e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Quốc tế

Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 16-22/10

22:34 | 22/10/2017 Print
- Mỹ phạt 6 ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ do vi phạm lệnh trừng phạt Iran, hay việc khuyến cáo các công ty ngừng sử dụng sản phẩm của Kobe Steel... là những diễn biến kinh tế chính trên thế giới tuần qua.

Mỹ phạt 6 ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ do vi phạm lệnh trừng phạt Iran

Tờ báo Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ số ra ngày 21/10 trích dẫn một báo cáo cho biết sáu ngân hàng nước này đang đối mặt với khoản tiền phạt lên tới hàng tỷ USD từ Chính phủ Mỹ với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt chống Iran.

Mặc dù không nêu rõ tên của sáu ngân hàng trên, song tờ báo Haberturk cũng cho biết một trong số những ngân hàng này sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới hơn 5 tỷ USD, trong khi năm ngân hàng còn lại sẽ chịu mức phạt thấp hơn.

Dự kiến, giới chức Mỹ sẽ thông báo chi tiết mức phạt tới các ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ trong vài ngày tới và những ngân hàng này cũng có thể đàm phán để được giảm mức tiền phạt.

Trong những năm gần đây, chính quyền Washington đã phạt nhiều ngân hàng trên thế giới với mức tiền phạt lên tới hàng tỷ USD với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt Iran và nhiều quốc gia khác.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 ra tuyên bố chung

Sau 3 ngày diễn ra (19-21/10), chiều 21/10, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 và các hội nghị liên quan đã chính thức bế mạc tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 ra Tuyên bố chung của các Bộ trưởng. Kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ được báo cáo lên Ủy ban quốc gia APEC 2017 để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11/2017. Thành công của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC đóng góp thiết thực vào kết quả của Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 cũng như thành công chung của Việt Nam trong Năm APEC 2017.

Tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và các Hội nghị liên quan có khoảng 300 đại biểu quốc tế và trong nước, trong đó bao gồm các Bộ trưởng Tài chính, lãnh đạo cơ quan tài chính và lãnh đạo Ngân hàng Trung ương của 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực, lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)...

Khối lượng dầu thô dự trữ của thế giới giảm mạnh

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa thông báo khối lượng dầu thô dự trữ thế giới đang giảm do nhu cầu tại Mỹ và châu Âu tăng mạnh, trong khi nguồn cung của các quốc gia trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm.

IEA đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới từ 1,5 triệu lên 1,6 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, sản lượng dầu mỏ toàn cầu đã giảm 0,72 triệu thùng/ngày vào tháng Tám vừa qua do một số sự cố và hoạt động duy tu bảo dưỡng định kỳ tại các nước thành viên OPEC như Libya, Nga, Kazakhstan, Azerbaijan và Mexico.

Sản lượng dầu thô từ các nước OPEC đã giảm lần đầu tiên sau năm tháng do bất ổn tái bùng phát tại Libya. Mặc dù, 12 thành viên của OPEC bị ràng buộc bởi một thỏa thuận cắt giảm nguồn cung, nhưng họ đã nâng mức từ 75% lên 82% vào tháng Tám và có thể lên gần 90% trong thời gian tới.

Khuyến cáo các công ty ngừng sử dụng sản phẩm của Kobe Steel

Ngày 18/10, Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu khuyến cáo các công ty nên ngừng thu mua vật liệu từ Tập đoàn sản xuất thép Kobe Steel cho đến khi nhà chức trách xác nhận độ an toàn của các sản phẩm do tập đoàn này sản xuất.

Khuyến nghị trên được đưa ra trên website của Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu sau khi tập đoàn sản xuất thép lớn thứ ba Nhật Bản thừa nhận đã làm giả dữ liệu chất lượng của một loạt sản phẩm cung cấp cho hàng trăm công ty trên toàn cầu.

Trong một thông cáo, cơ quan trên đề nghị các công ty hiện sử dụng sản phẩm của Tập đoàn Kobe Steel rà soát kĩ lượng các chuỗi cung ứng của mình nhằm xác định liệu họ có đang sử dụng các sản phẩm “bị nghi không được chấp thuận” của tập đoàn này hay không.

Lạm phát của Anh đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 5 năm

Số liệu chính thức công bố ngày 17/10 cho thấy tỷ lệ lạm phát của Anh trong tháng 9 vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 5 năm do giá cả hàng hóa, thực phẩm và chi phí vận tải tăng.

Theo thông báo của Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS), chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 đã tăng lên 3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 2,9% của tháng 8. Tỷ lệ này phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế và đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/2012.

ONS cho biết các yếu tố chính đẩy tỷ lệ lạm phát ở Anh lên cao trong tháng trước là do dịch vụ giải trí, giá lương thực và chi phí vận tải tăng, cũng như đồng bảng Anh suy yếu do tác động từ cuộc trưng cầu ý dân hồi năm ngoái khiến nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit./.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư