựng các chuẩn mực về đạo đức, lối sống

Với nhóm nhiệm vụ thứ nhất là tập trung thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, ý thức tôn trọng pháp luật, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Đối với việc tập trung thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, Bộ VHTTDL đã xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về “tăng cường bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Trong đó đã xác định rõ việc bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống con người Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội. Đây là nhân tố quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Trong quý I/2018: Bộ VHTTDL sẽ trình Chính phủ Nghị định về hoạt động lễ hội

Đồng thời, tập trung vào thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về đạo đức, lối sống con người Việt Nam, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự đồng thuận xã hội. Xác định hệ giá trị, từ đó xây dựng các chuẩn mực về đạo đức, lối sống con người Việt Nam; xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ.

Phát huy vai trò gia đình trong việc hình thành, dưỡng dục, giám sát đạo đức, lối sống cá nhân, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Bộ đã và đang chỉ đạo xây dựng các chuẩn mực đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay; các mô hình văn hóa từ gia đình đến các đơn vị và cộng đồng dân cư; xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”; về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của cán bộ, công chức, viên chức...

Hình thành những giá trị đạo đức mới

Đối với công tác nêu gương người tốt, việc tốt, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, ý thức tôn trọng pháp luật, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, Bộ đã nỗ lực thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước: xây dựng trình Ban Bí thư ban hành “Chỉ thị về tăng cường bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”; xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chỉ thị về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống gia đình Việt Nam trong tình hình mới”. Bộ cũng đã tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án để hiện thực hóa trong thực tiễn.

Xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực: du lịch, gia đình, đào tạo, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp... Thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình....

Thông qua các cuộc vận động, các Phong trào xây dựng con người mới với các tiêu chí, chuẩn mực cụ thể được triển khai sâu rộng trong từng lĩnh vực, từng địa phương, những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc được tôn vinh, gìn giữ, phát huy; nhiều cử chỉ đẹp, lối sống đẹp, lòng nhân ái ngày càng lan tỏa, thấm sâu trong xã hội, góp phần hình thành những giá trị đạo đức mới của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội

Ở nhóm nhiệm vụ thứ 2 là đảm bảo thực hiện quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, chú trọng các thiết chế tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất; đổi mới cơ chế, chính sách, phương thức hoạt động để phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế này. Quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao. Huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, phát huy giá trị của di sản văn hóa, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ VHTTDL đã ban hành các văn bản gửi UBND các tỉnh/thành nhằm đánh giá hiện trạng và tình hình thực hiện quy hoạch, tình hình khai thác có hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở để có giải pháp, chỉ đạo kịp thời.

Bộ VHTTDL cũng xây dựng, báo cáo Ban Bí thư Hồ sơ Chỉ thị “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở”. Đến nay, đang tiếp tục hoàn thiện nội dung theo chỉ đạo của Ban Bí thư và chuẩn bị báo cáo (lần 2) khi Ban Bí thư có chỉ đạo.

Về nhiệm vụ quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao, Bộ VHTTDL đang triển khai nhiều biện pháp, trong đó có rà soát, đánh giá các mô hình thiết chế văn hóa các cấp; Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu đánh giá để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, thí điểm không tổ chức thiết chế văn hóa cấp xã, tăng cường nguồn lực đầu tư đối với thiết chế văn hóa thôn, làng, bản, ấp...

Chỉ đạo, hướng dẫn ngành văn hóa các địa phương thực hiện các mục tiêu về văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, trong đó đặc biệt chú trọng tham mưu cho chính quyền tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao.

Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, chính quyền địa phương các cấp đã có nhận thức đúng, chủ động cân đối ngân sách địa phương và có những cơ chế, chính sách phù hợp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để phục vụ việc tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp các di tích trên địa bàn.

Kiểm kê, lập danh mục, đánh giá giá trị và xếp hạng di tích

Nhóm nhiệm vụ thứ 3 mà Bộ VHTTDL được giao là tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc; xây dựng kế hoạch giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; trong năm 2017, ban hành nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong các hoạt động văn hóa, đặc biệt là tổ chức lễ hội, hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Thực hiện nhiệm vụ này, Thời gian vừa qua, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam; ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BVHTTDL, ngày 05/07/2017 quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật; Thông tư số 04/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/8/2017 quy định Chương trình bồi dưỡng kiến thức về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc, Bộ đã chỉ đạo tập trung thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập danh mục, đánh giá giá trị và xếp hạng di tích cấp tỉnh/di tích quốc gia/di tích quốc gia đặc biệt, công nhận bảo vật quốc gia, đưa di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bộ cũng đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Hiện nay, Bộ VHTTDL đã hoàn thiện Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định trình Chính phủ (Tờ trình số 134/TTr-BVHTTDL ngày 26/06/2017). Nghị định quy định những nội dung nhằm đảm bảo hoạt động lễ hội diễn ra đúng với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, loại bỏ những tập tục lạc hậu không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, hấp dẫn và có giá trị về giáo dục, tâm linh lành mạnh. Đồng thời định hướng các giải pháp khắc phục phương thức quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội và đề ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lợi dụng hoạt động lễ hội để thương mại, trục lợi.

Hiện nay, Bộ VHTTDL đang triển khai xây dựng dự thảo Nghị định (thời hạn trình Quý I/2018).

Đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn

Nhóm nhiệm vụ thứ 4 mà Bộ VHTTDL được giao là khẩn trương rà soát, sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm, cấp phép biểu diễn nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển, cải cách hành chính và phù hợp với thực tiễn. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, nghệ thuật. Ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện các giải pháp sớm đưa Luật Du lịch vào cuộc sống để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát huy sự tham gia của Nhân dân, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch đảm bảo việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch đúng quy định của pháp luật. Chú trọng liên kết vùng trong khai thác, phát triển du lịch.

Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ VHTTDL làm nhiều việc, trong đó có thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn và thủ tục cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu; chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác cán bộ, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, tiếp nhận và điều động cán bộ, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục. Ban hành các Văn bản hướng dẫn về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Sau khi Luật du lịch số 09/2017/QH14 được Quốc hội thông qua và được công bố tại Lệnh số 05/2017/L-CTN, ngày 29/06/2017 của Chủ tịch Nước về việc công bố Luật, Bộ VHTTDL đã khẩn trương chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến Luật đến các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp du lịch và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời khẩn trương dự thảo, từng bước hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết Luật.

Bộ VHTTDL chủ trì lập và thẩm định các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước, vùng và khu du lịch quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Hà Giang

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư