Bước tiến quan trọng của ngành Y tế trong việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân

07:05 | 16/02/2018 Print
Từ ngày 01/01/2018, sau khi điều chỉnh giá theo lộ trình, cả nước đã thực hiện được mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) bao gồm chi phí tiền lương.

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình

Nhận thức rõ BHYT là giải pháp hàng đầu để bảo đảm công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, nên ngay từ Đại hội XI của Đảng (năm 2011), Đảng ta đã coi BHYT là một trong ba trụ cột của chính sách an sinh xã hội và đề ra nhiệm vụ “Đổi mới và hoàn thiện đồng bộ các chính sách BHYT, khám, chữa bệnh và viện phí phù hợp; có lộ trình thực hiện BHYT toàn dân”.

Tại Kết luận số 63-KL/TW, ngày 27/05/2013 của Hội nghị TW 7 khóa XI về một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020 đã nêu: xác định khung giá, phí các dịch vụ sự nghiệp công lập, từng bước tính đủ tiền lương, chi thường xuyên theo lộ trình, phù hợp với thu nhập của người dân. Xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công theo 3 mức: Mức giá tính đủ tiền lương; mức giá tính đủ tiền lương và chi phí quản lý; mức giá tính đủ tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản.

Tại Nghị quyết số 68/2013/QH13, ngày 29/11/2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân có giao: "Đến năm 2020 phải hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế".

Thực hiện chủ trương cải cách tài chính công của Chính phủ để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa: các đơn vị cung ứng dịch vụ công phải được tính đúng, tính đủ giá để thực hiện tự chủ. Chuyển việc cấp ngân sách trực tiếp cho đơn vị cung ứng dịch vụ sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng để ngân sách được hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng, không bao cấp tràn lan.

Bộ Y tế đã có "bước tiến" quan trọng trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có quy định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. Cụ thể: (i) Đến năm 2016: giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; (ii) đến năm 2018: giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; (iii) đến năm 2020: giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Thực tế, giá dịch vụ KCB BHYT không đơn thuần là giá để người dân chi trả chi phí KCB cho bệnh viện. Quan trọng hơn, giá dịch vụ KCB BHYT là cơ sở để cơ quan bảo hiểm xã hội thay mặt cho người dân thanh toán cho bệnh viện. Giá dịch vụ KCB BHYT không như giá các hàng hóa, dịch vụ khác, mà là quyền lợi của người dân được hưởng khi tham gia BHYT (hoặc mức "bồi hoàn" chi phí KCB của BHYT cho người bệnh có thẻ BHYT). Giá dịch vụ KCB BHYT tính đúng, tính đủ, thì phải bao gồm 4 yếu tố chi phí: (1) Chi phí trực tiếp; (2) chi phí tiền lương; (3) Chi phí quản lý; (4) Chi phí Khấu hao tài sản.

Để hiện thực hóa Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 của Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, ngày 29/10/2015 quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Thông tư quy định giá dịch vụ KCB BHYT, gồm: Chi phí trực tiếp; Chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; Chi phí tiền lương...

Ngày 15/03/2017, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT, quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp. Thông tư quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB, gồm: Chi phí trực tiếp; Chi phí tiền lương. Như vậy, mức giá quy định tại 02 Thông tư này đã tính 2/4 yếu tố theo lộ trình quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, gồm: chi phí trực tiếp và tiền lương (chưa tính 2 yếu tố là chi phí quản lý và khấu hao). Ngoài ra, Bộ Y tế còn ban hành thêm một số công văn để hướng dẫn việc thực hiện giá dịch vụ KCB BHYT bao gồm chi phí tiền lương, như: Công văn số 9913/BYT-KH-TC, ngày 16/12/2015 về việc chuẩn bị triển khai Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; Công văn số 3893/BYT-KH-TC, ngày 24/06/2016 về việc thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC; Công văn số 7354/BYT-KH-TC, ngày 07/10/2016 về việc thực hiện giá dịch vụ KCB BHYT bao gồm cả chi phí tiền lương của một số tỉnh/TP (đợt 2); Công văn số 1367/BYT-KH-TC, ngày 21/03/2017 về việc thực hiện giá dịch vụ KCB BHYT bao gồm cả chi phí tiền lương của một số tỉnh/TP vào tháng 03/2017; Công văn số 2078/BYT-KH-TC, ngày 20/04/2017 về việc thực hiện giá dịch vụ KB, CB BHYT bao gồm cả chi phí tiền lương của 14 tỉnh/TP vào tháng 04/2017.

Thực tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHYT. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc điều chỉnh giá dịch KCB BHYT theo lộ trình từng bước, thận trọng. Không thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh đồng loạt, mà phân chia tiến độ điều chỉnh giữa các đơn vị, địa phương cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tỷ lệ tham gia BHYT và thu nhập của người dân. Đồng thời, phải thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tính đến tháng 01/2018, cả nước đã thực hiện được mức giá KCB BHYT bao gồm cả tiền lương. Cụ thể, trong năm 2016, đã thực hiện giá KCB BHYT có tiền lương tại 36 tỉnh, thành phố, chia làm 3 đợt (tháng 8, tháng 10, tháng 12). Năm 2017, thực hiện tại 27 tỉnh chia thành 2 đợt (tháng 3, tháng 4).

Giá dịch vụ KCB không thanh toán từ quỹ BHYT đã được thực hiện làm 05 đợt trong năm 2017 và năm 2018. Đợt 1 vào tháng 06/2017 đối với các bệnh viện trung ương; đợt 2 vào tháng 08/2017 tại 16 tỉnh; đợt 3 vào tháng 10/2017 tại 15 tỉnh; đợt 4 vào tháng 12/2017 tại 20 tỉnh; đợt 5 vào tháng 01/2018 là 12 tỉnh.

Đây là bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để chuyển ngân sách sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT nhằm sớm đạt lộ trình BHYT toàn dân. Như vậy, nước ta vừa điều chỉnh được giá dịch vụ công, nhưng cũng thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng CPI năm 2016, năm 2017 thấp hơn mức Quốc hội giao.

Một số kết quả đạt được

(i) Thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ KCB theo hướng tính đủ chi phí sẽ đưa giá dịch vụ y tế về đúng giá trị thật. Điều này sẽ khuyến khích người dân tham gia BHYT (nếu không tính đủ, giá thấp, nhiều người sẽ không tham gia BHYT, mà bỏ tiền túi ra chi trả. Nhưng, khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, người dân sẽ thấy được lợi ích, tính nhân văn của BHYT là hàng năm chỉ phải đóng một mức nhỏ để mua BHYT, khi đau ốm sẽ được BHYT thanh toán, giảm bớt rủi ro). Nhờ đó, tỷ lệ người dân tham gia mua thẻ BHYT tăng lên rõ dệt, từ 81,9% dân số tham gia BHYT năm 2016, lên đến 86,45% dân số tham gia BHYT vào năm 2017 (về đích trước 4 năm so với mục tiêu Quốc hội đặt ra: đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT) và vượt 2,1% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg, ngày 28/06/2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020.

(ii) Chuyển từ cơ chế “phí” sang “giá dịch vụ”, đây là bước đổi mới cơ bản, quan trọng, khắc phục tình trạng “bao cấp tràn lan, bao cấp ngược qua giá”, là điều kiện cơ bản để thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ chế tự chủ về tài chính của các cơ sở cung ứng dịch vụ, tăng sự lựa chọn của người sử dụng dịch vụ.

(iii) Quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT được nâng lên rõ rệt vì không phải trả thêm, hoặc tự mua một số thuốc, vật tư, mà trước đây giá thấp, người bệnh phải tự mua hoặc phải trả thêm do quỹ BHYT không thanh toán. Khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới thực hiện các kỹ thuật mới được chuyển giao, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và từng bước giảm quá tải cho tuyến trên.

(iv) Số lượng các bệnh viện công tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng, các bệnh viện do ngân sách bảo đảm toàn bộ (có nguồn thu <10% chi hoạt động) giảm. Năm 2017, do thực hiện được giá dịch vụ có tính tiền lương, nên ước tính cả nước có khoảng 80 bệnh viện công đã tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên.

Nhiều đơn vị mặc dù là đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, nhưng đã bảo đảm được tới 80%-90% thậm chí 95% chi thường xuyên, ngân sách chỉ cấp 5%-10% đến 20%. Nếu có cơ chế giá phù hợp, thì các đơn vị này hoàn toàn có thể tự bảo đảm chi thường xuyên, giảm cấp ngân sách, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN). Theo báo cáo chưa đầy đủ, chỉ tính riêng các đơn vị thuộc Bộ Y tế, thì số đối tượng hưởng lương từ ngân sách giảm 20.599 người (của 18 bệnh viện), tiền lương phải chi khoảng 1.681,4 tỷ đồng/năm. Tại TP. Hồ Chí Minh, sau khi tính tiền lương vào giá, sẽ giảm chi lương từ NSNN khoảng 1.200 tỷ đồng, các tỉnh khác thấp nhất cũng giảm được 70-100 tỷ đồng, từng bước thực hiện chủ trương chuyển ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

(v) Việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB, đặc biệt là tính lương vào giá đã làm thay đổi nhận thức, tư duy của cán bộ y tế. Từ Nhà nước trả lương, nay người bệnh và BHYT trả lương đã thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ và cải thiện rõ rệt thái độ phục vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Những khó khăn, tồn tại

Thứ nhất, định mức kinh tế kỹ thuật chưa thống nhất. Định mức kinh tế kỹ thuật là định mức trung bình tiên tiến để tính giá dịch vụ, được ban hành theo quy trình chuyên môn có tính đến yếu tố an toàn và bảo đảm chất lượng dịch vụ, áp dụng cho đa số các cơ sở KCB. Do đó, khi triển khai thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế tại từng đơn vị cụ thể sẽ có sự khác nhau về số lượng dịch vụ, mức sử dụng vật tư, nhân lực, thời gian dẫn đến chi phí thực hiện sẽ khác nhau. Nhưng, cũng có một số cơ sở y tế không thực hiện đầy đủ quy trình an toàn cho người bệnh, cắt giảm chi phí trong định mức. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và từ chối thanh toán một số khoản chi phí. Bộ Y tế đã bàn với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để thống nhất phương án giải quyết, tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở và để đôn đốc chấn chỉnh sử dụng hợp lý các chi phí đã kết cấu trong giá để bảo đảm an toàn và chất lượng dịch vụ. Trường hợp cơ sở y tế thực hiện đầy đủ quy trình, nhưng tiết kiệm được chi phí, thì vẫn được thanh toán đúng mức giá quy định.

Thứ hai, giá dịch vụ chưa tính đủ chi phí (chi phí quản lý, chi phí khấu hao, lương vẫn tính theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng, nhân lực chưa đáp ứng chăm sóc toàn diện để có đột phá nâng cao chất lượng dịch vụ), nên khó khăn cho các bệnh viện không tuyển đủ nhân lực để đáp ứng chuyên môn, khó khăn trong việc vay vốn để đầu tư (giá dịch vụ BHYT chi trả chưa có khấu hao); vẫn chưa thực sự công bằng giữa khu vực công và khu vực tư.

Thứ ba, về BHYT, mệnh giá thấp, nên chưa thể chi cho các dịch vụ y tế dự phòng, khám, sàng lọc để hạn chế mắc bệnh, phát hiện sớm để giảm chi phí điều trị. Chính sách thông tuyến tuy thuận lợi cho người dân trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ gây tâm lý, thói quen vượt tuyến của người dân. Từ đó, dẫn đến coi trọng điều trị ở tuyến trên, không coi trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế cơ sở, không thực hiện được chủ trương phòng bệnh hơn chữa bệnh, làm tăng chi phí KCB không cần thiết và mất cân đối quỹ BHYT.

Thứ tư, trong công tác giám định, kiểm tra của cơ quan bảo hiểm xã hội và kiểm tra của ngành y tế cũng đã phát hiện có một số cơ sở sử dụng các dịch vụ KCB, như: kê đơn thuốc, chỉ định làm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết so với yêu cầu chuyên môn và đã từ chối thanh toán các chi phí bất hợp lý. Tình trạng này có thể liên quan đến việc thực hiện cơ chế tự chủ của các bệnh viện. Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trong đó tiền lương được cơ cấu vào giá dịch vụ, việc thông tuyến KCB; ý thức tuân thủ pháp luật về BHYT chưa đầy đủ; trong khi các công cụ kiểm soát còn thiếu đồng bộ và sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ.

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Để sớm đạt được lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, thời gian tới ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như sau:

Một là, để giải quyết vướng mắc xung quanh vấn đề định mức nhân lực, thời gian, tiêu hao vật tư y tế sử dụng trong một số dịch vụ kỹ thuật của Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, ngày 29/02/2015, Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác khảo sát định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở sửa đổi, bổ sung một số dịch vụ kỹ thuật quy định tại Thông tư liên tịch số 37. Thành phần Tổ công tác có đại diện Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tham gia. Trên cơ sở kết quả khảo sát số liệu, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống nhất điều chỉnh định mức và giá một số dịch vụ kỹ thuật cho phù hợp với tình hình thực tế, cũng như thống nhất một số nguyên tắc trong công tác giám định thanh toán làm cơ sở để thống nhất triển khai thực hiện. Dự kiến quý I/2018 sẽ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC để các cơ sở KCB có căn cứ thực hiện.

Hai là, Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề nghị các tỉnh nếu chưa thành lập lại Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo quy định tại Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg, ngày 01/03/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg, ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về KCB cho người nghèo, thì phải khẩn trương thành lập để huy động nguồn lực hỗ trợ người nghèo của địa phương khi đi KCB.

Ba là, Bộ Y tế đã và đang tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới, mở rộng mô hình bệnh viện vệ tinh. Thực hiện luân phiên người hành nghề từ tuyến trên, về tuyến dưới. Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nhằm vừa nâng cao trình độ chuyên môn các tuyến, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, chỉ đạo các bệnh viện có chênh lệch thu lớn hơn chi phải trích Quỹ Hỗ trợ KCB theo quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP, ngày 15/10/2012 của Chính phủ quy định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ KCB của các cơ sở KCB công lập để có nguồn hỗ trợ cho người bệnh trong trường hợp khó khăn, không đủ khả năng chi trả chi phí KCB.

Bốn là, Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh có giải pháp quyết liệt để tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT, các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn hợp pháp khác và Bộ Y tế cũng sẽ huy động một số dự án ODA để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT. Các tỉnh khẩn trương hỗ trợ người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT.

Năm là, cần tiếp tục công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về BHYT đối với mọi đối tượng, gồm: người làm việc trong ngành y tế, ngành bảo hiểm xã hội, người tham gia BHYT và chính quyền các địa phương trong việc thực hiện quy định của pháp luật. Đối với người tham gia BHYT từ 05 năm liên tục trở lên sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến (nếu có Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Để được cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm, người khám chữa bệnh cần phải thỏa mãn điền kiện đã tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở). Trường hợp người tham gia BHYT từ 05 năm liên tục trở lên, nếu phần đồng chi trả vượt 6 tháng lương cơ sở, thì bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán phần vượt này để người có thẻ BHYT yên tâm điều trị./.

PGS, TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư