e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Góc địa phương

Nông nghiệp tìm cách sống chung với "hạn, mặn"

16:55 | 25/04/2016 Print
- Hàng chục ngàn ha lúa, thủy sản... đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, khiến lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề.

Dấu hiệu chững lại

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 25/3, ngành nông, lâm, ngư nghiệp, trong quý I/2016 tăng trưởng âm 1,23%, làm giảm 0,16 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung toàn nền kinh tế.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I năm 2016 giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành nông nghiệp (bao gồm: trồng trọt và chăn nuôi) giảm 2,5%, vì đây là ngành chiếm giá trị sản xuất cao nhất, nên chi phối sự giảm sút tăng trưởng của toàn ngành.

Nguyên nhân được đưa ra là do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc ảnh hưởng đến trồng trọt và chăn nuôi ở các khu vực này, quan trọng hơn là ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (khu vực động lực tăng trưởng lớn nhất đối với ngành nông nghiệp cả nước) gây hạn hán và xâm nhập mặn.

Rét đậm rét hại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp

Ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, nên dòng chảy bị thiếu hụt, mực nước sông Mê Kông xuống mức thấp nhất trong gần một thế kỷ qua khiến ngập mặn nặng ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, ngập mặn đã thấm sâu vào nội đồng 40km-60 km.

Đến thời điểm hiện nay, toàn bộ các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bị xâm nhập mặn. Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của 426 nghìn hộ gia đình, làm 172,6 nghìn ha lúa, 8 nghìn ha hoa màu, 41,5 nghìn ha cây ăn quả và 3,5 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng. Tổng thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp ước tính gần 1.000 tỷ đồng.

Chính phủ chi trợ cấp cho các tỉnh bị hạn, mặn

Trước thiệt hại nghiêm trọng này, nhằm hỗ trợ khó khăn cho chính quyền, người dân các tỉnh bị hạn, mặn, ngày 11/4/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định số 604/QĐ-TTg về việc quyết định hỗ trợ 484,7 tỷ đồng cho 21 địa phương và 2 Công ty thủy nông trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2015- 2016.

Các địa phương được hỗ trợ, gồm: Lào Cai; Phú Thọ; Hải Phòng; Thanh Hóa; Nghệ An; Hà Tĩnh; Quảng Ngãi; Bình Định; Khánh Hóa; Ninh Thuận; Bình Thuận; Đắk Lắk; Đắk Nông; Gia Lai; Lâm Đồng; Tiền Giang; Bến Tre; Trà Vinh; Vĩnh Long; Cần Thơ; Hậu Giang. Hỗ trợ Cty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; Cty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà.

Trước đó, tháng 2/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định hỗ trợ 85,1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 cho 6 tỉnh khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Hè Thu năm 2015. Theo đó, 6 tỉnh được Chính phủ hỗ trợ, gồm: Quảng Trị, Đắc Lắc, Đắc Nông, Long An, An Giang, Đồng Tháp 9,4.

Tháng 3/2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 523,7 tỷ đồng cho 34 địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2015-2016. Theo đó, 34 địa phương được hỗ trợ, gồm: Hà Giang; Tuyên Quang; Cao Bằng; Lạng Sơn; Yên Bái; Thái Nguyên; Bắc Kạn; Bắc Giang; Hòa Bình; Điện Biên; Quảng Ninh; Hải Dương; Hưng Yên; Vĩnh Phúc; Bắc Ninh; Hà Nam; Nam Định; Ninh Bình; Thái Bình; Quảng Bình; Quảng Trị; Quảng Nam; Bình Thuận; Kon Tum; Bình Phước; Bến Tre; Trà Vinh; Vĩnh Long; Sóc Trăng; An Giang; Đồng Tháp; Kiên Giang; Bạc Liêu; Cà Mau.

Tìm cách “sống chung với hạn, mặn”

Hỗ trợ thiệt hại dành cho người nông dân đang phải oằn mình gánh hạn, mặn là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ tình trạng này sẽ tăng lên chứ không thể giảm, theo dự báo, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ kéo dài tới tháng 6/2016. Vì vậy, cần phải có giải pháp lâu dài để ứng phó với hiện tượng thời tiết trên.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ - người có gần nửa thế kỷ gắn bó với đồng ruộng Đồng bằng sông Cửu Long, cần giải pháp “sống chung” với hạn, mặn. Nói đến nước mặn thì chúng ta chỉ mới đề cập đến phần gây hại cho lúa mà không đề cập đến lợi thế của nước mặn mang lại cho nông dân một số vùng ven biển. Bà con đã khai thác nước mặn để nuôi trồng thủy sản mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần. Hàng chục ngàn hộ nông dân ở vùng ven biển đã biết khai thác lợi thế của nước biển qua đó mà đổi đời. Tư duy về nước mặn là kẻ thù, rồi ngăn mặn, đã không còn hợp thời này nữa.

Cũng theo GS.TS Võ Tòng Xuân, không nên tiếp tục buộc nông dân trồng lúa quá nhiều trong khi có thể sản xuất nhiều sản phẩm khác có giá trị hơn lúa (Việt Ba, 2016).

Còn theo ông Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, hệ thống thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về cấp, thoát nước riêng biệt, đảm bảo phục vụ nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, cần nghiên cứu ảnh hưởng biến đổi khí hậu một cách bài bản, căn cơ cũng như nghiên cứu về giống thủy sản phù hợp thích ứng với tình hình hạn, xâm mặn đang diễn ra hiện nay và trong tương lai. Các địa phương cần chủ động triển khai đắp đập, nạo vét kênh mương, vận hành hệ thống cống thủy lợi, chủ động điều tiết nước phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Về giải pháp lâu dài cần rà soát quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp cấp nước sinh hoạt… thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực dự báo nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo chủ động ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phòng chống hạn, xâm nhập mặn, công trình thủy lợi, hạ tầng cho phát triển nuôi trồng thủy sản của toàn vùng (Kim Hà, 2016)./.

Tài liệu tham khảo:

Việt Ba (2016). Thiên tai hạn mặn & bài toán an ninh lương thực, truy cập từ http://antg.cand.com.vn/Thien-tai-han-man-bai-toan-an-ninh-luong-thuc-386346/

Kim Hà (2016). Nguy cơ phá vỡ quy hoạch nuôi trồng thủy sản bởi xâm nhập mặn, truy cập từ http://www.vietnamplus.vn/nguy-co-pha-vo-quy-hoach-nuoi-trong-thuy-san-boi-xam-nhap-man/376924.vnp

Lê Thủy

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư