Hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương gặp nhiều bất lợi

21:19 | 27/10/2017 Print
- Việc hợp tác, hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn bộc lộ nhiều yếu tố bất lợi như sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và tư tưởng tự do hoá phản thương mại… Tuy nhiên, các định chế trung gian vẫn sẽ là những bước đi không thể thiếu trong tiến trình thúc đẩy hội nhập kinh tế vì thịnh vượng chung ở khu vực.

Hội nhập là tất yếu

Sáng 27/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Trường chính sách công – Đại học Tokyo tổ chức Diễn đàn nghiên cứu về “Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong xu thế hội thế hội nhập kinh tế ở châu Á -Thái Bình Dương”.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, diễn đàn là cơ hội để trao đổi, thảo luận về bối cảnh, xu hướng hội nhập kinh tế ở châu Á -Thái Bình Dương và hàm ý đối với các nước định hướng xuất khẩu như Việt Nam và Nhật Bản, các định hướng và sáng kiến mà Việt Nam và Nhật Bản có thể cùng thực hiện nhằm thúc đẩy và tận dụng lợi ích từ hội nhập kinh tế khu vực.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, trong những năm qua, nhiều sáng kiến đã được đưa ra nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).

TS. Nguyễn Đình Cung phát biểu khai mạc diễn đàn

Ông Cung đánh giá, những sáng kiến này đã góp phần mang lại lợi ích cho Việt Nam và Nhật Bản cũng như các nền kinh tế thành viên, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường thương mại nội khối, tham gia và kết nối chặt chẽ hơn vào các mạng lưới sản xuất khu vực…

Bên cạnh đó, các sáng kiến hội nhập cũng đòi hỏi những tiêu chuẩn cao gắn với cải cách sâu rộng sau đường biên giới, qua đó tạo thêm động lực cho hoàn thiện thể chế kinh tế.

“Theo tôi, đây là lúc Việt Nam có thể thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh – đầu tư thân thiện, thiết lập các luật chơi chung, chống lại toàn cầu hóa... và trên hết là thúc đẩy phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, ông Nguyễn Anh Dương, Phó ban Kinh tế vĩ mô (CIEM) bình luận.

Các định chế trung gian như TPP, RCEP... có thể cần được điều chỉnh, song vẫn sẽ là những bước đi không thể thiếu trong tiến trình thúc đẩy hội nhập kinh tế vì thịnh vượng chung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Vượt qua thách thức từ sân chơi toàn cầu

Đánh giá nền kinh tế Việt Nam, GS. Toshiro Nashizawa, Trường Chính sách công, Đại học Tokyo cho biết, Việt Nam có quá trình phát triển năng động, hướng tới phát triển kinh tế xã hội ổn định và bền vững.

“Tôi tin tưởng một trong những động lực là sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thông qua thương mại và đầu tư nước ngoài và phát triển mạng lưới sản xuất. Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản sẽ góp phần giúp Việt Nam đang được nhiều thành tựu hơn nữa” GS. Toshiro Nashizawa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, GS. Toshiro Nashizawa cũng nhận định, Việt Nam sẽ còn gặp phải những thách thức từ các yếu tố bất định trong nước và khu vực.

Toàn cảnh diễn đàn

Cụ thể hơn, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành chỉ ra những bất định đặt ra đối với các sáng kiến hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như sự kiện Brexit, hay việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP. Ngoài ra, RCEP cũng đã trải qua 19 vòng đàm phán (tính đến tháng 9/2017) và nhiều mốc không hoàn thành, cho thấy triển vọng kết thúc đàm phán và phê chuẩn còn xa.

Chuyên gia Võ Trí Thành cho biết thêm, việc hợp tác, hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn bộc lộ nhiều yếu tố bất lợi như sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và tư tưởng tự do hoá phản thương mại (thậm chí ở cả những quốc gia dẫn đầu toàn cầu hoá) hay cách tiếp cận khác nhau của các "siêu cường quốc" trong việc xử lý các vấn đề địa chính trị khu vực.

"Đặc biệt là mối lo ngại từ yếu tố thu nhập của lao động đình trệ, gia tăng bất bình đẳng thu nhập và chủ nghĩa dân tuý ở các nước phát triển hay việc phân phối lợi ích không đồng đều giữa các nền kinh tế, cũng như rủi ro rơi vào bẫy lao động giá rẻ, hay bẫy thu nhập trung bình đối với nhiều nền kinh tế", ông Thành đặt vấn đề.

Tuy vậy, chuyên gia Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh rằng: "Dù tình huống nào, TPP cũng là bước tiến quan trọng cho hội nhập ở châu Á - Thái Bình Dương". Để tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, Việt Nam cần một mô hình mới cho hội nhập thịnh vượng, tăng trưởng toàn diện và bền vững, có thể bao gồm tự do hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ nhằm tạo cơ hội kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh công bằng.

Đồng thời, Việt Nam cũng cần cải thiện năng lực thể chế và nhân lực để khai thác có hiệu quả các cơ hội mới, có khả năng chống chịu các cú sốc khác nhau và đối phó tốt hơn với Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, xây dựng thể chế khu vực phù hợp với cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả cũng như xử lý toàn diện các vấn đề phát triển.

Ông Shujiro Urata, cố vấn nghiên cứu cao cấp của Chủ tịch ERIA, Đại học Waseda kiến nghị, Việt Nam cần thiết lập một môi trường kinh doanh thân thiện, đặc biệt là xây dựng mạng lưới sản xuất khu vực. Mặt khác, thiết lập một thị trường chung duy nhất thông qua việc áp dụng biện pháp cộng gộp trong xác định các quy tắc xuất xứ.

"Việt Nam và Nhật Bản cần chủ động, phối hợp song phương và với các đối tác khác nhằm sớm hiện thực hóa các sáng kiến TPP và RCEP. Quá trình này cần củng cố thêm nữa sự ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân, gắn với giải pháp hữu hiệu giảm thiểu tác động bất lợi của hội nhập khu vực tới các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương...”, ông Utara nhận định./.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư