Hy Lạp nói “không” với chủ nợ

17:37 | 06/07/2015 Print
- Với phần lớn số phiếu được kiểm, kết quả từ cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử tại Hy Lạp cho thấy phần lớn cử tri phản đối các điều kiện cứu trợ mới của chủ nợ quốc tế. Tương lai của Hy Lạp trong khối Eurozone sẽ được các lãnh đạo châu Âu định đoạt.

Kết quả do Bộ Nội vụ Hy Lạp công bố ngày 6/7 cho thấy, có 62,5% cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ngày 5/7. Với 100% số phiếu được kiểm, chỉ có 38,69% nói "có" với các điều kiện chủ nợ đề ra.

Đêm qua giờ địa phương, ngay sau khi các kết quả được công bố, hàng nghìn người Hy Lạp phản đối các điều kiện cứu trợ mới đã tập trung tại thủ đô Athens để ăn mừng chiến thắng áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý, bất chấp những cảnh báo rằng, việc không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế có thể khiến Hy Lạp phải rời khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Người dân Hy Lạp ăn mừng sau kết quả bỏ phiếu

Kết quả trên không gây bất ngờ vì trước đó Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và nhiều tổ chức xã hội đã kêu gọi người dân nói "không" với chính sách "thắt lưng buộc bụng" của các chủ nợ châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đặt ra khiến đời sống của họ khó khăn trong suốt 5 năm qua. Chính phủ Hy Lạp đã vận động người dân bác bỏ gói viện trợ, cho rằng các điều kiện đi kèm là một sự "sỉ nhục" với Hy Lạp.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói trong một bài phát biểu trên truyền hình vào đêm qua rằng người dân nước này đã bỏ phiếu cho một "châu Âu đoàn kết và dân chủ".

"Vì ngày mai, Hy Lạp sẽ trở lại bàn đàm phán và mục tiêu chính của chúng tôi là phục hồi sự ổn định tài chính của đất nước", ông Tsipras nói.

Trong khi đó, các đảng đối lập cảnh báo việc bỏ phiếu chống có thể khiến Hy Lạp bị đẩy khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, eurozone - điều mà đa phần người dân Hy Lạp không muốn.

Cựu Thủ tướng Hy Lạp, ông Antonis Samaras, người đã tích cực vận động để người dân ủng hộ gói viện trợ, đã ngay lập tức từ chức lãnh đạo đảng trung tả đối lập New Democracy ngay khi có kết quả cuộc bỏ phiếu.
Kinh tế Hy Lạp đã rơi vào tình trạng khốn đốn nhiều năm qua, người dân liên tục phải sống trong hoàn cảnh thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men... Du lịch vốn là ngành kinh tế mạnh của nước này cũng lao đao. Trước thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân, hệ thống ngân hàng đã phải áp dụng biện pháp kiểm soát nguồn tiền, thậm chí đóng cửa trong vòng một tuần (từ ngày 28/6 đến 6/7) nhằm tránh tình trạng rút tiền ồ ạt.

Theo phủ Tổng thống Pháp, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến gặp nhau tại Paris vào hôm nay để đánh giá kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Hy Lạp. Ông Hollande cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Hy Lạp Tsipras vào đêm qua./.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư